Để hài hoà giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản

THÚY HÀ, ảnh: KHÁNH MẠNH

VHO - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Việt Nam) vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản tổ chức Hội thảo Du lịch Việt Nam - Nhật Bản về “Cân bằng phát triển du lịch và bảo tồn tại các điểm di sản văn hóa: Hướng tới phát triển du lịch bền vững”.

 

Để hài hoà giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản - ảnh 1
Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy

Hội thảo diễn ra bằng hình thức trực tiếp (tại Nhật Bản) và trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) Phạm Văn Thuỷ, Phó cục trưởng Cục Du lịch Nhật Bản (Bộ Đất đai, Giao thông và Du lịch Nhật Bản) Hirashima Takashi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Việt Nam) Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản Shukiri Masafumi.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Minh Đức, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản; đại diện các lãnh đạo một số cơ quan quản lý du lịch địa phương, chính quyền một số điểm đến của Việt Nam và Nhật Bản; các chuyên gia du lịch, di sản; đại diện các Ban quản lý di sản của Việt Nam và Nhật Bản; lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch…

Cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự phát triển nhanh chóng của ngành Du lịch, các quốc gia đối mặt với bài toán khó: Làm sao để vừa phát triển kinh tế thông qua du lịch mà vẫn bảo tồn được những giá trị văn hóa, lịch sử?

Hội thảo "Cân bằng phát triển du lịch và bảo tồn tại các điểm di sản văn hóa: Việt Nam và Nhật Bản- Hướng tới phát triển du lịch bền vững" được tổ chức với mục đích tìm ra giải pháp hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm chung về văn hóa truyền thống lâu đời, cùng chung mối quan tâm trong việc phát triển du lịch bền vững và bảo vệ di sản văn hóa.

Để hài hoà giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản - ảnh 2
Đại biểu 2 nước tham dự Hội thảo trực tiếp tại Nhật Bản

Phát biểu khai mạc, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, Hội thảo là cơ hội quan trọng để các chuyên gia đến từ hai quốc gia đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ bài học thành công và thách thức trong quá trình phát triển du lịch bền vững và bảo tồn di sản văn hóa.

“Việt Nam đang có những phát triển mạnh mẽ về du lịch nhưng đi cùng với đó là những thách thức to lớn về việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Và việc cân bằng giữa phát triển du lịch với bảo tồn di sản là nhiệm vụ quan trọng. Việt Nam với nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm bảo tồn những giá trị văn hóa cho thế hệ tương lai”, ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Thủy mong muốn, tại Hội thảo, các diễn giả, chuyên gia sẽ thảo luận về các chính sách, giải pháp cụ thể để tối ưu hóa việc bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa mà không gây áp lực quá lớn về môi trường và di sản. Từ đó, phát triển du lịch bền vững về mặt kinh tế, môi trường, xã hội; xây dựng tương lai nơi du lịch không chỉ mang lại lợi ích trong ngắn hạn mà còn tạo giá trị lâu dài.

Để hài hoà giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản - ảnh 3
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) là một điển hình tiêu biểu của Việt Nam trong nỗ lực phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn di sản

Tại hội thảo, một trong những chủ đề chính được đề cập là việc khai thác du lịch ở các khu vực di sản văn hóa. Ở cả Việt Nam và Nhật Bản, các di sản văn hóa như Cố đô Huế, phố cổ Hội An (Việt Nam) và di sản Kyoto, Nara (Nhật Bản) đều đối mặt với áp lực lớn từ lượng du khách ngày càng tăng.

Du lịch ngày càng chứng minh vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia và trong việc ổn định đời sống người dân, xoá đói giảm nghèo, nâng cao vị thế quốc gia... Tuy nhiên, nếu không có những biện pháp quản lý bền vững, việc khai thác du lịch có thể làm ảnh hưởng, thậm chí tổn hại đến các di sản mà không cách gì có thể sửa chữa được.

Tại phố cổ Hội An, tình trạng xuống cấp của các công trình kiến trúc và ô nhiễm do sự quá tải từ lượng du khách là ví dụ điển hình. Ở Nhật Bản, các khu vực di sản như Kyoto cũng đã chứng kiến sự thay đổi về không gian sống của người dân địa phương do sự phát triển du lịch quá nhanh.

Để hài hoà giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản - ảnh 4
Phó cục trưởng Cục Du lịch Nhật Bản Hirashima Takashi

Xây dựng những giá trị lâu dài, bền vững

Phó cục trưởng Cục Du lịch Nhật Bản Hirashima Takashi cho rằng, qua việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về những giá trị của di sản và trách nhiệm với đất nước, cũng như tôn trọng các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Không chỉ bảo tồn di sản mà việc quan trọng hơn là phải phát huy giá trị các di sản thành các sản phẩm du lịch, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống người dân trong khu vực di sản.

“Mỗi bên cần có cách làm mới, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội trong việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Trong các giải pháp cần có sự cân bằng, hài hòa, giải quyết các bài toán giữa bảo tồn và phát triển. Thậm chí, phải có những quyết sách trong tương lai về vấn đề này”, ông Hirashima Takashi nói.

Để hài hoà giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản - ảnh 5
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn

Qua thực tế phát triển ở Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, muốn hài hòa giữa phát triển và bảo tồn di sản, cần phải có những giải pháp căn cơ.

Trong đó, tăng đầu tư công và tư nhân; hỗ trợ tài chính phù hợp cho các dự án bảo tồn và phát huy di sản; khuyến khích hợp tác công tư (PPP); xây dựng chính sách miễn, giảm thuế; xây dựng cơ chế chính sách về hỗ trợ tài chính.

Đồng thời, cần có các quy định liên quan nhằm tăng cường, giám sát và quản lý các hoạt động du lịch hướng tới bền vững và bảo vệ các giá trị di sản…; xử lý nghiêm các vi phạm; quản lý hoạt động du lịch di sản văn hóa một cách bền vững, khai thác các giá trị văn hóa nguồn lực cho phát triển du lịch nhưng đồng thời kiểm soát chặt chẽ năng lực để hạn chế tình trạng quá tải du lịch tại các điểm đến di sản.

Nhật Bản là đất nước đã có nhiều thập kỷ kinh nghiệm trong việc bảo tồn và khai thác du lịch tại các điểm di sản văn hóa. Với hệ thống luật pháp chặt chẽ và các chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Nhật Bản đã duy trì được sự hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch.

Để hài hoà giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản - ảnh 6
Khách du lịch tới thăm làng cổ Shirakawa-go, di sản thế giới được UNESCO công nhận năm 1995

Thành phố Kyoto là một ví dụ điển hình khi quy hoạch bảo tồn di sản được triển khai từ sớm, giúp bảo vệ cảnh quan truyền thống của thành phố trong khi vẫn cho phép lượng du khách lớn đến tham quan.

Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ, bao gồm việc giới hạn số lượng khách du lịch, tăng cường giáo dục du khách về văn hóa bản địa, và phát triển hạ tầng du lịch thân thiện với môi trường.

Không chỉ tập trung vào việc bảo vệ các công trình di sản vật thể, Nhật Bản còn chú trọng bảo tồn di sản phi vật thể. Các lễ hội truyền thống, nghi thức tôn giáo và nghệ thuật như trà đạo, võ thuật, nghệ thuật Ikebana được khuyến khích bảo tồn và lan tỏa thông qua các hoạt động du lịch văn hóa.

Điều này đã tạo ra một môi trường văn hóa đa dạng và sâu sắc, giúp du khách trải nghiệm và hiểu rõ hơn về bản sắc Nhật Bản.

Tại Việt Nam, quá trình bảo tồn di sản văn hóa cũng luôn được chú trọng. Các di sản được UNESCO công nhận như: phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn đã trở thành những điểm đến du lịch quan trọng, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Để hài hoà giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản - ảnh 7
Làng cổ Shirakawa-go có những chính sách cụ thể để vừa bảo tồn di sản, vừa phát triển du lịch bền vững

Hội An nhiều năm được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) và các chuyên trang du lịch lớn của thế giới bình chọn là điểm di sản, điểm đến văn hóa, điểm đến giá trị hàng đầu châu Á, hàng đầu thế giới.

Từ những kinh nghiệm và thách thức của cả hai quốc gia, Hội thảo đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm đạt được sự cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản.

Một trong những điểm mấu chốt là tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng, cả du khách và người dân địa phương, về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa cũng như phát triển du lịch bền vững.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, thân thiện với môi trường cũng là một giải pháp được thảo luận rộng rãi. Các khu vực du lịch nên tập trung vào việc phát triển hạ tầng xanh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và các di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, cần áp dụng các chính sách quản lý chặt chẽ về số lượng du khách và thời gian tham quan tại các điểm di sản dễ bị tổn thương.

Đại biểu, diễn giả Việt Nam và Nhật Bản đều đồng ý rằng, tăng cường hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững.

Các chương trình trao đổi, hợp tác về công nghệ, nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp hai quốc gia tiến xa hơn trong việc giải quyết các vấn đề, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc