Liên kết vùng để phát triển du lịch bền vững (Bài 2):
Khơi thông cơ sở hạ tầng
VHO - Sau hợp nhất, các địa phương có tuyến hành lang Đông - Tây sẽ tích hợp tiềm năng, lợi thế khác biệt để mở ra cơ hội phát triển toàn diện, đặc biệt tạo thuận lợi mở không gian cho du lịch phát triển.

Kết nối rừng - biển
Sau khi sáp nhập Đắk Lắk và Phú Yên mở ra cơ hội hình thành tỉnh Đắk Lắk mới có đầy đủ lợi thế rừng và biển. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để liên kết, phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp, dịch vụ logistics và du lịch.
Quốc lộ 29 là tuyến đường huyết mạch nối Phú Yên và Đắk Lắk, sau khi nâng cấp sẽ không chỉ phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa giữa Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung mà còn kết nối hiệu quả với hệ thống cảng biển, cảng cạn, sân bay, đường sắt và các cửa khẩu quốc tế, mở rộng hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế, nhất là khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.
Tỉnh Đắk Lắk xác định, năm 2025 có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm và khởi động các dự án kết nối chiến lược. Hoàn thiện hạ tầng giao thông đối ngoại, đô thị và liên vùng sẽ là nền tảng để tỉnh Đắk Lắk mở rộng không gian phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn chia sẻ: “Chúng ta đang bước vào một chặng đường mới - nơi cao nguyên và duyên hải hòa quyện trong một không gian phát triển thống nhất, gắn kết bởi trục dọc Bắc - Nam và trục ngang Đông - Tây, hình thành “trục xương sống” và “trục chia lửa” cho tăng trưởng kinh tế. Đây là nền tảng để tạo ra một cực tăng trưởng mới ở khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên. Từ những lợi thế, tiềm năng và tầm nhìn xa, chiến lược phát triển tỉnh Gia Lai dựa trên 5 trụ cột và 3 khâu đột phá.
“Tỉnh Gia Lai đặc biệt kiên định 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó đầu tư hạ tầng chiến lược thông qua tập trung đầu tư giao thông liên kết vùng (cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Quốc lộ 19, Quốc lộ 25, Quốc lộ 1), hạ tầng thủy lợi phục vụ nông nghiệp bền vững, hạ tầng số, logistics, cảng biển - sân bay, tạo hành lang phát triển xuyên suốt”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tăng cường năng lực giao thông nội tỉnh
Giao thông là một trong ba lĩnh vực chính của du lịch, gồm lữ hành, lưu trú và vận chuyển. Giao thông là “sợi dây” kết nối mọi hoạt động của du lịch. Do vậy việc chủ động, ưu tiên phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông cũng như các công trình giao thông và tăng số lượng vận tải sẽ tạo nên sức cạnh tranh mạnh mẽ trong phát triển du lịch, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh nổi trội.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu tháng 7.2025 đến nay, có thêm nhiều doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động tuyến xe khách cố định Quảng Ngãi - Kon Tum và chiều ngược lại (từ phường Kon Tum đến phường Cẩm Thành và ngược lại). Trong đó, các DN đã khai thác lâu năm thì đăng ký tăng chuyến, còn các DN mới đăng ký hoạt động từ 2 - 4 chuyến/ngày.
Hiện nay, nhà xe hoạt động lâu năm tuyến Quảng Ngãi - Kon Tum là Xuân Mai (trụ sở ở phường Kon Tum) đã tăng tần suất hoạt động từ 2 chuyến lên 4 chuyến/ngày.
Ở chiều ngược lại, từ phường Cẩm Thành đến phường Kon Tum, thời gian cũng tương tự, nhưng sẽ xê dịch vào buổi chiều ngày cuối tuần khi có nhóm người cùng có nhu cầu xuất phát ở một khung giờ. Còn nhà xe Trung Hiếu, trụ sở ở phường Kon Tum, hiện cũng đang duy trì lịch chạy ổn định của loại xe giường nằm 30 - 40 chỗ, mỗi ngày 2 chuyến.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiến cho biết: “Chúng tôi rất ghi nhận sự góp sức của các DN vận tải hành khách trong việc chủ động đầu tư, mở tuyến xe. Sở cam kết sẽ giải quyết nhanh chóng, thuận lợi thủ tục cấp phép để DN sớm đi vào hoạt động.
Đồng thời, sẽ chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động vận tải trái phép, ngăn chặn tình trạng xe dù, bến cóc, giữ ổn định giá vé, bảo vệ quyền lợi cho hành khách và DN làm ăn chân chính”.
TP Đà Nẵng hội đủ các yếu tố kết nối tự nhiên (sông, biển) hoặc nhân tạo (cao tốc, đường sắt, cảng, sân bay). Chuỗi giá trị giúp khai thác tối đa lợi thế mỗi nơi. Với hệ thống cảng biển Tiên Sa (Đà Nẵng) và Kỳ Hà (Quảng Nam cũ), thành phố mới có thể phát triển kinh tế hàng hải, tăng cường xuất khẩu và thu hút đầu tư.
Hệ thống giao thông sẽ được đồng bộ với các tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng. Các hành lang phát triển theo đường sắt, cao tốc, cảng biển và chuỗi logistics cũng nhiều tiềm năng như cảng Đà Nẵng, cảng Chân Mây tới các cảng phía Nam.
Ngoài xây dựng các chính sách, đa dạng sản phẩm du lịch việc đầu tư hạ tầng giao thông, tăng chuyến kết nối từ biển đến rừng sẽ là “chìa khóa” đóng góp thành công trong sự phát triển du lịch các tỉnh có hành lang Đông - Tây.
(Còn tiếp)