Vùng núi Trung Quốc “đổi đời” nhờ du lịch mạo hiểm

KHÁNH MY

VHO - Trên những ngọn núi mù sương của Châu tự trị Enshi, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), những ngôi làng từng biệt lập đang chuyển mình mạnh mẽ khi du lịch mạo hiểm biến những vách đá dựng đứng thành cơ hội phát triển kinh tế.

Vùng núi Trung Quốc “đổi đời” nhờ du lịch mạo hiểm - ảnh 1
Khách du lịch trải nghiệm "via ferrata" tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Hình thức du lịch dẫn dắt sự đổi thay ở vùng núi Enshi chính là "via ferrata" – kiểu leo núi có hỗ trợ bằng cáp thép và các điểm tựa được gắn vào vách đá.

“Via ferrata” nghĩa là “con đường sắt” trong tiếng Italia, xuất phát từ dãy Alps và đang ngày càng phổ biến tại Trung Quốc những năm gần đây.

Tại Châu tự trị dân tộc Thổ Gia và Miêu Enshi, những cung đường leo núi được thiết kế men theo vách đá dựng đứng đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích thử thách.

Một trong những tuyến nổi bật nằm tại núi Jigongling (Kê Công Lĩnh), thị trấn Hoa Bình. Cung đường dài 2,8 km, với độ dốc thẳng đứng khoảng 650 mét, đã đi vào hoạt động từ năm 2017 và riêng năm 2024 đã đón hơn 30.000 lượt khách.

Không chỉ dừng lại ở đó, tại một khu thắng cảnh khác dọc theo sông Thanh Giang, cũng thuộc khu vực Enshi, một tuyến đường “via ferrata” mới được khai trương từ đầu tháng 5 đã nhanh chóng thu hút khoảng 1.000 lượt khách.

Theo ban quản lý khu vực, tuyến này đặc biệt hấp dẫn giới trẻ và các gia đình ưa thích trải nghiệm.

Vùng núi Trung Quốc “đổi đời” nhờ du lịch mạo hiểm - ảnh 2
Khách du lịch trải nghiệm "via ferrata" tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Lượng du khách ngày càng tăng đã mang lại những tác động tích cực rõ nét cho địa phương. Enshi vốn là khu vực từng bị cô lập và nghèo đói kéo dài, đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ làn sóng du lịch.

Thị trấn Hoa Bình là ví dụ điển hình: nằm ở độ cao khoảng 1.200 mét, nơi đây trước kia gần như tách biệt do giao thông khó khăn, người dân chủ yếu trồng ngô và khoai tây với năng suất thấp, buộc phần lớn thanh niên phải rời quê tìm việc.

Sự xuất hiện của du lịch mạo hiểm đã mở ra cơ hội mới. Quách Thanh, một hướng dẫn viên 29 tuổi tại tuyến “via ferrata” ở Hoa Bình, cho biết anh và nhiều bạn bè từng làm ăn xa nay đã trở về quê, được đào tạo chuyên nghiệp và có việc làm ổn định.

“Giờ chúng tôi có thu nhập ổn định ngay tại quê nhà,” anh chia sẻ với Tân Hoa Xã. Mức thu nhập hàng tháng dao động từ 7.000 đến 8.000 nhân dân tệ (tương đương 24–28 triệu đồng) là một con số đáng kể ở địa phương.

Vùng núi Trung Quốc “đổi đời” nhờ du lịch mạo hiểm - ảnh 3
Một tuyến cáp treo tại một khu danh lam thắng cảnh ở Châu tự trị dân tộc Thổ Gia và Miêu Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Không chỉ tạo việc làm, du lịch còn khơi dậy cả hệ sinh thái dịch vụ. Tại Hoa Bình, hơn 150 việc làm mới đã được tạo ra trong ngành khách sạn và bán lẻ. Nhiều người dân tận dụng chính ngôi nhà của mình để mở homestay, quán ăn hoặc cửa hàng phục vụ khách.

Tưởng Long Bình, một nông dân địa phương, là người tiên phong trong xu hướng này. Ngay sau khi tuyến “via ferrata” khai trương, anh cải tạo nhà thành homestay, đón khoảng 3.000 khách mỗi năm và thu về hơn 100.000 nhân dân tệ từ du lịch.

“Trước đây, chúng tôi vật lộn với nghề nông. Giờ thì cuộc sống đổi khác hoàn toàn,” anh nói. Để phục vụ du khách tốt hơn, anh còn học thêm nấu ăn, mang đến trải nghiệm ẩm thực địa phương cho khách phương xa.

Thành công của anh Tưởng đã lan tỏa khắp thị trấn, nơi ngày càng xuất hiện nhiều nhà nghỉ, cửa hàng, quán ăn phục vụ khách du lịch.

Ngay cả những người không làm trực tiếp trong ngành du lịch cũng được hưởng lợi. Lưu Hiểu Lâm, một người trồng nho dưới chân núi Kê Công Lĩnh, chia sẻ rằng doanh số bán nho của anh đã tăng hơn 40% kể từ khi tuyến leo núi được đưa vào hoạt động.