Liên kết vùng để phát triển du lịch bền vững (Bài cuối):

Đẩy mạnh liên kết, tạo sản phẩm hấp dẫn

NHƯ ĐỒNG - KHÁNH CHI - PHAN HIẾU

VHO - Sau sáp nhập đơn vị hành chính là thời cơ “vàng” để ngành du lịch thực hiện tái cấu trúc, xây dựng thương hiệu liên kết, đưa ra sản phẩm mới và thúc đẩy phát triển bền vững.

 Đẩy mạnh liên kết, tạo sản phẩm hấp dẫn - ảnh 1
Tỉnh Gia Lai có ưu thế đa dạng bản sắc văn hóa của đồng bào thiểu số. Ảnh: TRẦN HỒNG

 Tái cấu trúc theo hướng bền vững

Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, việc sáp nhập đơn vịhành chính mới sẽ đem lại cơ hội phát triển du lịch theo cụm liên kết vùng, tránh trùng lặp sản phẩm, vừa tạo sự khác biệt cạnh tranh.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận khách quan, sau sáp nhập, giai đoạn đầu các tỉnh, thành phải đầu tư làm lại, chứ chưa thể khai thác khi còn nhiều xáo trộn, người làm du lịch và du khách còn chưa kịp nhận diện bản đồ mới.

Đà Nẵng - Quảng Nam (cũ) và Thừa Thiên Huế đã cùng bắt tay liên kết, góp phần quảng bá giới thiệu hình ảnh du lịch ba địa phương với thông điệp “Du lịch xanh - Kết nối và phát triển”. Tuy nhiên, trên thực tế, sự liên kết cũng chỉ mới ở hình thức khởi động, chưa thực sự đi vào chiều sâu, lâu dài, chưa giúp phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch của các địa phương trong mối tương quan liên kết.

Theo ông Phan Xuân Thanh, Phó Chủ tịch lâm thời Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, sau khi sáp nhập, không gian, tài nguyên du lịch của Đà Nẵng sẽ thêm mở rộng, phong phú, tuy nhiên sự phát triển này phải trên tinh thần phát huy, kế thừa những giá trịmà các địa phương đã khẳng định được, đồng thời phải có sự sáng tạo, tạo ra giá trịbền vững thìmới phát triển lâu dài được, nếu không sẽ là sự “ghép nối” cơ học, chắp vá.

Đơn cử như bên cạnh các sản phẩm du lịch hiện đại đã có thương hiệu, ngành du lịch Đà Nẵng sau sáp nhập cần tiếp tục phát huy những thành tựu trong phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp mà ngành du lịch Quảng Nam (cũ) đã đạt được trong thời gian qua.

Xem đây là một trong những định hướng phát triển du lịch quan trọng để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của vùng đất Đà Nẵng. Nhất là trong bối cảnh du lịch xanh không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là định hướng phát triển mang tầm nhìn chiến lược, hướng tới mục tiêu hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường.

PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, du lịch Đà Nẵng cần xác lập tầm nhìn phát triển mới với vịthế là trung tâm du lịch quốc gia mang tầm khu vực và quốc tế, trong đó chú trọng phát triển du lịch đường biển gắn với kinh tế biển.

Định vị các mục tiêu phát triển chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với vai trò “điểm đến du lịch di sản” gắn với “siêu đô thịdi sản - sự kiện - đổi mới, sáng tạo” mang tầm khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, định vị lại chuỗi giá trịdu lịch di sản, du lịch sự kiện gắn với kinh tế đêm, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp để đem lại hiệu quả cao hơn.

Đẩy mạnh liên kết du lịch, đặc biệt với Huế, Quảng Trị và xa hơn là các điểm đến trên tuyến du lịch Hành lang Đông Tây. Đẩy mạnh phát triển du lịch Net Zero gắn với chuyển đổi xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vịlữ hành và nhà cung cấp dịch vụ du lịch tại Quảng Ngãi đã thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài thông qua việc liên kết tour tuyến, chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động vận hành.

Ông Hồ Việt, Giám đốc Công ty du lịch BaZaNa chia sẻ: “Trước hết, chúng tôi làm rõ thế mạnh của mình để thu hút khách hàng, tập trung vào bản sắc văn hóa địa phương để tạo điểm đến thú vị và độc đáo cho du khách. Thay vì gom hết mọi thứ vào một tour, cần phân tích kĩ nhu cầu của khách hàng. Kết nối các tour du lịch, tạo sự phong phú và gắn chặt với việc định vị khách hàng”.

Đẩy mạnh xúc tiến, tối ưu truyền thông số

Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Thương cho biết, với vai trò là cầu nối giữa nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư, Trung tâm sẽ tăng cường kết nối liên vùng, hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch xuyên suốt giữa miền núi - miền biển, kết hợp nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá và văn hóa tâm linh.

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trọng điểm, trong đó: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tại Măng Đen; du lịch biển đảo Lý Sơn gắn với khám phá văn hóa ngư dân và bảo tồn tài nguyên biển; du lịch cộng đồng tại các làng dân tộc thiểu số, kết hợp giáo dục và trải nghiệm bản địa; tăng cường xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng du lịch, dịch vụ lưu trú, logistics du lịch, công nghiệp văn hóa, giải trí; đẩy mạnh số hóa và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến, quảng bá, quản lý và vận hành hoạt động du lịch; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội và chính quyền các cấp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ và môi trường dịch vụ.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai Nguyễn Tấn Thành cho rằng: “Chúng ta cần xây dựng bộ nhận diện thương hiệu Gia Lai - Nơi Rừng và Biển gặp nhau” hoặc “Gia Lai - Một hành trình hai hệ sinh thái rừng và biển… Đặc biệt, xây dựng truyền thông bằng câu chuyện, hình ảnh giàu cảm xúc, lan tỏa trên các nền tảng số”.

Để định hình cực tăng trưởng du lịch rừng - biển của tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Bình Định (cũ) cho biết: “Với một không gian mới rộng lớn và đa dạng như hiện nay, việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch mới phục vụ cho công tác xúc tiến quảng bá là hết sức cấp thiết. Gia Lai sớm hỗ trợ số hóa các di tích lịch sử, tài nguyên văn hóa; xây dựng kênh quảng bá chung về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch của tỉnh trên các nền tảng xã hội như Facebook, Tiktok, Zalo… Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển 500 hướng dẫn viên du lịch quốc tế tại địa phương trong thời gian 3 năm hoặc sớm hơn, nhằm tăng cường nguồn nhân lực phục vụ du khách và quảng bá du lịch đến thịtrường khách quốc tế”.