Để du lịch cất cánh từ kho báu văn hóa Việt (Bài 1):
Công nghiệp văn hóa - đòn bẩy chiến lược để du lịch bứt phá
VHO - LTS: Trong dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, du lịch không thể tiếp tục là ngành tiêu thụ tài nguyên thuần túy, mà cần chuyển mình thành một ngành kinh tế sáng tạo, mang bản sắc và giá trị văn hóa sâu sắc. Trong bối cảnh đó, công nghiệp văn hóa nổi lên như một trụ cột chiến lược, một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ có thể tạo ra bước ngoặt phát triển mới cho du lịch Việt Nam.

Không chỉ làm giàu thêm trải nghiệm, công nghiệp văn hóa giúp định vị hình ảnh quốc gia, nâng tầm điểm đến và khai phóng những dòng chảy sáng tạo chưa từng được khai thác hết. Loạt bài viết này của Văn Hóa mong muốn góp một lát cắt chuyên sâu vào chiến lược phát triển du lịch văn hóa bền vững, đậm bản sắc Việt.
Sau đại dịch Covid-19, thế giới chứng kiến sự thay đổi, dịch chuyển nhanh chóng trong xu hướng du lịch: Du khách toàn cầu không còn tìm kiếm những trải nghiệm đại trà, mà đòi hỏi tính bản địa, độc đáo, gắn với văn hóa và cảm xúc sâu sắc.
Trong bối cảnh đó, việc phát triển du lịch Việt Nam không thể tiếp tục phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên hay di sản sẵn có, mà cần một lực đẩy mới mang tính sáng tạo, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao. Lực đẩy ấy chính là công nghiệp văn hóa.
Cần một lực đẩy mới
Bối cảnh mới hiện nay đòi hỏi các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phải có tầm cao hơn. Các cấp ngành cũng cần nhận thức rõ vị trí của các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ, có chiều sâu hơn.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm cho biết: “Trên thế giới, công nghiệp văn hóa đang ngày càng chứng minh vai trò là một trụ cột của tăng trưởng hiện đại. Theo báo cáo của UNESCO, lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo hiện đóng góp khoảng 3,1% GDP toàn cầu, tạo ra gần 30.000.000 việc làm và ngày càng trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch.
Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng: Khi văn hóa trở thành nguồn cảm hứng cho sáng tạo, khi các di sản được “kể lại” bằng ngôn ngữ hiện đại thì sản phẩm văn hóa không chỉ sống động hơn mà còn có sức lan tỏa và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều”.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Từ bài học của các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy, việc phát huy tính liên ngành, xuyên ngành trong sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa công nghiệp văn hóa sẽ tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng tại các điểm đến du lịch”.
Tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2024 diễn ra ở thành phố Madeira (Bồ Đào Nha), Việt Nam tiếp tục được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”.
Vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch châu Á và thế giới tiếp tục được khẳng định khi đây là lần thứ 6 Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á” và lần thứ 5 được vinh danh “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”.
“Rõ ràng, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã tạo nên những “đòn bẩy” căn bản cho sự cất cánh của du lịch văn hóa như một mũi nhọn ưu tiên của chiến lược quốc gia”, bà Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định.
Công nghiệp văn hóa và du lịch: Hai cánh của một chiến lược phát triển bền vững
Công nghiệp văn hóa thực chất không phải là một ngành kinh tế mới nổi mà là động lực nội sinh, giúp du lịch chuyển trạng thái từ “ngành tiêu dùng tài nguyên” sang “ngành kinh tế sáng tạo”.
Du lịch là “người kể chuyện”, còn công nghiệp văn hóa là kho tàng chất liệu và phương tiện kể chuyện. Sự kết hợp của hai lĩnh vực này tạo nên một chuỗi giá trị văn hóa - trải nghiệm - tiêu dùng độc đáo, giúp điểm đến trở nên sống động, khác biệt và bền vững.
Ở các quốc gia tiên tiến như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Mỹ… sự phát triển du lịch không tách rời khỏi nền tảng công nghiệp văn hóa. Điện ảnh, âm nhạc, thời trang, nghệ thuật thị giác, trò chơi điện tử, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc… đều trở thành chất xúc tác mạnh mẽ thu hút du khách đến và khiến họ quay trở lại nhiều lần.
Hàn Quốc là ví dụ điển hình của việc phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh điểm đến qua công nghiệp văn hóa. Đất nước này không chỉ xuất khẩu phim truyền hình mà còn xuất khẩu các tuyến, tour du lịch theo dấu phim tới các phim trường; nhạc Kpop; thời trang; ẩm thực; mỹ phẩm… Pháp định vị các bảo tàng như: Louvre, Centre Pompidou thành biểu tượng quốc gia.
Tại Mỹ, công nghiệp văn hóa, đặc biệt là điện ảnh đã trở thành trụ cột trong chiến lược phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh quốc gia. Trung tâm điện ảnh Hollywood không chỉ là cái nôi của nền công nghiệp điện ảnh thế giới, mà còn là một trong những “điểm đến mơ ước” của hàng triệu du khách quốc tế, đặc biệt là giới trung lưu và thượng lưu có niềm đam mê với nghệ thuật thứ bảy.
Oscar - giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới của Viện Hàn lâm Khoa học vàNghệthuật Điện ảnh Mỹ(AMPAS) luôn thu hút sự chú ý của du khách quốc tế.
Không dừng lại ở Hollywood, nước Mỹ còn mở rộng ảnh hưởng văn hóa đại chúng thông qua việc phát triển các điểm đến ăn theo các thương hiệu điện ảnh nổi tiếng như: “Harry Potter” tại Universal Orlando Resort (Florida), hay “Star Wars: Galaxy’s Edge” tại Disneyland (California).
Những tổ hợp giải trí quy mô lớn này trở thành điểm hút khách du lịch quốc tế với mức chi tiêu cao, góp phần nâng vị thế của du lịch Mỹ lên tầm đẳng cấp toàn cầu. Có thể nói, nước Mỹ đã khéo léo biến công nghiệp văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng thành “cỗ máy in tiền” không chỉ trong ngành giải trí mà còn trong ngành Du lịch cao cấp.
Cất cánh từ nền tảng văn hóa sáng tạo
Tại Việt Nam, dù đã xác định 12 lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng sự liên kết giữa văn hóa và du lịch vẫn chưa thực sự mạnh. Hệ sinh thái sáng tạo còn manh mún, chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp văn hóa - du lịch hợp tác phát triển sản phẩm chung.
Năng lực sáng tạo nội dung còn yếu, việc quản lý bản quyền và phân phối sản phẩm văn hóa còn nhiều bất cập. Cũng chưa có kế hoạch rõ ràng để chuyển các di sản văn hóa thành tài sản văn hóa, từ đó trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Việc kể chuyện điểm đến còn rời rạc, thiếu đầu tư về công nghệ và hình thức thể hiện.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên và nhiều nhóm ngành có tiềm năng phát triển.
Du lịch văn hóa trong dự thảo Chiến lược này được coi là lĩnh vực có khả năng tích hợp và lan tỏa lớn nhất. Sự kết hợp giữa giá trị di sản, không gian văn hóa và sáng tạo hiện đại chính là hướng đi bền vững để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Du lịch.
Để phát triển đột phá du lịch Việt Nam, cần nhìn nhận công nghiệp văn hóa như một trụ cột chiến lược, song hành với hạ tầng, công nghệ và nhân lực. Gợi mở những giải pháp có tầm nhìn xa để du lịch có thể cất cánh từ nền tảng văn hóa sáng tạo, ngoài Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia cho rằng nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các dự án công nghiệp văn hóa mới, có tính lan tỏa; xây dựng hệ sinh thái công nghiệp văn hóa tại các điểm đến trọng điểm; đẩy mạnh giáo dục văn hóa, mỹ thuật, sáng tạo trong trường học và đào tạo du lịch; đầu tư hạ tầng số và chuyển đổi số trong giới thiệu, phân phối sản phẩm văn hóa du lịch.
Đã đến lúc du lịch Việt Nam cần một chiến lược tổng thể tầm quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên nội lực sáng tạo của văn hóa dân tộc. Công nghiệp văn hóa không chỉ là đòn bẩy để tạo sản phẩm khác biệt, mà còn là cánh cửa đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới bằng những ngôn ngữ hiện đại, gần gũi, hấp dẫn.
(Còn tiếp)