Công nghệ số và khát vọng của du lịch Việt Nam:

Mỗi “cú chạm” là một hành trình khám phá

NGUYỄN ANH

VHO - Bước qua giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, du lịch Việt Nam bước vào năm 2025 với khát vọng bứt phá mạnh mẽ và tư thế chủ động.

Mỗi “cú chạm” là một hành trình khám phá - ảnh 1
Chương trình “Galaxy AI hiểu tiếng Việt” thu hút nhiều người tham gia. Ảnh: ANH ĐÀO

 Không chỉ nhắm tới những chỉ tiêu về lượng khách hay doanh thu, ngành đang kiến tạo một hệ sinh thái du lịch hiện đại - nơi công nghệ là trụ cột, trải nghiệm là trung tâm và con người là “linh hồn” của mọi chuyển động.

 Năm bản lề cho phục hồi và tăng trưởng

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2025 là dấu mốc quan trọng, mở ra giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch.

Ngành đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế; 120- 130 triệu lượt khách nội địa; đạt tổng thu du lịch 1 triệu tỉ đồng...

Những con số ấn tượng này không chỉ góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của cả nước, mà còn tạo bệ phóng cho những năm tăng trưởng bứt tốc tiếp theo.

Ngay trong quý I năm 2025, ngành Du lịch đã chứng kiến những tín hiệu tích cực: Đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,6% so với cùng kỳ 2024 và cao hơn 134% so với trước đại dịch (năm 2019); khách nội địa đạt 35,5 triệu lượt; tổng thu du lịch ước đạt 242 ngàn tỉ đồng...

Những kết quả này là thành quả của sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự đồng hành từ các địa phương và đặc biệt là nỗ lực đổi mới từ các doanh nghiệp du lịch trong phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, từ 15.8.2023, chính sách visa của Việt Nam đã thông thoáng hơn rất nhiều, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách quốc tế và nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch.

Cụ thể, công dân của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có thể xin visa điện tử (e-visa) để nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tối đa là 90 ngày, có thể nhập cảnh một lần hoặc nhiều lần. Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân của 29 quốc gia theo các hiệp định đơn phương và song phương.

Mới đây, theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025, Việt Nam miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sỹ...

Tăng tốc chuyển đổi số: Đòn bẩy mới cho du lịch thông minh

Đổi mới công nghệ đã và đang trở thành hướng đi tất yếu trong phát triển du lịch. Tại Tọa đàm Đồng hành cùng đối tác, doanh nghiệp phát triển thị trường khách du lịch đến Việt Nam do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông Mobifone tổ chức, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sáng kiến Hi Vietnam - sản phẩm công nghệ tích hợp dành cho du khách quốc tế. Đây là nền tảng du lịch thông minh tích hợp eSIM miễn phí, tra cứu điểm đến, đặt dịch vụ, thanh toán quốc tế và hỗ trợ đa ngôn ngữ...

Hi Vietnam không chỉ đáp ứng xu thế cá nhân hóa và trải nghiệm theo nhu cầu của du khách, mà còn là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Dự kiến ra mắt vào quý III năm 2025, sản phẩm được kỳ vọng trở thành “người bạn đồng hành số” cho du khách quốc tế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, xu thế du lịch năm 2025 cũng chứng kiến sự lên ngôi của các loại hình gắn với sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch bền vững.

Đặc biệt, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có tốc độ phục hồi nhanh sau đại dịch, những xu hướng này đang rất rõ nét. Với lợi thế về thiên nhiên và văn hóa, Việt Nam được đánh giá là điểm đến cạnh tranh cao trong khu vực. Các thị trường Đông Bắc Á tiếp tục là nguồn khách chủ lực.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn. Khách du lịch hiện đại không chỉ tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ qua mạng mà còn kỳ vọng vào hành trình được “thiết kế riêng” với sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này đòi hỏi các điểm đến, doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải chuyển mình kịp thời để thích ứng.

Tôn vinh du lịch Việt qua công nghệ AI

Không còn là công cụ đơn thuần phục vụ trải nghiệm tiện ích, công nghệ đang từng bước trở thành nhịp cầu cảm xúc, kết nối con người với vẻ đẹp quê hương theo cách hiện đại và sáng tạo.

Minh chứng tiêu biểu là cuộc thi “Galaxy AI hiểu tiếng Việt - Tôn vinh du lịch Việt” do Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) phối hợp cùng Samsung Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 18.4 - 18.5.2025.

Đây là sân chơi công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngôn ngữ tiếng Việt và là hành trình truyền cảm hứng sâu sắc về tình yêu quê hương, khám phá vẻ đẹp Việt Nam qua lăng kính mới mẻ của công nghệ.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đặc biệt ý nghĩa - chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30.4.1975 - 30.4.2025) và 65 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9.7.1960 - 9.7.2025), càng làm nổi bật vai trò của công nghệ trong việc gìn giữ ký ức, lan tỏa niềm tự hào và khơi dậy khát vọng khám phá dải đất hình chữ S.

Với tổng giải thưởng lên tới 300 triệu đồng, cuộc thi khuyến khích cộng đồng sáng tạo nội dung là các Travel blogger, YouTuber, TikToker, nhiếp ảnh gia chia sẻ vẻ đẹp quê hương đất nước bằng công cụ hỗ trợ của Galaxy AI.

Đây cũng là minh chứng cho việc tiếng Việt trở thành 1 trong 13 ngôn ngữ đầu tiên được tích hợp trên nền tảng AI của Samsung, góp phần đưa bản sắc nước nhà bước vào cuộc chơi toàn cầu với tâm thế tự tin.

Bên cạnh các sản phẩm AI, dự án Yêu lắm Việt Nam do Báo Nhân Dân chủ trì triển khai cũng là một nỗ lực chuyển đổi số đầy nhân văn, khi kết hợp công nghệ NFC và dữ liệu số để lan tỏa tình yêu đất nước.

Với gần 200 bảng gắn chip NFC đã được lắp đặt tại các địa danh nổi tiếng trên khắp các tỉnh thành, từ Cột cờ Lũng Cú, Hoàng thành Thăng Long đến Mũi Cà Mau…, du khách chỉ cần một “cú chạm” để truy cập thông tin song ngữ, bản đồ điểm đến, video clip, hình ảnh và có thể chia sẻ tức thì hành trình của mình.

Website www.yeulamvietnam.vn được thiết kế hiện đại, tích hợp bản đồ trực tuyến và chức năng tích điểm đổi quà, chứng nhận số sau mỗi lần check in thành công.

Dự án không chỉ tạo ra một cộng đồng khám phá du lịch số, mà còn mở ra khả năng khai thác dữ liệu du lịch theo thời gian thực, hỗ trợ quản lý điểm đến và phát triển kinh tế số địa phương.

Du lịch Việt Nam năm 2025 không chỉ hướng đến các chỉ số về lượng khách, doanh thu, mà đang từng bước định hình một diện mạo mới: Thông minh hơn, sâu sắc hơn, nhân văn hơn.

Trong đó, công nghệ là chất xúc tác, nhưng chính khát vọng kết nối và tình yêu với đất nước mới là động lực vững bền để ngành Du lịch bứt phá trên đường hội nhập và phát triển bền vững.