Thủ tướng Phạm Minh Chính:
Ngành VHTTDL tiếp tục phát huy những điểm sáng để bước vào giai đoạn mới
VHO - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành VHTTDL năm 2025, tổ chức trực tiếp tại trụ sở Văn phòng Chính phủ và trực tuyến tại 775 điểm cầu trên cả nước vào sáng 18.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong năm 2024, ngành VHTTDL đã có nhiều điểm sáng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Có nhiều điểm sáng
Gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời biểu dương tới đội ngũ các cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, VĐV, HLV, những người làm công tác VHTTDL trên cả nước, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần hướng về con người, hướng về cơ sở của Bộ VHTTDL qua việc tổ chức Hội nghị này. "Việc Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 775 điểm cầu trong đó có nhiều điểm cầu cấp quận, huyện đã chứng minh cho tinh thần hướng về con người, hướng về cơ sở của ngành VHTTDL", Thủ tướng biểu dương.
Khái quát về năm 2024, Thủ tướng đánh giá đây là năm đất nước ta thu được nhiều thắng lợi trên nhiều lĩnh vực, đạt và vượt 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế; an ninh quốc phòng; an sinh xã hội... được đảm bảo. Điểm lại lịch sử dựng xây và phát triển của dân tộc, Thủ tướng đánh giá để dân tộc ta vững vàng, ngày càng lớn mạnh là do chúng ta có truyền thống văn hóa hào hùng.
Chính truyền thống văn hóa, được xem là sức mạnh nội sinh của dân tộc đã giúp đất nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Gần đây nhất, dù cơn bão số 3 rất khắc nghiệt nhưng chúng ta đã khắc phục được hậu quả, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; hoạt động đối ngoại mang lại nhiều hiệu quả...
Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những cống hiến, đóng góp của toàn ngành cho sự phát triển chung của đất nước, Thủ tướng đánh giá trong năm qua các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ có nhiều điểm sáng, nhất là điểm sáng trong việc tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ tư duy, từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, đặc biệt là việc xây dựng hệ giá trị văn hóa để khẳng định văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước, đúng như tinh thần: Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất, văn hóa soi đường cho quốc dân đi...
Thủ tướng cũng đánh giá, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới; nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức thành công, huy động được sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân; lĩnh vực công nghiệp văn hóa có nhiều khởi sắc. Người dân ngày càng được hưởng thụ văn hoá, thể dục thể thao, thành quả du lịch. Lĩnh vực thể dục thể thao tiếp tục được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; lĩnh vực du lịch là một điểm sáng, đạt chỉ tiêu đón từ 17-18 triệu lượt khách trong năm 2024.
Phát huy tính tự chủ, tự lực, tự cường, nắm chắc, đúng và trúng tình hình
Biểu dương những kết quả đã đạt được của ngành, Thủ tướng cũng nêu rõ, chúng ta vẫn cần nhìn thẳng vào những hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục. Về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để phát triển ngành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành theo mục tiêu đã đề ra.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đất nước chúng ta đang trong giai đoạn phát triển. Kỷ nguyên mới cũng đang mở ra. Ngành VHTTDL ý thức được trách nhiệm của mình là phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm cao hơn nhằm đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, như những phát biểu chỉ đạo, gợi mở của Thủ tướng.
“Những người công tác trong ngành VHTTDL hết sức tự hào khi nhìn lại trong tiến trình phát triển của đất nước, trong bối cảnh, điều kiện nào, văn hoá luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo trực tiếp của Đảng, nỗ lực điều hành của chính quyền và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Dẫn lời bài hát Hát về cây lúa hôm nay: Đường lớn đã mở đi tới tương lai/Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay…, Bộ trưởng nêu rõ khi “con đường” lớn đã được Đảng hoạch định, Thủ tướng chỉ ra những nhiệm vụ cần triển khai, ngành VHTTDL sẽ quyết tâm, quyết liệt hơn trong thực hiện nhiệm vụ.
Toàn ngành sẽ thực hiện theo phương châm lao động cần cù, chịu khó; đẩy mạnh yếu tố sáng tạo, hợp tác để “cánh đồng” nghệ thuật, từng lĩnh vực của ngành sẽ “đơm hoa”, để có được những “cánh đồng” bội thu trong lĩnh vực VHTTDL; đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng cũng mong muốn cán bộ toàn ngành sẽ quyết liệt, nỗ lực, cầu thị hơn để vững tin thực hiện những nhiệm vụ đầy trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó. Với 5 bài học, 7 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, Bộ VHTTDL cùng toàn ngành sẽ quán triệt sâu sắc, cụ thể hoá những nội dung chỉ đạo thành hiện thực.
Phát huy tính tự chủ, tự lực, tự cường, nắm chắc, đúng và trúng tình hình, phản ứng linh hoạt chính sách, kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh, phát huy những điểm tích cực, phát huy truyền thống, sức mạnh nội sinh của ngành.
Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; xây dựng được con người đam mê, say sưa, có trách nhiệm, nhiệt huyết với ngành, nhất là người đứng đầu; coi công việc của ngành như công việc của nhà mình. Hội nhập quốc tế tích cực, chủ động, sâu rộng. Phải suy nghĩ, thực hiện làm cho người dân được hưởng thụ thành quả của ngành VHTTDL một cách thoả đáng nhất.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước; phải rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, đồng thời phải thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức; năm 2025 cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV thành công, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Do đó, mục tiêu đặt ra rất cao, Thủ tướng yêu cầu mục tiêu tăng trưởng sẽ phải cao hơn (hơn 8%) Trung ương Đảng và Quốc hội giao, tạo đà, tạo lực và thế cho nhiệm kỳ sắp tới tăng trưởng 2 con số, thì mới đạt được 2 mục tiêu 100 năm (năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước) với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Tăng tốc, bứt phá
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành phải hoàn thiện thể chế vì thể chế cũng là điểm nghẽn của điểm nghẽn, đột phá của đột phá, nguồn lực cho sự phát triển. Huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển; giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", chấm dứt tình trạng xin -cho, bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đột phá, đổi mới cũng phải rõ hướng.
Phát triển hạ tầng VHTTDL, kết nối di tích lịch sử, văn hoá du lịch, các thiết chế văn hoá; ứng dụng hạ tầng số; phát triển trí tuệ nhân tạo của ngành, coi trọng phát triển hạ tầng số. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, đặc biệt là lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao phải có cơ chế, chính sách cho công tác đào tạo, đào tạo từ rất sớm, ngay từ nhỏ với các tài năng, năng khiếu.
Thủ tướng lưu ý tuổi thọ cống hiến của ngành thể thao cũng không phải dài, do đó phải có cả cơ chế, chính sách chung cũng như các cơ chế chính sách đặc thù, giữ chân người tài; có những cơ chế, chính sách, chế tài khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, xử lý những người né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Ngành phải chủ động, sáng tạo đề xuất các cơ chế, chính sách.
Đồng thời phải huy động nguồn lực cho sự phát triển; nguồn lực chính là từ các cơ chế, chính sách. Nguồn lực tài chính của Nhà nước chỉ là vốn mồi để dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, của người dân, doanh nghiệp. Do đó, chúng ta cần phải sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư. Vấn đề là phải có cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực.
Ngoài nguồn lực đã có như tài chính, đất đai, con người thì thể chế, cơ chế, chính sách cũng là biện pháp huy động nguồn lực mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Muốn phát triển công nghiệp văn hoá và giải trí thì phải có nguồn lực này. Phải huy động sức mạnh của xã hội, người dân, doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách thì mới phát triển được ngành, mới có ngành công nghiệp văn hoá và giải trí.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc quản trị ngành VHTTDL phải thông minh, mà muốn thông minh thì phải có cơ sở dữ liệu của ngành. Do đó ngành phải đầu tư mạnh mẽ trí tuệ thông minh, biến những nguồn lực hiện có thành giá trị gia tăng cao hơn. Xây dựng những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, mô hình tốt để tạo phong trào, xu thế để phát triển.
Tạo điều kiện, cơ hội, cơ chế để người dân được hưởng thụ nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, hưởng thụ nền thể thao để dân tộc khoẻ mạnh hơn, cao lớn hơn; hưởng thụ du lịch tạo ra động lực, nguồn cảm hứng cho dân tộc và bạn bè quốc tế.
"Năm 2025, ngành VHTTDL phải tăng tốc, bứt phá, kết quả cao hơn năm 2024, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, quyết đoán, quyết liệt, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Phát triển thể dục thể thao quần chúng theo chiều rộng, phát triển thể thao thành tích cao theo chiều sâu; phát triển du lịch bứt phá thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn phải gắn với văn hoá, thể dục, thể thao. Muốn vậy, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Anh hùng Dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa Thế giới đã từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - là sức mạnh trường tồn của dân tộc; phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan, đòi hỏi bắt buộc, góp phần hình thành một dân tộc mạnh khỏe, mang lại sức khoẻ cho người dân; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Vì vậy, ngành VHTTDL có vai trò hết sức quan trọng, tác động sâu rộng, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ đất nước. Thủ tướng mong ngành tiếp tục phát huy những điểm sáng, truyền thống hào hùng để bước vào giai đoạn mới với khí thế, tâm thế, nguồn lực dồi dào.