Cần thoát khỏi tư duy du lịch mùa vụ

ĐÌNH KIÊN

VHO - Nhu cầu du lịch của người dân càng ngày càng tăng nhưng có thể thấy, du lịch - ngành kinh tế tổng hợp vẫn nặng tính mùa vụ. Đặc biệt, với khách du lịch nội địa là mùa du lịch hè và những ngày lễ tết, được nghỉ dài ngày.

 Cần thoát khỏi tư duy du lịch mùa vụ - ảnh 1

 Các điểm đến miền Bắc vẫn mang nặng tính mùa vụ

 Chạy theo mùa vụ

Có thể nói rằng, nhiều người dân Việt Nam vẫn có thói quen ngẫu hứng trong việc đi du lịch. Thích là lên đường, tự lái xe đi hoặc mua vé máy bay đi. Không đặt phòng khách sạn trước, không tìm hiểu xem ở điểm định đến có đông không, dịch vụ nhiều không, đến thì chơi đâu, ngủ đâu, ăn đâu. Sau dịch Covid-19, nhu cầu, xu hướng du lịch của người dân thay đổi, những người tự đặt dịch vụ, đi du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình, bạn bè càng đông.

Số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, chỉ 5 ngày nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay, ngành Du lịch phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú. Sau mỗi đợt nghỉ lễ như thế, cả nước lại sôi sục với các tâm trạng khác nhau. Người thì than vãn vé máy bay đắt, người thì khổ sở vì tàu xe đông. Những người đặt dịch vụ sớm hoặc qua các công ty lữ hành thì yên tâm, phấn khởi với kỳ nghỉ vui vẻ. Có người lại bực tức vì đông quá, không tìm được chỗ ăn, không thuê được chỗ nghỉ, không chen chân được vào những khu vui chơi…

Nhiều điểm đến phía Bắc hoặc miền Trung do ảnh hưởng của thời tiết nên vẫn coi mùa hè là mùa du lịch cao điểm khách nội địa. Với khách du lịch quốc tế, mùa nghỉ đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) là mùa cao điểm, nhưng đến nay khách du lịch quốc tế cũng đến Việt Nam quanh năm. Phần lớn tính mùa vụ tồn tại dai dẳng do tư duy làm ăn chụp giật, tâm lý “năm mới có một lần”, rồi “găm” phòng khách sạn chờ tăng giá… của nhiều người khiến đôi lúc du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính mùa vụ cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy trong đời sống người dân như tắc nghẽn giao thông, tình trạng tăng giá, ép khách mùa du lịch.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên những chuyển động của ngành Du lịch cũng ảnh hưởng tới nhiều ngành khác. Bên cạnh đó, du lịch phụ thuộc vào tính mùa vụ có thể khiến các điểm đến quá tải cục bộ; các hoạt động du lịch, các sản phẩm du lịch và người làm du lịch chỉ trông chờ vào mùa khiến sức hấp dẫn của điểm đến giảm đi.

Để hết cảnh “cùng khổ”

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho biết: “Mỗi khi vào mùa du lịch hè hoặc dịp lễ tết làm tour rất khổ. Khách khổ, công ty lữ hành khổ mà đơn vị cung cấp dịch vụ cũng khổ. Nhưng không hiểu sao dù tư vấn nhiều, khách vẫn thích đi vào ngày lễ tết. Mùa du lịch hè thì khó tránh khỏi vì khi đó học sinh, sinh viên mới được nghỉ học, các gia đình tranh thủ đi du lịch cùng nhau”.

Theo đại diện nhiều công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành rất muốn tổ chức du lịch một cách chuyên nghiệp, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo dịch vụ cho du khách, giá cả cũng ổn định vì được đặt từ sớm. “Chúng tôi rất muốn tích hợp đa giá trị kinh tế, văn hoá, môi trường trong gói du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho du khách. Bên cạnh đó, có những loại hình du lịch không cần phải mùa vụ mà quanh năm sử dụng được như du lịch MICE, du lịch golf, du lịch ẩm thực, du lịch thể thao…”, ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch CLB Du lịch MICE Việt Nam cho biết.

Theo ông Nguyễn Đức Anh, du lịch MICE có thể diễn ra quanh năm, không có mùa vụ nào cả. Loại hình du lịch này có tính kết nối rất lớn vì cần tổng hợp nhiều dịch vụ, phục vụ các đoàn khách đông có khi lên tới hàng nghìn người. Thực tế cho thấy, du lịch MICE đem lại nguồn thu lớn, có khả năng tạo sức lan tỏa về điểm đến, gắn kết các thành viên sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, tính kết nối, chọn lọc điểm đến, chọn lọc dịch vụ.

Hay như du lịch ẩm thực, nếu phát triển tốt sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành khác như nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống… mà không phụ thuộc mùa vụ. Với nền ẩm thực đa dạng, hấp dẫn, mang đậm màu sắc văn hoá, đặc trưng của các vùng miền, nhiều đầu bếp giỏi thì nhiều điểm đến hoàn toàn có thể phát huy loại hình, sản phẩm du lịch ẩm thực. Với điểm nhấn dịp cuối tuần, các sản phẩm du lịch hấp dẫn cũng sẽ góp phần tăng thời gian du lịch trong năm, kéo giãn du khách khỏi các trung tâm du lịch, giảm áp lực quá tải mỗi dịp lễ tết, mùa du lịch cao điểm.

Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, với những đối tượng đã nghỉ hưu, lao động tự do… hoàn toàn có thể lựa chọn đi du lịch không theo mùa, không phải dịp lễ tết. “Nếu biết cách, khách du lịch có rất nhiều cách hưởng thụ cuộc sống khác nhau, sử dụng các sản phẩm “ngon, bổ, giá hợp lý”, chứ không phải đi du lịch như hành xác nếu chẳng may tới một chỗ quá đông người và du lịch theo kiểu “người ta bảo chỗ đấy đẹp, chỗ này vui”, ông Hoan phân tích.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh, thương mại điện tử… đang cung cấp rất nhiều các nền tảng công nghệ, nhiều ứng dụng số cho ngành Du lịch. Việc số hóa các dữ liệu du lịch, hình thành nguồn dữ liệu lớn toàn ngành để có thể dùng chung; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý, điểm đến, dịch vụ du lịch; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch, người du lịch lựa chọn các dịch vụ, điểm đến phù hợp, tránh được những bức xúc từ việc quá tải mùa cao điểm. “Doanh nghiệp du lịch cũng đang tăng cường ứng dụng công nghệ, nghiên cứu thị trường, phân tích dữ liệu khách hàng để xây dựng chiến lược kinh doanh, sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu du khách, xu hướng du lịch mới, không lệ thuộc vào mùa vụ và tăng tỉ lệ khách quay trở lại”, ông Nguyễn Công Hoan nói.

Để khắc phục tính mùa vụ, doanh nghiệp du lịch cần thường xuyên phải làm mới sản phẩm du lịch, xây dựng các tour, tuyến, điểm đến hấp dẫn, tháo gỡ các điểm nghẽn hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật, chứ không chỉ khai thác tài nguyên tự nhiên, thiếu sự đầu tư, làm ăn chụp giật, ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Việt Nam.