An toàn du lịch biển:

Bài học kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới

HỒNG NHUNG

VHO - Từ thực tiễn kinh nghiệm nhiều nước, phát triển du lịch biển không chỉ là khai thác tiềm năng thiên nhiên sẵn có, mà còn là quá trình đảm bảo an ninh trật tự và tạo ra môi trường an toàn, hấp dẫn du khách.

Bài học kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới - ảnh 1
Tàu Genting Dream với sức chứa 3.600 hành khách, cập cảng biển Phuket (Thái Lan) tháng 7.2024. Ảnh: BANGKOK POST

Nhiều quốc gia trên thế giới đã rất thành công trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch biển và đóng góp doanh thu lớn vào GDP quốc gia. Điển hình là Thái Lan - quốc gia đã tận dụng rất tốt các tiềm năng, tài nguyên biển để đầu tư xây dựng và phát triển du lịch biển.

Một trong những hướng đi đúng của Thái Lan là khai thác tốt tiềm năng về văn hóa, du lịch và du lịch biển để tạo ra sản phẩm tốt nhất.

Song song với đó, nhằm ngăn chặn tình trạng mất an ninh trật tự và đảm bảo an toàn trong quá trình phát triển du lịch, Chính phủ Thái Lan đã thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch Thái Lan, lực lượng này thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu quan khác để đảm bảo an ninh và an toàn cho du khách trong bất kỳ trường hợp nào, giúp nâng cao danh tiếng và vị thế của ngành du lịch Thái Lan trên toàn cầu.

Hay tại Hàn Quốc, quốc gia Đông Á này cũng là điểm đến thu hút rất nhiều khách du lịch trên khắp thế giới. Trong những năm qua, Hàn Quốc đã chú trọng phát triển kinh tế du lịch bài bản.

Nước này xây dựng các kế hoạch rõ ràng như đào tạo nhân lực, xây dựng các khu du lịch, quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện du lịch tầm cỡ quốc tế, xây dựng hệ thống thông tin và truyền bá hình ảnh đất nước ra thế giới.

Để nâng cao chất lượng du lịch quốc gia, Hàn Quốc cũng thành lập “đội quân đặc biệt” là lực lượng Cảnh sát du lịch nhằm đảm bảo an toàn và hỗ trợ du khách thông qua đường dây nóng Cảnh sát Du lịch 24/24.

Tại Mỹ, New Orleans là thành phố du lịch ven bờ Đại Tây Dương thuộc bang Louisiana. Tuy là địa điểm du lịch nổi tiếng song New Orleans lại là nơi thường xuyên chịu tác động thiên tai, bão lũ.

Trận bão Katrina năm 2005 đã gây thiệt hại nặng nề ở vùng ven biển và các thị trấn bên bờ biển, trong đó ngành du lịch biển đã thiệt hại nặng nề về tài sản và con người.

Sau thảm họa bão Katrina, chính quyền New Orleans đã rút ra bài học quản lý rủi ro khẩn cấp đối với ngành du lịch biển, trong đó không chỉ nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền thành phố mà còn đòi hỏi sự tham gia tích cực của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời cần sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống quản lý thảm họa quốc gia.

Việt Nam có trên 3.200 km đường bờ biển, với nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Kinh tế biển, đảo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội nước ta.

Mặc dù ngành Du lịch đã có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế, nhưng trong thời gian vừa qua, quá trình phát triển kinh tế biển, đảo ở Việt Nam vẫn chưa đạt được hiệu quả đáng kể. Đặc biệt hơn, công tác đảm bảo an toàn cho du khách trong du lịch biển cần phải chú trọng nhiều hơn nữa.

Từ thực tiễn phát triển kinh tế du lịch biển gắn với đảm bảo an ninh và an toàn của các nước trên thế giới, Việt Nam có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho quá trình phát triển du lịch biển như: Tăng cường nguồn lực tài chính gắn liền với đảm bảo an ninh, an toàn vùng biển; xây dựng các kế hoạch, đề án, quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch biển.

Trong các trường hợp khẩn cấp, ngành Du lịch cũng cần có các kế hoạch phòng chống rủi ro, xử lý khủng hoảng linh hoạt khi gặp những sự cố về môi trường hay thiên tai bất ngờ không được dự báo trước.

Biển, đảo không chỉ gắn liền với sự phát triển du lịch của đất nước, mà còn là “cầu nối” thương mại chiến lược trên thế giới. Vì vậy, chiến lược phát triển du lịch biển không chỉ dừng lại ở việc khai thác tiềm năng thiên nhiên, mà còn phải đảm bảo tính an toàn tuyệt đối, trong đó bảo vệ tính mạng của du khách và người dân luôn là ưu tiên hàng đầu.