Du lịch dã ngoại cho học sinh:
Bài 3 - “Trả lại không gian sống” cho học sinh
VHO - Việc đưa học sinh đến với những danh thắng tự nhiên đang được phòng Giáo dục Đào tạo Nha Trang ủng hộ, hay chương trình giáo dục di sản tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đều đang là những gợi ý mở, về vấn đề thay đổi môi trường học tập của học sinh, từ bối cảnh khép kín, nặng kiến thức sang mở rộng tương tác tự nhiên cùng môi trường và rèn luyện kỹ năng sống.
Song nếu chỉ dừng lại ở mức độ ngoại khóa, những vận động này liệu đã đủ thuyết phục cho định hướng đổi mới chất lượng giáo dục hiện nay?
Hãy biến sân trường thành sinh cảnh!
Người đặt ra yêu cầu này là ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng). Là một người yêu thiên nhiên và đã tiếp cận một số mô hình giáo dục bên ngoài, ông nhìn nhận, thực chất hoạt động giáo dục đang diễn ra ở các trường học hiện nay “là có vấn đề”.
Trong và ngoài giờ học, gần như trường nào cũng đóng kín cổng, xây tường cao và sân trường luôn trống trải, vắng vẻ. Học sinh đến trường chỉ học; rồi về nhà vẫn học, tập trung vào điểm số thành tích kiến thức, chứ không có được những kỹ năng sinh hoạt bình thường.
“Sân trường các nước khác, cá nhân tôi đã thấy là xanh những thảm cỏ, vườn hoa và rất nhiều tán cây rợp bóng. Học sinh tự nhiên vui đùa, chạy nhảy, có các hoạt động thể dục ở sân trường; ngồi học bài, họp nhóm dưới các gốc cây. Tại sao chúng ta không thể như họ, tại sao chúng ta không để học sinh thoải mái tự nhiên ở nhà trường, mà cứ phải cúi mặt vào sách vở, tuân thủ các nội quy và áp dụng thời khóa biểu dày đặc?”. Câu hỏi này được ông Hoàng Sơn Trà nêu nhiều lần với các thầy cô giáo các trường học trên địa bàn quận mà ông quản lý.
Từ suy nghĩ đó, mới đây, ông Hoàng Sơn Trà đề nghị Phòng Giáo dục quận đề xuất chọn một trường THCS trên địa bàn, thí điểm trồng cây xanh khắp sân trường, trải thảm cỏ xanh mát, để học sinh vào giờ ra chơi không còn nhốt mình trong lớp nữa.
Theo ông, hiện nay các hoạt động rèn luyện thể chất đều đã có khu chức năng riêng ở trường, nên các sân trường đều bỏ trống, mùa mưa nhếch nhác bùn đất còn mùa nắng lại quá nóng bức. Nếu trồng cỏ cây trong sân trường, chắc chắn khung cảnh môi trường giáo dục sẽ khác đi. Qua đó, các trường lớp có thể xây dựng những mô hình hoạt động ngoài trời, không gian sinh hoạt mở, tạo các câu lạc bộ vui chơi giải trí cho học sinh sau giờ học.
Thực tế, ai cũng cảm nhận được nhu cầu vui chơi, tự do của tuổi trẻ là thế nào. Chỉ cần có một môi trường tự nhiên với cây cỏ, với không gian mở, bất kỳ đứa trẻ nào cũng trở nên hồn nhiên và hoạt bát. “Hãy biến những sân trường thành sinh cảnh, đó là việc đầu tiên chúng ta nên làm, để những đứa trẻ được vui cười hoạt bát. Hạnh phúc của giáo dục là gì nếu nhà trường không phải là nơi hội tụ niềm vui của học sinh?”, ông Hoàng Sơn Trà nói.
Lấy lại những “không gian thật”!
Khi biết về những cuộc tham quan Núi Tiên mà thầy giáo Phạm Vũ Thanh An (Nha Trang) hàng tuần tổ chức và con số 57 ngàn lượt học sinh đã được trải nghiệm không gian di sản ở các điểm đến di tích Huế, ông Hoàng Sơn Trà tâm tư: “Tất cả chính là mơ ước chung của những người lớn chúng ta, muốn lứa trẻ có được những không gian thật, để sống tốt hơn và học tập tốt hơn”.
Do đó, ông Hoàng Sơn Trà chia sẻ, những đề nghị của ông, với tư cách cá nhân, nhưng nhất định đại diện cho những ai làm cha mẹ ở Sơn Trà, ở Đà Nẵng, đòi hỏi về một không gian giáo dục phải thay đổi, thực tế hơn và giúp các thế hệ trẻ có những quyền lợi đương nhiên, được sống trong “những không gian thật”.
Có như vậy, những chuyện buồn về những đứa trẻ thiếu kỹ năng sống, tự kỷ thu mình trong phòng riêng, không dám tham gia, phát biểu trước đám đông… sẽ không còn nữa. Những nhận xét tiêu cực về “thế hệ genZ”, “những con gà công nghiệp” lúng túng sau khi ra trường trong xã hội sẽ nhanh chóng triệt tiêu đi?.
Theo thầy Trần Văn Thanh, cựu giáo viên toán ở Đà Nẵng, chúng ta đang nói về một kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thì trước tiên cần quan tâm vào giáo dục và chất lượng giáo dục. Nếu chất lượng giáo dục không thay đổi, khi tư duy giáo dục chỉ tập trung vào những chỉ số thành tích, những giải thưởng thi đua, mà vấn đề kỹ năng sống của học sinh bị giới hạn vì thiếu môi trường tương tác, trách nhiệm ấy phải được nhà quản lý xem xét lại.
Thầy Thanh hỏi: “Khi không gian sư phạm, nơi bọn trẻ chỉ học kiến thức mà coi nhẹ lẽ sống tự nhiên, thiếu những kỹ năng sống cần thiết nhất, thì không gian ấy sẽ tạo nên những kết quả gì, nếu không phải là những thế hệ tương lai yếu kém năng lực và ý chí?”.
“Mong muốn của mình là học sinh ngoài kiến thức sách vở, phải biết được đang sống ở đâu, quê hương mình có những nơi nào đẹp, cha ông mình đã chiến đấu thế nào, xây dựng ra sao để có một cuộc sống hôm nay đầm ấm bình yên. Các thế hệ trẻ có quyền và phải được quyền tận hưởng một cuộc sống thực tế hơn, có cơ hội tiếp xúc, cọ xát những kiến thức bổ ích giữa đời thường, được ngắm hoa nở, biết nhặt lá rơi, biết đoàn kết bên nhau, yêu quý những giá trị đạo đức, thầy giáo Phạm Vũ Thanh An chia sẻ.
Rõ ràng, những hành động, tâm tư điển hình này, dù chưa đại diện đầy đủ cho tất cả, song đang đặt rõ một trách nhiệm rất lớn cho ngành giáo dục, trước những yêu cầu phát triển trong những ngày tới, chỉ với một tương lai rất gần.
Từ những mô hình sinh hoạt dã ngoại, trải nghiệm ngoại khóa mà các trường lớp, đoàn thể cụ thể đã làm được, chiến lược và khung đào tạo của ngành giáo dục, đến tận các cấp cơ sở, phải chăng cần đặt ra thêm nhiều nội dung mới. Trong đó, yêu cầu “trả lại không gian sống” cho cuộc sống của các thế hệ trẻ, là cần thiết!.