Phát triển du lịch nông nghiệp huyện Cam Lâm (Khánh Hòa):
Bài 2 - Đưa du khách khám phá vùng trồng xoài lớn nhất Nam Trung Bộ
VHO - Du lịch nông nghiệp (hay còn gọi là du lịch canh nông - DLCN) là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho địa phương và cư dân bản địa. Loại hình du lịch này không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo tại địa phương.
Nhận diện được những tiềm năng to lớn của du lịch nông nghiệp, tỉnh Khánh Hòa đã sớm có những định hướng và thực hiện các bước phát triển loại hình du lịch còn tương đối mới mẻ này trên địa bàn.
Từ vùng trồng xoài nổi tiếng…
Có thể hiểu, du lịch nông nghiệp là một hình thức du lịch kết hợp giữa tham quan và trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây là loại hình du lịch mà du khách có thể tham quan các trang trại, vườn cây, cánh đồng, vườn tược; từ đó khám phá quy trình canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi và thậm chí tự tay tham gia vào các hoạt động nông nghiệp.
Nằm cách TP. Nha Trang hơn 30km về hướng Nam, cách sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 15km, huyện Cam Lâm là một trong những vùng trồng xoài lớn nhất Nam Trung Bộ. Từ tháng 3-7 hay tháng 9-12, những vườn xoài Cam Lâm có bạt ngàn trái ngọt, xum xuê, trĩu quả.
Theo người dân địa phương cho biết, xoài Cam Lâm có lịch sử phát triển khá lâu đời, thời xa xưa người dân bản địa đã trồng xoài (tây) quanh khu vực đầm Thủy Triều nên gọi là xoài Thủy Triều. Sau này, người Pháp đã mang giống xoài từ Pháp sang trồng tại Cam Lâm (xoài Canh Nông) và các kỹ sư người Australia mang giống xoài Úc sang trồng tại Cam Lâm (Xoài Úc). Đến nay có rất nhiều giống xoài được trồng tại Cam Lâm như: Tứ Quý, Cát Hòa Lộc, Úc, Ấn Độ, Thái Lan…
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, xoài Cam Lâm có chất lượng tốt, được khách hàng quốc tế đánh giá cao: quả to, tròn, màu hồng, vàng đẹp mắt, có hương thơm, vị ngọt thanh. Thậm chí, chất lượng xoài Úc ở Cam Lâm ngon hơn vị xoài Úc nguyên bản tại Úc.
Cây xoài đã gắn bó với người dân Cam Lâm trong nhiều thập kỷ qua, trở thành cây chuyên canh (Canh Nông) của người dân, hầu hết các gia đình đều có vườn xoài, có những cây xoài đã trở thành cây cổ thụ.
Những năm trở lại đây, diện tích trồng xoài ở Cam Lâm ngày càng được nhân rộng do hiệu quả kinh tế, được nhiều thị trường trong và ngoài nước tiêu thụ. Đến đầu năm 2024 toàn huyện Cam Lâm có khảng gần 7.000ha xoài các loại, cho sản lượng rất lớn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài.
Ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: Sớm nhận diện được những tiềm năng to lớn của du lịch nông nghiệp, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 3432/KH-UBND phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2023-2025. Đây thực sự là điều kiện thuận lợi, định hướng rõ nét, là cơ sở để Sở Du lịch phối hợp UBND huyện Cam Lâm xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp trên những cách đồng xoài rộng lớn.
UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh rà soát tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và ưu tiên lồng ghép xây dựng các điểm du lịch nông thôn theo định hướng của Bộ tiêu chí OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng của địa phương để xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nông thôn đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.
…đến tour trải nghiệm du lịch nông nghiệp
Hiện nay, huyện Cam Lâm đã hình thành một số tour du lịch nông nghiệp trải nghiệm, khám phá vườn xoài. Hành trình khám phá vườn xoài, du khách có thể tham quan xứ xoài Cam Lâm Mango Cát Tiên Travel (xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm), mua xoài trái tại nhà vườn Sơn Hiển (thôn Lam Sơn, xã Cam Thành Bắc); nhà vườn Anh Vương (Tổ dân phố Tân Hòa 2, thị trấn Cam Đức); thưởng thức trà xoài tại showroom Camlamonline.com (thôn Tân Hải, xã Cam Hải Tây); mua xoài sấy muối ớt tại Cơ sở sản xuất xoài sấy Cam Lâm Thanh Điểm (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây); mua bánh tráng xoài tại hầu hết các quầy bán xoài tươi dọc Quốc lộ 1 đoạn qua huyện…
Một số công ty lữ hành du lịch cũng đã cử đại diện đến Cam Lâm tìm hiểu về các điểm du lịch cộng đồng, từ đó có kế hoạch đưa du khách đến trải nghiệm du lịch nông nghiệp, khám phá văn hóa các vùng nông thôn nơi đây. Ông Trần Minh Đức, Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành tỉnh Khánh Hòa (Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa) cho biết: Cam Lâm có những vườn xoài trĩu quả rộng mênh mông của vùng nông thôn rất thích hợp để các tour đưa du khách đến đây trải nghiệm nông nghiệp.
Theo đó, khi đến đây du khách được tận hưởng không gian yên bình, khác hẳn nhịp sống tất bật thường ngày; mặc sức thư giãn trong vườn xoài bạt ngàn, thoải mái vin cành hái trái. Chủ vườn hiếu khách sẵn sàng giới thiệu từng giống xoài và chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về xoài, từ cách phân biệt cây giống, chăm sóc, lai ghép, thu hoạch, chế biến món ăn, làm quà tặng…
Không chỉ tham quan, nhấm nháp vị xoài tươi vừa hái, du khách còn có thể thưởng thức nhiều món ăn ngon được chế biến từ trái xoài: Món canh chua xoài nấu cá tươi từ đầm Thủy Triều; món gỏi cá cơm, gỏi tai heo với trái xoài bằm, đủ vị chua cay mặn ngọt, ăn no mà không ngán; món sườn chiên giòn với nước chấm sệt từ cơm xoài được chế biến theo công thức riêng; món gỏi xoài được làm từ trái xoài bằm trộn đậu phộng, rau răm, tôm, thịt…
Xứ xoài Cam Lâm còn làm ra những món quà tặng đặc sản hấp dẫn từ trái xoài, như: Xoài sấy muối ớt bằng công nghệ sấy lạnh; bánh tráng xoài dai dai, ngòn ngọt…
Ông Phan Đình Phùng cho biết: Để xây đánh giá về du lịch nông nghiệp tại đây, Sở Du lịch vừa phối hợp UBND huyện Cam Lâm khảo sát sản phẩm du lịch nông nghiệp từ các vườn xoài. Qua khảo sát cho thấy tiềm năng du lịch từ loại hình du lịch nông nghiệp ở Cam Lâm là rất lớn, nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong thời gian tới, Sở Du lịch đề nghị UBND huyện Cam Lâm tiếp tục quan tâm, rà soát, đánh giá tất cả các điều kiện, tiềm năng về các loại hình du lịch nông nghiệp từ vườn xoài theo quy định. Từ đó hướng dẫn người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp triển khai, phát huy du lịch nông nghiệp hiệu quả, thực sự là điểm nhấn của sản phẩm du lịch nông thôn.
Để tạo sự lan tỏa, UBND huyện Cam Lâm cần phối hợp các công ty lữ hành, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn huyện trên các phương tiên thông tin, báo, đài để thu hút du khách trong và ngoài nước đến đây trải nghiệm, khám phá.