Du lịch Đà Nẵng tăng cường hoạt động xúc tiến năm 2025:
Bài 2 - Củng cố chất lượng điểm đến
VHO - Những thông tin, ghi nhận từ những khởi đầu cho ngành Du lịch Đà Nẵng năm 2025 là rất lạc quan. Hiện nay, địa phương tiếp tục nỗ lực hiện thực hóa những kế hoạch hành động, thực hiện các hoạt động quảng bá, truyền thông tốt hơn, vừa đấu nối, hợp tác với các điểm đến quốc tế, các cầu nối ra ngoài, đến với các thị trường trọng điểm.
Thêm nhiều cầu nối…
Năm 2025, Đà Nẵng đặc biệt khai thác mạnh các đường bay, điểm đấu nối các thị trường trọng điểm về địa phương. Với tinh thần đón lượng khách quốc tế tăng trưởng đột phá, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế và khẳng định vị thế của thành phố trên bản đồ du lịch quốc tế.
Cụ thể đến nay, Đà Nẵng đã hợp tác với các hãng Vietnam Airlines, Emirates và Myanmar Airways xem xét mở nhiều đường bay quan trọng.
Trong đó, Bangkok – Đà Nẵng do Vietnam Airlines sẽ mở lại kể từ ngày 30.3.2025, với tần suất 4 chuyến/tuần; Yangon – Đà Nẵng do Myanmar Airways khai thác từ ngày 2.4.2025, tần suất 2 chuyến/tuần; Dubai – Bangkok – Đà Nẵng do Emirates Airlines dự kiến khai thác từ tháng 6.2025; Osaka – Đà Nẵng do Vietnam Airlines khai thác từ ngày 3.7.2025, tần suất 4 chuyến/tuần…

Đây mới chỉ là những kế hoạch đầu tiên cho môi trường kết nối Đà Nẵng đến với các thị trường giàu tiềm năng, với lượng khách du lịch lớn và nhu cầu di chuyển ngày càng cao.
Việc mở rộng thêm các đường bay vừa giúp Đà Nẵng thu hút nhiều du khách hơn, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế đến với thành phố, cũng như các điểm đến nổi tiếng lân cận.
Qua đó, địa phương có thể khai thác hiệu quả hơn các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch golf, du lịch MICE, và du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, không chỉ có các đường bay, mà địa phương đang tiếp tục rà soát, có các phương án khai thác, mời gọi du lịch đường biển đến Đà Nẵng, miền Trung.
Ngành Du lịch địa phương đang cùng du lịch Huế, Quảng Nam… tìm cơ hội tham gia các hoạt động, diễn đàn du lịch lớn trong và ngoài nước, mời gọi các tổ chức, hiệp hội du lịch các nước quan tâm đến môi trường du lịch Đà Nẵng và Việt Nam, có thêm nhiều hướng khai thác du khách mới như du lịch du thuyền lớn, du lịch đường bộ, đường sắt…
Đơn cử một số đơn vị lữ hành từ Đà Nẵng đang có “sáng kiến” kết hợp các tour đường bộ qua Lào, theo đường sắt liên vận đi Trung Quốc, về phía Thái Lan và ngược lại.
Như thế, du khách đến với Đà Nẵng sẽ nhộn nhịp hơn, sử dụng được nhiều loại hình giao thông ở địa phương và khu vực, như đường sắt Huế - Đà Nẵng, xe khách chất lượng cao Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam…
Những điều kiện thuận lợi và trải nghiệm mới mẻ này, sẽ giúp Đà Nẵng thêm hiệu quả trong công tác quảng bá và truyền thông “Tận hưởng Đà Nẵng”.
Đẩy mạnh chất lượng nội tại
Tuy nhiên, vẫn theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, mọi cánh cửa thu hút về Đà Nẵng chỉ hiệu quả khi địa phương thấy rõ yêu cầu cấp thiết đối của du lịch Đà Nẵng, trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, việc hứa hẹn gia tăng lượng khách quốc tế đang đòi hỏi các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, đầu tư vào các tiện ích cao cấp như spa, hồ bơi, nhà hàng chuẩn 5 sao;.
Ngành du lịch Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung cần cùng nhau nghiên cứu, tích hợp cho được các tiện ích công nghệ thông minh, như ứng dụng đặt phòng, check-in online, hỗ trợ thanh toán chuyển đổi tiền tệ trực tuyến…

Bà Trương Thị Hồng Hạnh biểu lộ, những vấn đề đặt ra là đáng quan tâm, vì đã thật sự đặt rõ vấn đề của địa phương: thu hút khách về nhiều nhưng năng lực phục vụ nội tại hạn chế thì “lợi bất cập hại”, không thể tăng trưởng du lịch ổn định và bền vững được.
Bà Hồng Hạnh nêu ra ba vấn đề cần ngành du lịch địa phương, và các doanh nghiệp hoạt động cùng hợp tác, xem xét.
Thứ nhất, đổi mới chất lượng các sản phẩm. Điều này Đà Nẵng đã đề cập rất nhiều, song vẫn chưa tạo được sức mạnh triển khai đồng bộ, hữu hiệu giữa các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp du lịch với định hướng ngành đặt ra.
Đơn cử về chất lượng các cơ sở lưu trú, nhiều khách sạn Đà Nẵng vẫn bị hạn chế về đầu tư cải thiện, trang trí, mở rộng… Tính đa dạng trong các sản phẩm lưu trú, lữ hành của du lịch địa phương vẫn chưa cao.
Những điều này đòi hỏi địa phương phải mời gọi được thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn nữa vào hiện trạng hoạt động khách sạn, lưu trú ở địa bàn.
Thứ hai, tăng cường chất lượng các dịch vụ hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh. Đây là điểm yếu mà cho đến nay, Đà Nẵng vẫn cần xây dựng, thay đổi.
Đặc biệt về đội ngũ các hướng dẫn viên, làm sao cân đối cho được nguồn hướng dẫn viên ổn định hoạt động tại Đà Nẵng, khi câu chuyện quanh quẩn giữa du khách ít – hướng dẫn viên thiếu kỹ năng – du khách ít… mãi tồn tại.
Hướng khắc phục của Đà Nẵng, là cần kết nối nhiều hơn, thu hút nhiều hơn nguồn nhân lực và khai thác nhân lực, dịch vụ cùng các địa phương khác, cải thiện ngay và tích cực môi trường tương tác du lịch sở tại.
Thứ ba, hướng mạnh đến nhu cầu giao lưu, khai thác khách hàng hai chiều. Đây là một thực trạng khá nan giải, khi Đà Nẵng thu hút nguồn khách nhiều song khả năng “trả khách” cho điểm đấu nối lại chưa cao.
Để làm tốt vấn đề này, Đà Nẵng không chỉ trông đợi vào điều kiện đời sống kinh tế người dân tốt hơn, mà còn phải chủ động cùng các địa phương trong vùng xây dựng được các chương trình du lịch mở rộng, đưa người Đà Nẵng, người miền Trung đi du lịch.
“Chúng ta chỉ quen mời người đến, mà chưa chủ động rủ người đi, chưa đưa được người Đà Nẵng đi xa hơn và đi nhiều hơn, cần suy nghĩ rất đúng về hướng này”, bà Hồng Hạnh chia sẻ.