Vì sao vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế?

LÊ DUY

VHO - Tình trạng thiếu thuốc vẫn còn, nhưng chỉ thiếu ở một số mặt hàng như thuốc hiếm, thuốc có giá quá rẻ hoặc với mặt hàng mà cơ sở y tế ít có bệnh nhân điều trị. Yếu tố khách quan chiếm phần lớn của việc thiếu hụt là do đứt gãy nguồn cung.

Đây là ghi nhận của Bộ Y tế vào thời điểm cuối tháng 10.2024 tại một số bệnh viện lớn tại TP.HCM.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Thạc sĩ - Dược sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược ư, cho hay, bệnh viện về cơ bản không thiếu thuốc thường quy. Giai đoạn thiếu nhất do nhiều yếu tố, trong thời gian chờ đợi Chính phủ và Bộ Y tế hướng dẫn, bệnh viện đã tiến hành đấu thầu trước.

Vì sao vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế?  - ảnh 1
Vẫn diễn ra tình trạng thiếu một số loại thuốc tại các bệnh viện

Liên quan tới tình trạng thiếu Gamma globulin điều trị bệnh tay chân miệng được phản ánh giai đoạn cách đây một năm, Ths Nga thông tin thực trạng thiếu Gamma globulin không phải xuất phát từ nguyên nhân thiếu văn bản quy phạm pháp luật trong công tác mua sắm mà chủ yếu phần lớn do đứt gẫy chuỗi cung ứng do không kịp nhập khẩu thuốc về Việt Nam.

“Năm 2023, 13 nhà cung ứng có giấy phép lưu hành cung cấp Gamma globulin điều trị tay chân miệng đều không thể cung ứng đủ, chúng tôi chủ động xin ý kiến Sở Y tế và Bộ Y tế để có thuốc cung ứng cho bệnh viện để chống dịch. Thực tế, Gamma globulin là thuốc hiếm, thiếu nhiều năm là do thiếu nhà cung ứng chứ không phải do văn bản quy phạm pháp luật chưa ra kịp thời để mua sắm”, Ths Nga nói.

Còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận 7.000-8.000 bệnh nhân ngoại trú và khoảng hơn 1.000 bệnh nhân nội trú. Hiện, đây là cơ sở y tế có lượng bệnh nhân đông nhất các tỉnh phía Nam.

PGS.TS Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 24 ngày 27.2.2024 thì chỉ cần tối thiểu 1 báo giá là có thể xây dựng được giá kế hoạch thay vì cứ phải 3 báo giá như trước đây. Trường hợp bệnh viện thu thập được nhiều hơn 1 báo giá thì được lấy báo giá cao nhất làm giá kế hoạch trên cơ sở phù hợp với yêu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của bệnh viện.

Nhờ đó, về cơ bản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã không còn thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị do công tác dự trù được xây dựng cả năm và tiến hành đấu thầu liên tục. Chủ yếu có những điểm nghẽn nhỏ trong công tác đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế do phân nhóm để tiến hành thầu.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình một ngày tiếp nhận khoảng 5.000-6.000 bệnh nhân ngoại trú và hơn 1.000 nội trú. Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ thực trạng thiếu thuốc chủ yếu liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới. Các đơn vị sản xuất thuốc trong nước cũng chậm trễ cung cấp do thiếu nguyên liệu nhập khẩu. “Việc thiếu thuốc thực chất từ nguồn gốc chứ không phải từ nguyên nhân thiếu quy định pháp luật hay bệnh viện không có đủ năng lực mua cho bệnh nhân”, bác sĩ Việt nói.

Hiện tại, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn có tình trạng thiếu thuốc, nhưng chủ yếu nằm ở khách quan, như giá thuốc quá rẻ không đơn vị nào tham dự thầu; hoặc thuốc hiếm chỉ có rất ít nhà cung cấp; hoặc có những đơn vị trúng thầu nhưng đến thời điểm giao thuốc, vật tư lại không thể nhập hàng do đứt gẫy nguồn cung, kéo dài thời gian cung ứng đến 4-5 tháng. Trong những trường hợp này, nếu không có thuốc thay thế, bệnh viện rất khó cung ứng được đầy đủ và bệnh viện không thể chấm dứt gói thầu để tiến hành thầu lại.

Theo ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM, việc thiếu thuốc giai đoạn vừa qua, chủ yếu không phải vướng ở cơ chế mua sắm mà chủ yếu vướng chuỗi cung ứng.

 “Dịch tay chân miệng năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh thiếu thuốc điều trị chủ yếu do phải điều tiết cho điều trị người bệnh tại chỗ ở một số địa phương, còn nếu chỉ cung ứng cho riêng thành phố thì cơ bản đủ. Ngoài ra, một số thuốc được cấp số đăng ký nhưng thực tế các nhà nhập khẩu không nhập về, TP HCM phải tiến hành cấp đơn hàng nhập khẩu đặc biệt”, ông Danh nói.