Nan giải hoạt động của trạm y tế xã miền núi

NGUYỄN LINH

VHO - Y tế cơ sở (YTCS) là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến YTCS đã được ngành Y tế quan tâm chú trọng. Tuy nhiên trên thực tế, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động của tuyến YTCS tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.

 Nan giải hoạt động của trạm y tế xã miền núi - ảnh 1
Một số trang thiết bị y tế tại TYT xã Tam Chung (huyện Mường Lát) không thể sử dụng do thiếu bác sĩ chuyên môn

 Thanh Hóa có 25 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 27 trung tâm y tế tuyến huyện và 559 trạm y tế (TYT) xã. Từ năm 2018 đến nay, nhân lực ngành Y tế đều được bổ sung, tăng thêm hằng năm, nhất là bác sĩ (năm 2016 số bác sĩ/vạn dân mới đạt tỷ lệ 7,8 - thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; đến nay đã tăng lên con số 11,7, cao hơn bình quân chung cả nước là 10 bác sĩ/vạn dân). Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn được quan tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Thiếu nghiêm trọng nhân lực, vật lực

Cùng với việc củng cố tổ chức, bộ máy, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho tuyến huyện, xã; quan tâm xây dựng, duy trì, củng cố và kiện toàn các TYT đạt chuẩn.

Tuy nhiên, tại các huyện miền núi, theo báo cáo của ngành Y tế Thanh Hóa, nhân lực YTCS vẫn thiếu về số lượng; nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu chưa nhiều; một số TYT chưa có bác sĩ. Trong những năm tới, số TYT không có bác sĩ sẽ tiếp tục tăng do một số người đến tuổi nghỉ hưu, việc tuyển mới hầu như không thực hiện được vì không có lực lượng dự tuyển. Một số TYT còn thiếu trầm trọng cán bộ, nhân viên, nhất là bác sĩ, hộ sinh, dược sĩ, y học cổ truyền… Nhiều cơ sở được trang bị máy móc hiện đại nhưng lại không có người được đào tạo vận hành, sử dụng. Tình trạng cán bộ có trình độ cao công tác tại các huyện khó khăn trên địa bàn tỉnh xin chuyển công tác về các địa phương khác hoặc bỏ việc...

Theo quy định, tối thiểu ở mỗi TYT phải có máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm đường huyết và các bộ dụng cụ tiểu phẫu cơ bản. Thế nhưng, theo tìm hiểu của Văn Hóa, hầu hết TYT tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thiếu đa phần các thiết bị trên.

Mường Lát là huyện biên giới có hơn 95% đồng bào DTTS; địa hình chủ yếu núi cao, đời sống nhân dân và cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông hết sức khó khăn. Hiện nay, địa phương có 8 TYT xã, thị trấn, song chỉ 4 trạm là có bác sĩ (trong đó duy nhất có một bác sĩ đa khoa, còn lại là bác sĩ dự phòng).

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát Hà Thị Phúc cho biết: Tình trạng thiếu nhân viên y tế, đặc biệt là lực lượng bác sĩ cho các TYT trên địa bàn huyện là bất cập diễn ra nhiều năm nay, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh ban đầu. Cũng vì hạn chế về chuyên môn, nên các trang thiết bị y tế như máy siêu âm, máy sinh hóa nước tiểu... được cấp từ các chương trình, dự án không thể sử dụng được gây lãng phí.

Tại TYT xã Tam Chung (huyện Mường Lát), trái ngược với sự tất bật, đông đúc của một đơn vị YTCS là hình ảnh tiêu điều, vắng bóng người khám chữa bệnh. Trạm trưởng Hà Văn Oái lý giải: “Trạm có 5 cán bộ, nhân viên y tế thì có 2 cán bộ đang xin nghỉ với lý do thai sản và đi chữa bệnh. Trạm chủ yếu bận rộn khi có lịch tiêm chủng, còn ngày thường rất ít bệnh nhân đến khám, chữa bệnh”.

Theo ông Hà Văn Oái, trạm vừa được thụ hưởng một số trang thiết bị y tế theo Quyết định số 1455/QĐ-UBND ngày 29.4.2023 phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng mới và mua sắm thiết bị cho 70 TYT tuyến xã, tỉnh Thanh Hóa, như máy đo đường huyết, huyết áp kế, ống nghe, đèn khám bệnh, cân sức khỏe, bộ thử thị lực mắt, bộ nẹp chân, nẹp tay, bộ mở khí quản cho người lớn, trẻ em; thùng chứa chất thải nguy hiểm, điều hòa... Thế nhưng, hiện tại vẫn còn một số trang thiết bị đơn vị đang rất cần để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh thì lại chưa được cấp!?

Cả trạm hiện chỉ có duy nhất 1 chiếc máy tính, 1 máy in cấp từ năm 2009 và đã hư hỏng, không thể cập nhật các phần mềm mới, nên trạm phải đang đi mượn 2 chiếc máy tính của Trường Tiểu học xã Tam Chung để đáp ứng nhu cầu công việc. Trong khi đó, trạm lại có một số trang thiết bị y tế dôi dư, như 3 tủ đựng vắc xin (thừa 2 tủ không sử dụng); một máy siêu âm và một máy sinh hóa nước tiểu (do không có y, bác sĩ đủ điều kiện chuyên môn để sử dụng); 2 máy điều hòa...

 Nan giải hoạt động của trạm y tế xã miền núi - ảnh 2
Hình ảnh tiêu điều, vắng bóng người khám chữa bệnh tại các TYT xã của huyện Mường Lát (Thanh Hóa)

Rất cần những chính sách, cơ chế mang tính đồng bộ, lâu dài

Tương tự, Mường Lý là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát. Vì cách trung tâm huyện hơn 40km nên trạm là nơi thực hiện những dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Song do thiếu bác sĩ, một số trang thiết bị y tế dù được cấp nhưng không có chuyên môn nên không thể vận hành, dẫn đến “đắp chiếu” để kho.

Trạm trưởng TYT xã Mường Lý Ngân Văn Long cho biết: Để phục vụ công tác tiêm chủng và cấp cứu bệnh nhân, bình ô xy là một trong những trang thiết bị không thể thiếu, nhưng suốt một thời gian dài đơn vị phải sử dụng chung với TYT xã Trung Lý. Mới đây, đơn vị được cấp mới 2 bình ô xy, tuy nhiên các bình luôn trong tình trạng... không có ô xy. Bên cạnh đó, trạm cũng thiếu máy tính, bàn làm việc, ghế đón tiếp bệnh nhân.

Thiếu trang thiết bị y tế, thiếu bác sĩ chuyên môn đang là nguyên nhân dẫn đến thực trạng người dân khi cần khám và điều trị chuyên sâu đều phải chuyển lên tuyến trên.

Xã Quang Chiểu có địa bàn rộng, trải dài trên 13 bản thuộc huyện Mường Lát. TYT xã có 4 cán bộ, nhân viên y tế, không có bác sĩ. Trạm trưởng Lương Văn Ằng cho biết: Ngoài những khó khăn về đời sống cán bộ, nhân viên y tế, thì nhiệm vụ chuyên môn tại trạm là rất nặng nề. Địa bàn rộng, đi lại khó khăn, dân số chủ yếu là đồng bào DTTS nên vào những đợt cao điểm tiêm chủng hay phòng, chống dịch bệnh, những người làm YTCS chịu rất nhiều áp lực cả về tinh thần lẫn sức khỏe. Trạm đã nhiều lần đề xuất với Trung tâm Y tế huyện bổ sung thêm nguồn nhân lực, đặc biệt là cần một bác sĩ đa khoa, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

Xã Trung Lý có 7 nghìn nhân khẩu, địa bàn rộng, nhưng TYT xã chỉ có 6 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 4 y sĩ, 2 điều dưỡng, không có bác sĩ. Lực lượng mỏng, thiếu bác sĩ đang trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Vào các đợt cao điểm, các cán bộ, nhân viên y tế đều phải làm việc hết sức vất vả, thậm chí quá tải.

Hiện nay, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các tuyến YTCS đang ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu tiếp cận các dịch vụ y tế gần nhất, có chất lượng, chi phí phù hợp với người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động của tuyến YTCS tại các huyện miền núi còn không ít khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực chất lượng cao.

Do đó, để tuyến YTCS ở các huyện miền núi thực hiện tốt vai trò “người gác cổng” chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho người dân, rất cần đến những chính sách, cơ chế mang tính đồng bộ lâu dài, như việc đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị cần thiết. Cùng với đó, phải có chế độ đãi ngộ, động viên đội ngũ bác sĩ, nhân viên YTCS từ miền xuôi đến miền núi để thu hút nhân lực làm việc và cống hiến nhiều hơn tại các TYT các xã miền núi. Đồng thời, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của YTCS, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của bà con các huyện miền núi đặc biệt khó khăn.