Thanh Hóa: Còn nhiều khó khăn trong hoạt động tuyến y tế cơ sở

VHO - Y tế cơ sở là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, đồng thời là tuyến đầu, “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp gần dân. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở (YTCS) đã được ngành y tế quan tâm chú trọng, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong hoạt động của tuyến y tế cơ sở.

Thanh Hóa: Còn nhiều khó khăn trong hoạt động tuyến y tế cơ sở - Anh 1

Còn nhiều khó khăn trong hoạt động tuyến y tế cơ sở ở Thanh Hóa

Thanh Hóa có 25 bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện, 27 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện và 559 trạm y tế (TYT) xã. Từ năm 2018 đến nay, nhân lực ngành y tế đều được bổ sung, tăng thêm hằng năm, nhất là bác sĩ (năm 2016 số bác sĩ/vạn dân mới đạt 7,8 bác sĩ, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; đến nay đã tăng lên 11,7 bác sĩ, cao hơn bình quân chung cả nước là 10 bác sĩ/vạn dân). Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động luôn được quan tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của Nhân dân.

Cùng với việc củng cố tổ chức, bộ máy, thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho tuyến huyện, xã; quan tâm xây dựng, duy trì, củng cố và kiện toàn các TYT đạt chuẩn. Từ năm 2018 đến nay, có 8 BVĐK được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và 6 BVĐK đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư. 17/27 trụ sở TTYT được xây dựng trong giai đoạn 2010-2018 và 2 TTYT được đầu tư xây dựng mới giai đoạn 2018-2022; 5 TTYT đang chuẩn bị đầu tư. Nhiều TYT được xây dựng mới khang trang hoặc sửa chữa, nâng cấp cơ bản đáp ứng hoạt động khám, chữa bệnh.

Về trang thiết bị, nhiều BVĐK được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh, như: BVĐK Nông Cống đã mua máy chụp Scaner, chụp Xquang kỹ thuật số, siêu âm màu Dopper, siêu âm tim mạch, máy nội soi chẩn đoán, nội soi dạ dày - đại tràng, nội soi tai - mũi - họng... BVĐK Quảng Xương sử dụng nguồn phát triển sự nghiệp của đơn vị đầu tư mua máy đo mật độ xương, máy nội soi dạ dày, đại tràng. Nhiều TTYT được đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động về y tế dự phòng, khám chữa bệnh, như: máy xét nghiệm, máy sinh hóa, tủ bảo quản vắc-xin công suất lớn... Trang thiết bị của các TYT xã hiện nay đáp ứng được khoảng 60 - 70% theo danh mục tối thiểu quy định tại Thông tư số 28/2020/TT-BYT của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, có 129 TYT xã, phường, thị trấn thực hiện Đề án liên danh liên kết đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hình thức xã hội hóa được trang bị các loại máy xét nghiệm: nước tiểu, huyết học, sinh hóa; một số TYT xã được trang bị máy siêu âm màu 4D đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh chuyển hóa ngay tại cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành y tế Thanh Hóa, hiện nay nhân lực YTCS vẫn thiếu về số lượng (các BVĐK tuyến huyện đều chưa tuyển dụng đủ biên chế được giao); nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu chưa nhiều, nhất là tại các huyện miền núi. Một số TYT chưa có bác sĩ; trong những năm sắp tới số TYT không có bác sĩ sẽ tiếp tục tăng do một số bác sĩ sẽ nghỉ hưu, việc tuyển mới hầu như không thực hiện được vì không có bác sĩ dự tuyển. Tại một số TYT còn thiếu cán bộ, nhân viên y tế, nhất là bác sĩ, hộ sinh, dược sĩ, y học cổ truyền. Nhiều TYT được trang bị máy móc hiện đại nhưng chưa có người được đào tạo vận hành, sử dụng. Còn xảy ra tình trạng cán bộ có trình độ cao công tác tại các huyện khó khăn xin chuyển công tác về các địa phương khác hoặc bỏ việc. Nghị quyết 187/2021/NQ-HĐND ngày 10.12.2021 của HĐND tỉnh về Chính sách thu hút bác sĩ trình độ cao và bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025 đến thời điểm này chưa tuyển dụng được bác sĩ nào về công tác tại y tế tuyến cơ sở.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Theo quy định thì cứ 1.000 dân phải có 1 cán bộ y tế để phục vụ, như vậy, xã Quảng bình có 7.000 dân phải có 7 nhân viên y tế, chúng tôi hiện chỉ có 4. Trong khi đó máy móc thiết bị không có, BHYT chỉ cho đơn thuốc 1 lần 100 nghìn đồng nên rất khó để chữa bệnh mãn tính cho dân". Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Huyện Quảng Xương có 26 trạm y tế cấp xã, mặc dù đã được quan tâm hơn trước nhưng vẫn rất khó khăn về các điều kiện hoạt động. Mong muốn của chúng tôi là được nhà nước quan tâm hơn nữa đối với tuyến y tế cơ sở để có các chính sách đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc cho nhân dân."

Theo quy định, tối thiểu ở mỗi trạm y tế phải có máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm đường huyết và các bộ dụng cụ tiểu phẫu cơ bản. Tuy nhiên hiện nay, nhiều trạm y tế tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thiếu đa phần các thiết bị trên. Và theo quy định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế, trạm y tế được phép thực hiện tới hơn 3.000 dịch vụ kỹ thuật, nhưng do nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực nên đến nay, đa phần các trạm y tế mới chỉ thực hiện được gói dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản với 76 dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến.

Mỗi ngày, Trạm Y tế xã Xuân Hòa (Như Xuân) tiếp nhận hàng chục bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh. Thế nhưng, không ít trong số này phải chuyển tuyến. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực không đáp ứng được nhu cầu khám bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cơ bản. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều trạm y tế tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Bác sĩ Nguyễn Thế Thắng, Trưởng Trạm Y tế xã Xuân Hòa, cho biết: Cơ sở vật chất của trạm y tế được xây dựng đã lâu từ nguồn dự án di dân, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt nẻ, trong khi đó trang thiết bị tại trạm đang thiếu rất nhiều (trạm chưa có máy siêu âm, xét nghiệm, điện tim), đội ngũ cán bộ chưa đủ chủng loại, do vậy dù được cho phép thực hiện 241 dịch vụ kỹ thuật nhưng đến nay trạm mới thực hiện được hơn 70 kỹ thuật thông thường.

YTCS là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay người dân đến với YTCS để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe lại chiếm tỷ lệ thấp. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra đó là “chất lượng dịch vụ”, "lòng tin của người dân”, “cơ chế, chính sách và đầu tư”... Những điều này dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện. Theo tìm hiểu, để bảo đảm hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn, tỉnh Thanh Hóa phải có 3.414 cán bộ, nhân viên y tế; mỗi đơn vị phải có ít nhất một bác sĩ. Thế nhưng hiện nay, toàn tỉnh mới có 2.740 cán bộ, nhân viên làm việc tại trạm y tế và có 479/559 trạm y tế có bác sĩ.

Hiện nay, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các tuyến y tế cơ sở đang ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu tiếp cận các dịch vụ y tế gần nhất, có chất lượng, chi phí phù hợp với người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động của tuyến y tế cơ sở còn không ít khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực chất lượng cao. Do đó, để tuyến y tế cơ sở thực hiện tốt vai trò “người gác cổng” chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân, rất cần đến những chính sách, cơ chế mang tính đồng bộ lâu dài, như việc đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị cần thiết phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Cùng với đó, phải có chế độ đãi ngộ, động viên đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế cơ sở từ miền xuôi đến miền núi để thu hút họ làm việc và cống hiến nhiều hơn. Đồng thời, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của YTCS..., đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của Nhân dân.

NGUYỄN LINH

 

 

Ý kiến bạn đọc