Trẻ em từ 4 tuổi có thể được tiêm vắcxin sốt xuất huyết
VHO - Ngày 20.9, lần đầu tiên vắcxin sốt xuất huyết được tiêm cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn tại 200 trung tâm của hệ thống tiêm chủng VNVC trên toàn quốc.
Đây là loại vắcxin sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản đã được triển khai tiêm rộng rãi tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Lần đầu tiên người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận vắcxin này sau nhiều năm dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dân.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, vắcxin sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 5.2024.
Mỗi năm Việt Nam đều có các đợt bùng phát dịch lớn nhỏ khác nhau, gây hàng trăm ngàn ca mắc và hàng chục ca tử vong tại nhiều địa phương.
Đặc biệt, bệnh ngày càng diễn biến dịch tễ phức tạp, không còn tính chu kỳ, việc kiểm soát muỗi truyền bệnh gặp nhiều khó khăn và điều trị sốt xuất huyết rất phức tạp, tốn kém nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao nếu không phát hiện chính xác và điều trị kịp thời.
Do đó, việc vắcxin sốt xuất huyết về tới Việt Nam là điều mong đợi của cơ quan chuyên môn và người dân.
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết Việt Nam hiện đang lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, trong đó tuýp virus lưu hành chủ yếu là DEN-1, DEN-2.
Tuýp DEN-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch, cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết.
“Hằng năm số mắc và tử vong do sốt xuất huyết vẫn cao và ngày càng lan rộng do muỗi có đặc tính sinh sản ở trong nước như mảnh phế thải, chai lọ khi có nước mưa, chum vại, bể chứa nước, thậm chí ở các lư hương… và bay lơ lửng, đậu ở các vật dụng, rất khó phun thuốc loại trừ và giải quyết triệt để dù đã thực hiện nhiều năm qua”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói.
Cũng theo PGS Phu, nhờ có vắcxin, nhiều bệnh nguy hiểm như đậu mùa, uốn ván sơ sinh, bại liệt... và gần đây nhất là Covid-19 đã bị loại trừ và giảm đi hàng trăm, hàng nghìn lần ca mắc.
Ngoài ra, phần lớn các bệnh truyền nhiễm muốn giảm số mắc cũng như tử vong đều nhờ vào vắcxin. Điển hình bệnh viêm não Nhật Bản cũng giảm số ca mắc rõ rệt từ khi có vắcxin.
“Vắcxin là thành quả rất lớn, sẽ góp phần hiệu quả trong công tác khống chế dịch. Việc sử dụng vắcxin sẽ giảm số ca mắc bệnh, những ca mắc nặng và ca tử vong”, PGS Trần Đắc Phu đánh giá.
Vắcxin sốt xuất huyết Nhật Bản được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2018, đến nay được sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia, đặc biệt ưu tiên sử dụng cho các nước thường xuyên có dịch phức tạp.
Với công nghệ hiện đại, vắc xin có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4), hiệu quả lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%.
Đặc biệt, vắcxin có hiệu quả phòng tái nhiễm cho người từng mắc sốt xuất huyết. Điều này rất có ý nghĩa đối với Việt Nam bởi hiện số người từng mắc sốt xuất huyết ít nhất một lần khá cao.
Và với tình trạng lần mắc bệnh sau thường nặng hơn lần trước thì việc tiêm vắcxin kịp thời giúp người bệnh được bảo vệ tốt sức khoẻ và tính mạng.
Trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn có thể tiêm được vắcxin sốt xuất huyết. Phụ nữ nên hoàn thành lịch tiêm vắcxin tốt nhất trước 3 tháng và ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.
Vắcxin sốt xuất huyết có lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng, có thể tiêm đồng thời với nhiều vắcxin khác tuỳ chủng loại.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết bệnh có thể gặp ở trẻ em và người lớn nhưng ở trẻ em, bệnh có nhiều nguy cơ diễn tiến nặng và tỉ lệ tử vong cao do thường dễ nhầm lẫn các dấu hiệu ban đầu với nhiều bệnh lý khác.
Nhiều trẻ sốt xuất huyết nhập viện khi đã có biến chứng nặng, rơi vào tình trạng sốc, trụy tim mạch, xuất huyết... gây khó khăn cho việc điều trị cũng như nguy hiểm đến tính mạng.
Theo dữ liệu của WHO, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, từ 500.000 ca vào năm 2000 lên hơn 5 triệu ca vào năm 2019.
Tại Việt Nam, nếu trước đây, giai đoạn 1980 - 2018, Việt Nam thường ghi nhận đỉnh dịch mỗi 10 năm, thì riêng giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã trải qua tới 2 đợt đỉnh dịch vào năm 2019 và năm 2022.
Riêng năm 2022, cả nước có hơn 367.000 ca mắc, đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Brazil.