Thận trọng khi bình phẩm
VHO - Diễn dịch là một phương pháp của tư duy để từ một hiện tượng nào đó mà lần ra bản chất của nó, hoặc từ nhiều hiện tượng nào đó mà lần tìm những hiện tượng lặn khuất. Trong đời có nhiều trường hợp không dùng diễn dịch sẽ không lần tìm được cốt lõi của vấn đề, đặc biệt là với những thứ ý ở ngoài lời (ý tại ngôn ngoại), hoặc ý ngược lời (chẳng hạn “con gái nói ghét là yêu”).
Nhưng đôi khi chính sự diễn dịch quay lại tác hại “khổ chủ”.
Có lần thầy Trương Tham, một nhà giáo văn học nổi tiếng ở tỉnh Nghĩa Bình (cũ), hàn huyên với tôi về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu với câu “miệng cười buốt giá”. Theo ông, chiến sĩ Vệ quốc quân ở vùng Tây Bắc đầy sương giá, nên trên miệng khi cười, nụ cười y như băng giá vậy. Tôi vốn rất trọng thầy Tham, nhưng sau ngẫm lại, thấy không phải. Sự diễn dịch của thầy quá xa ở cái chỗ mà nghĩa chữ đã bày sẵn, không cần phải diễn dịch đến thế, và chính đó là một sai lầm. Thực ra chữ “cười” ở đây đơn giản là sự xem thường, “miệng cười buốt giá” là sự xem thường buốt giá (và khí hậu khắc nghiệt nói chung), thể hiện bản lĩnh của người lính. Bài Đồng chí có thể có ý thâm sâu chỗ khác, riêng ở đây chữ đã hiện rõ ở lời. Nhưng dù sao thì sự diễn dịch của thầy Tham cũng là vô hại.
Riêng trong văn học có rất nhiều sự diễn dịch khác, thật tai hại. Các thầy dạy văn thường “sơ đồ hoá” và diễn dịch đủ điều về một bài văn, bài thơ cho học sinh, khiến đôi khi cái hồn cốt của bài văn, bài thơ lẽ ra phải hiển hiện, đầy xúc cảm, nhưng lại bị khuất lấp, khô cứng. Nói rộng ra trong cuộc đời, có nhiều khi ta ngỡ ngàng vì những sự diễn dịch của ai đó về ta hay về một người nào đó. Khi một người nào đó gầy ốm (gầy ốm là chuyện thường tình) những người chung quanh hay suy diễn: Cô ấy (hay anh ấy) đang thất tình, đang lo làm ăn, đang bị nợ?! Ngược lại, khi người ta mập béo lên cũng dễ bị suy rằng: Nó ăn chộp giựt của người ta mới mập thế. Cho nên xưa có câu đúc kết: Ở sao cho vừa lòng người/Ở rộng người cười ở hẹp người chê/Cao chê khỏng thấp chê lùn/Gầy chê xương sống xương sườn bày ra!
Sự “chê” ở đây không nằm trong phép diễn dịch nhưng nó cho ta thấy cái nguyên cớ diễn dịch dẫn đến “diệt”, đó là thói ích kỷ, ganh ghét của con người. Bằng phép diễn dịch, người ta có thể xúc phạm danh dự một người với cách dễ dàng. Từ một hiện tượng chưa rõ là gì, người ta có thể diễn dịch đến chỗ xấu nhất và cái “chết người” là ở đó. Chẳng hạn một người xin phép vắng một ngày, ngày ấy người nào đó mất của, người ta bèn suy ra rằng chính người ấy lấy chứ không phải ai. Sự diễn dịch hiển lộ rất nhiều trong thời đại công nghệ số ngày nay, nhưng khi mới nghe thoáng qua sự việc đã đưa ra những bình luận, có khi đi quá xa, khiến bản chất của sự việc trở nên méo mó so với cái thật của nó. Một sự áp đặt quá ư tiện lợi cho ai đó, đồng thời tác hại ngay cho người khác, tác hại cả danh dự, cả sự nghiệp và của cải. Nhiều người bỗng sợ và van xin thôi đừng chia sẻ, đừng bình luận chi nữa về mình, chính là vậy.
Người ở xa không thể biết, đôi khi sự diễn dịch của mình chính là … “diệt”, khiến người khác phải khốn đốn mà mình không biết. Thời công nghệ số ngày nay có lẽ cũng nên thận trọng khi đưa ra những bình phẩm.