Phát ngôn gây tranh cãi trong gameshow hẹn hò:

Tự do thể hiện hay…kém duyên?

ĐÌNH TOÁN

VHO - Các chương trình truyền hình thực tế (gameshow) với chủ đề hẹn hò được kỳ vọng sẽ giúp người chơi tìm kiếm tình yêu đích thực. Tuy nhiên, việc lạm dụng, cố tình có những phát ngôn gây tranh cãi, thậm chí làm dư luận dậy sóng, chẳng những không giúp người chơi tìm được nửa còn lại mà còn phải hứng chịu vô số “gạch đá”…

Tự do thể hiện hay…kém duyên? - ảnh 1
Đạo diễn “Hành lý tình yêu” gửi tâm thư xin lỗi công chúng sau ồn ào liên quan đến phát ngôn của nhân vật Công Hoàng

 Tự rước họa vào thân

Vài năm trở lại đây, các đài truyền hình, đơn vị sản xuất đua nhau làm gameshow hẹn hò. Tỏ tình hoàn mỹ, Hành lý tình yêu, Bạn muốn hẹn hò, Đảo thiên đường... lần lượt được lên sóng. Tại đây, người chơi không chỉ tìm kiếm một nửa phù hợp mà còn có cơ hội thể hiện quan điểm sống, thậm chí khoe luôn cả... gia thế. Cũng chính vì có “đất” thể hiện quan điểm, nên không ít người chơi đã vô tư “đụng chạm” mà không lường hết những hậu quả xảy ra về sau. Nhà sản xuất cũng có cớ xoáy vào câu chuyện đó để đẩy tỷ suất người xem (rating), thu lợi về cho mình.

Còn nhớ trước đây, trong Hành lý tình yêu, người chơi Công Hoàng đã bày tỏ quan điểm về vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Theo anh này, nhiều gia đình ở Huế có truyền thống “trọng nam”, trong các ngày lễ, giỗ, đàn ông được ngồi mâm trên, còn phụ nữ phải ngồi mâm dưới, thường là dưới bếp. Điều đáng nói, Công Hoàng còn khẳng định “sẽ ly hôn nếu vợ không sinh được con trai”.

Câu chuyện của chàng trai Huế đã khiến dư luận “nóng máu” và cho rằng anh ta đang “vơ đũa cả nắm”. Nhiều người lên tiếng, không có chuyện các gia đình ở Huế hiện nay còn nặng nề tư tưởng cổ hủ như vậy. Phát ngôn “dọa” ly hôn nếu không sinh được con trai cũng bị chỉ trích là lệch lạc, kệch cỡm. Sau khi chịu sự phẫn nộ từ dư luận, người chơi và đạo diễn chương trình đã phải cúi đầu xin lỗi khán giả.

Đang phát sóng trên VTV3, gameshow Đảo thiên đường là gameshow khẳng định sẽ chịu sự kiểm duyệt nghiêm ngặt cả về nội dung, hình ảnh, trang phục để phù hợp với văn hóa và gu thưởng thức của khán giả. Sau 4 tập phát sóng, chương trình được đánh giá tương đối “sạch sẽ” khi không có những hình ảnh gây sốc, trái với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, tranh cãi lại đến từ phần thể hiện quan điểm sống và đánh giá về nửa còn lại của người chơi Mạnh Kiên. Trong một lần ăn uống cùng nhau, Mạnh Kiên bất ngờ hỏi “đối tác” Yuna Vũ: “Biết nấu ăn không?”; “Em tiểu thư từ nhỏ, nhà có điều kiện phải không?”… khiến cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng, gượng gạo. Thậm chí, Mạnh Kiên còn bắt Yuna Vũ phải trả lời kèm theo từ “ạ” và cho rằng anh có thể trả lời “ừ” nhưng đối phương thì không. Những câu hỏi, yêu cầu của Mạnh Kiên bị đánh giá là thiếu tinh tế, thể hiện sự gia trưởng đến mức tiêu cực.

Tự do thể hiện hay…kém duyên? - ảnh 2
Nhiều chương trình truyền hình hẹn hò đã lên sóng trong thời gian qua. Ảnh: Gameshow “Đảo thiên đường”

Tổn thương chính người chơi

Việc tận dụng những phát ngôn gây sốc để tạo drama không phải là mới trong các gameshow hẹn hò. Thế nhưng, mỗi lần có “biến”, những chiêu trò này vẫn phát huy “tác dụng” trong việc câu kéo rating.

Thực tế, không ít lần sau khi phát sóng, các nhân vật đã rơi vào thế hiểm khi vừa phải chịu sức ép từ dư luận, vừa phải đảm bảo hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình do đã ký các cam kết với đơn vị tổ chức. Nhà sản xuất thì ngại lên tiếng vì sợ “thêm dầu vào lửa”. Hệ quả là không ít người chơi phải “giơ đầu chịu báng”, một mình đương đầu với búa rìu dư luận.

Trong truyền hình thực tế, việc va chạm sẽ khiến nhân vật bộc lộ tính cách. Cũng đôi khi vì thiếu kiềm chế cùng yếu tố tâm lý, người chơi sẽ có những phát ngôn thiếu kiểm soát. Đặc biệt, do khai thác chuyện tình cảm, cùng với việc phải thể hiện cái tôi để thu hút đối phương, các show hẹn hò thường xuất hiện không ít tình huống oái oăm. Tại buổi ra mắt Đảo thiên đường, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Phim tài liệu của Đài Truyền hình Việt Nam từng phải nhấn mạnh: “Với các chương trình hẹn hò đã và đang phát sóng trên VTV, chúng tôi luôn kiểm duyệt kỹ, chặt chẽ về lời ăn tiếng nói, những hành vi thái quá của người chơi”.

Thế nhưng, “thái quá” đến đâu lại là quan điểm riêng của đội ngũ biên tập, kiểm duyệt. Người chơi cũng không thể biết được nhà đài sẽ “nhào nặn” ra sao phần xuất hiện của mình. Khi sự đã rồi thì “điệp khúc” xin lỗi, mong khán giả tha thứ lại xuất hiện trên mạng xã hội. Do đó, cần phải thận trọng trong từng phát ngôn, bởi mỗi lời ăn tiếng nói lên sóng sẽ được hàng triệu khán giả theo dõi, đánh giá. Chưa kể, nhiều chương trình hiện nay ngoài phát trên ti vi vào khung giờ cố định còn phát trực tuyến trên nhiều nền tảng xuyên biên giới. Khi xảy ra chuyện, hậu quả sẽ rất khó lường.

Những scandal kể trên là bài học đắt giá cho người chơi, đặc biệt là các bạn trẻ, khi muốn thể hiện quan điểm của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bày tỏ quan điểm không có gì là sai trái, nhưng không phải vì hai chữ “tự do” mà bất chấp các giá trị chuẩn mực về đạo đức, bỏ qua kiến thức văn hóa, xã hội. Tất nhiên, việc để người chơi phải chịu sự chỉ trích nặng nề, ảnh hưởng đến cả gia đình, cuộc sống riêng, thậm chí là cả danh dự… chắc chắn có trách nhiệm của nhà sản xuất. Thế nhưng, mỗi người chơi đều cần hết sức cảnh giác, tránh rơi vào “bẫy” drama có thể làm hại đến bản thân. Nhà sản xuất cũng cần tránh những “chiêu trò bẩn” để không gây tổn thương đến nhân vật cũng như danh tiếng của chương trình.