Sản xuất chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi:
Giải trí phải kết hợp với giáo dục
VHO - Sau giai đoạn “quá tay” mở rộng phạm vi khai thác gameshow truyền hình dành cho thiếu nhi, cùng với đó là câu chuyện không ít chương trình chưa thật sự đảm bảo chất lượng, các nhà đài, đơn vị sản xuất dường như đã biết lắng nghe ý kiến của khán giả, tiết chế hơn trong sản xuất nội dung. Khán giả vì thế được thưởng thức các chương trình đậm chất giải trí nhưng cũng mang nhiều thông điệp về giáo dục, chuyển tải ý nghĩa nhân văn.
Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra là “phải làm gì để các chương trình này có chỗ đứng trong lòng khán giả, duy trì được phong độ, tránh cảnh phập phù như thời gian qua?”.
Chất lượng chưa đồng đều
Với sự phát triển của văn hóa giải trí, không thể phủ nhận các kênh truyền hình thời gian qua đã tạo nên nhiều sản phẩm hấp dẫn dành cho khán giả màn ảnh nhỏ. Các chương trình không chỉ tăng về số lượng mà còn đa dạng về thể loại và đối tượng phục vụ, trong đó có trẻ em… Từng có giai đoạn, những gameshow thiếu nhi như Giọng hát Việt nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Vua đầu bếp nhí, Ai sẽ thành sao nhí... chiếm lĩnh sóng truyền hình, thường xuyên được xếp vào khung giờ vàng nên thu hút lượng người xem rất cao. Nếu mang đậm tính giáo dục, cách khai thác phù hợp với độ tuổi, các chương trình hoàn toàn có thể trở thành “bệ phóng” cho sự thành công của các em sau này.
Thế nhưng, không phải gameshow nào cũng làm được điều này, Siêu mẫu nhí là một trong những chương trình khiến không ít khán giả lo ngại khi các em mặc trang phục hay thực hiện những động tác không phù hợp với lứa tuổi. Hay như Đấu trường âm nhạc nhí, từng có trường hợp thí sinh 6 tuổi đã phải thi tài với ca khúc Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến. Ca khúc bị cho là quá sức so với các em, ê kíp sản xuất cũng thể hiện sự thiếu nhạy bén khi không phát hiện ra ca từ hoàn toàn không phù hợp với tiêu chí chương trình.
“Sạn” nhiều nên khán giả không còn mặn mà với những gameshow nhí. Cùng với đó, do thiên về giáo dục kỹ năng sống, cách dạy con lại thường đi theo “lối mòn” dẫn đến chương trình bị “dán nhãn” khô khan, không thu hút được vốn, và dần rơi vào giai đoạn “thất sủng”.
Thế nhưng, với tư duy đổi mới của một số đơn vị, sự khởi sắc cũng dần trở lại khi những gì khán giả đang được theo dõi trong giai đoạn gần đây đã dần phá vỡ “định kiến”. Đơn cử, Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân quy tụ dàn nhóc tì đáng yêu, nổi tiếng trên mạng xã hội. Không thi tài, không kịch tính, chương trình vẫn tạo được sức hút đặc biệt khi chọn cách khai thác cuộc sống thường nhật của những cặp bố con “siêu quậy” khi mẹ vắng nhà. Những hình ảnh đời thường của các bé, câu chuyện về cách dạy con của mỗi ông bố được chia sẻ theo cách dung dị nhất. Sau mỗi số phát sóng, chương trình đều nhận được rất nhiều bình luận tích cực trên các nền tảng mạng xã hội.
Hay với Hoa vui ca đang phát sóng hằng ngày trên VTV3, dù đơn thuần chỉ là chương trình dạy hát, dạy nhảy cho thiếu nhi, nhưng trong không gian âm nhạc được phối khí mới, Hoa vui ca đã mang đến không khí tươi vui, trở thành điểm hẹn kết nối, tương tác sôi nổi giữa các thành viên trong gia đình…
Phải song hành cùng giáo dục
Giải trí, giáo dục và an toàn là ba tiêu chí hàng đầu đối với các sản phẩm dành cho các em nhỏ. Chương trình truyền hình cũng không phải ngoại lệ. Làm nội dung cho trẻ phải chọn lọc kỹ lưỡng và đảm bảo yếu tố giáo dục, chứ không đơn thuần là giải trí. Bên cạnh đó, phải kích thích được sự tìm tòi, khám phá, học hỏi, giúp trẻ phát triển về trí não và vận động. Trước việc nhiều nội dung trên Internet không thật sự an toàn, các em học sinh và phụ huynh đang rất mong chờ vào việc ngày càng có thêm nhiều chương trình truyền hình bổ ích, phù hợp, nhất là khi các em đang trong kỳ nghỉ hè.
Dễ thấy nhất ở các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi là format “tìm kiếm tài năng”. Sau thời gian mọc lên “như nấm sau mưa”, các gameshow này dường như đã có phần đuối sức bởi nhiều yếu tố. Trong đó, câu chuyện thắng thua sau đêm chung kết phần nào khiến một bộ phận phụ huynh lo ngại cho con em mình. Qua nhiều vụ việc trẻ trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận, có thể thấy, chuyện thắng thua cần phải được thể hiện khéo léo, để khi tham gia các bé cảm thấy vui vẻ, không mang cảm giác tủi thân khi thua cuộc. Điều này đòi hỏi ê kíp sản xuất phải có kinh nghiệm, biết cách giảm nhẹ kịch tính để cho các em thấy được việc tham gia là để học hỏi, phục vụ cho chặng đường phát triển tài năng còn rất dài của các em, chứ không đặt nặng chuyện được mất.
Thế nhưng khi giảm bớt kịch tính xuống, vấn đề được đặt ra tiếp theo là không có nhiều gameshow duy trì được sức hấp dẫn một cách bền bỉ. Do đó, việc hạn chế tối đa drama, đối với các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi, cần xác định rõ độ tuổi hướng đến. Hiểu rõ tâm lý mới có thể cho ra được nội dung “đánh” trúng thị hiếu của các em. Các nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn… cần phải tham khảo ý kiến chuyên gia giáo dục và tâm lý học khi xây dựng câu chuyện cho từng chương trình cụ thể.
Cùng với đó, xuyên suốt quá trình sản xuất, các đơn vị cần xác định nội dung phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, không được có tư tưởng quá thoải mái, phóng khoáng hay Tây hóa, dẫn đến các em bị ảnh hưởng bởi yếu tố “lai căng”. Việc dán nhãn lứa tuổi cũng cần thực hiện nghiêm túc, là công cụ để phụ huynh quyết định có cho con theo dõi hay không. Sự cẩn trọng này thể hiện trách nhiệm của người lớn đối với sự an toàn về sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ. Các bậc phụ huynh cũng phải chủ động làm quen với công nghệ, xây dựng thói quen cùng con theo dõi các chương trình giải trí, định hướng con hướng đến những nội dung thú vị, có ích, mang tính giáo dục mà vẫn đáp ứng nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi trong dịp hè.