Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà bức xúc vì bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” bị phê phán
VHO - Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cựu giáo viên và nguyên hiệu trưởng Trường THCS Tân Hải, huyện Phú Tân, Cà Maumđã bày tỏ: “Tôi thực sự rất đau lòng khi bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà bị chỉ trích, mặc dù cũng có không ít người hiểu và đánh giá cao bài thơ này.”
Bài thơ Tiếng hạt nảy mầm, được in trong sách Tiếng Việt lớp 5 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, gần đây đã gây tranh luận trên nhiều diễn đàn giáo dục, nơi các giáo viên và những người quan tâm đến giáo dục đã bàn luận về nó với nhiều ý kiến cho rằng bài thơ quá khó hiểu, phức tạp. Một số nhận xét tiêu cực đã trở nên phổ biến, như: "Ôi giời ơi, cứu tôi. Thơ thế này mà cũng được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh à?" Những lời chỉ trích này còn đi xa đến mức phê bình cả tác giả, người biên soạn sách và thậm chí Bộ GD&ĐT.
Trước làn sóng chỉ trích đó, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, tác giả của ba tác phẩm trong bộ sách Chân trời sáng và từng là giáo viên văn, đã nói về nỗi đau lòng khi chứng kiến bài thơ Tiếng hạt nảy mầm bị mắng mỏ và mạt sát. Bà đã đọc hàng trăm bình luận và nhận thấy dù có một số người hiểu được bài thơ, phần lớn vẫn chỉ là những ý kiến tiêu cực.
Không đối đầu trực tiếp với những ý kiến đó, nhưng từ góc nhìn của một nhà giáo có chuyên môn, bà Hà đánh giá bài thơ có giai điệu nhạc tính, hình ảnh sinh động, đáng yêu và dễ hiểu. Bà còn nhấn mạnh rằng bài thơ được viết dành cho một lớp học khiếm thính, một bối cảnh mà nhiều người chưa thực sự hiểu rõ.
“Bạn thử tưởng tượng không gian hoàn toàn im lặng, nơi mà dù âm thanh vang dội đến đâu cũng không thể chạm tới các em khiếm thính. Các em học ngôn ngữ ký hiệu và hình dung âm thanh qua sự hướng dẫn của cô giáo. Giống như hạt giống nảy mầm trên đá, hoa nở giữa sa mạc, âm thanh của cuộc sống dần ùa về trên đôi bàn tay của cô và ánh mắt ngập tràn yêu thương của các em. Bài thơ thực sự xúc động bởi ý nghĩa nhân văn mà nó truyền tải", bà Hà chia sẻ.
Theo nhà văn, bài thơ đã mô tả chân thực sự nỗ lực vượt qua khó khăn của trẻ khiếm thính, tạo nên sự giao hòa cảm động giữa âm thanh và sự im lặng. Bà tin rằng bài thơ sẽ giúp học sinh hiểu hơn về sự khác biệt của những người khuyết tật thính giác và học cách trân trọng sự lạc quan dù trong hoàn cảnh không hoàn hảo.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Việt Hà cũng bày tỏ sự cảm thông với những gia đình không đủ khả năng tài chính để cấy điện cực ốc tai – một quá trình rất tốn kém và chưa chắc đã mang lại khả năng nghe hoàn toàn cho trẻ nếu không có quá trình tập luyện lâu dài và kiên nhẫn. Do đó, ngôn ngữ ký hiệu đã trở thành phương tiện duy nhất để trẻ giao tiếp với thế giới xung quanh.
Dù cảm xúc cá nhân có thể ảnh hưởng phần nào đến nhận định, bà Hà khẳng định rằng bài thơ vẫn hoàn toàn “tròn vẹn” về mặt ngôn từ và cách chọn lựa từ ngữ.
Chẳng hạn, nhiều người chê từ “hót nắng vàng ánh ỏi” là sai, và cho rằng nên thay bằng “óng ả”. Bà Hà phân tích rằng từ "ánh ỏi" mang nghĩa là ngân vang, vút cao. Vậy, tiếng chim hót vang vọng dưới nắng vàng có thể vút cao và ngân vang, chứ không chỉ dừng lại ở việc miêu tả màu sắc vàng. Chính sự giàu có và tinh tế trong ngôn ngữ Việt đã làm nên sự đặc sắc của những cách dùng từ như vậy.
Cuối cùng, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà khẳng định rằng, sứ mệnh của văn chương và nghệ thuật là hướng thiện, là vì sự tốt đẹp của con người thông qua những ngôn từ đặc sắc và bao dung. Bà không hiểu tại sao một bài thơ giàu ý nghĩa như Tiếng hạt nảy mầm lại bị chỉ trích nặng nề đến vậy.