Không thể đánh đồng khái niệm xã hội hóa giáo dục

TẠ DŨNG - UYÊN NGHI

VHO - Câu chuyện cô giáo đề nghị phụ huynh hỗ trợ mua máy tính xách tay xảy ra tại TP.HCM mới đây đang dấy lên nhiều băn khoăn trong cộng đồng xã hội về thực chất vấn đề xã hội hóa giáo dục.

Biện giải về hành động của mình, cô giáo cho rằng việc nhờ cậy sự giúp đỡ của phụ huynh để sắm máy tính xách tay, phục vụ soạn bài giảng cho học sinh là một hình thức vận động xã hội hóa giáo dục. Vấn đề nảy sinh khi cô giáo muốn dùng tiền phụ huynh để mua máy tính và đòi sở hữu luôn thiết bị ấy liền vấp phải sự phản đối của nhiều phụ huynh.

Việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị cho đội ngũ giáo viên vẫn đang xảy ra ở nhiều trường học trong cả nước, được hầu hết cha mẹ học sinh thực hiện thông qua hội phụ huynh. Lý do cơ bản là điều kiện thu nhập, đời sống của giáo viên nhìn chung chưa đầy đủ.

Những gia đình học sinh có dư điều kiện rất sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ cho thầy cô giáo. Hơn nữa, coi trọng đạo nghĩa thầy trò, gia đình nào cũng muốn con cái thấy được vai trò quan trọng của người thầy, tôn trọng vị trí người thầy trong xã hội. Do đó, việc chăm sóc giúp đỡ đời sống cho những người đứng trên bục giảng đã trở thành một đạo lý tất yếu trong xã hội chúng ta.

Chính những quan niệm “tôn sư, trọng đạo” bao đời đã định hình nên thái độ ân cần, trân trọng mà mọi người dành cho nhà giáo, dẫn đến những hoạt động hội phụ huynh chú ý làm sao vận động, hỗ trợ chăm lo tốt nhất đời sống của thầy cô giáo.

Ngay những vùng quê, thôn bản xa, người dân có thiếu thốn đến đâu, thì việc chung tay dựng nhà xây bếp cho thầy cô, gửi biếu lương thực thực phẩm cho thầy cô cũng là lựa chọn tất yếu của nhiều người. Cho nên, những đô thị phát triển, việc các hội đoàn phụ huynh huy động cha mẹ học sinh mua sắm điều kiện trang thiết bị, vật chất cho thầy cô giáo cũng là lẽ thường.

Dần dà những quan điểm hỗ trợ giúp đỡ, biểu đạt quan tâm ấy được định hình như chính sách cần có, một dạng đầu tư “xã hội hóa” trong nhà trường.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quản lý giáo dục, khái niệm xã hội hóa giáo dục gắn với những biểu hiện vận động đầu tư, trang thiết bị như vậy là chưa chính xác. Xét về bản chất đầu tư giáo dục, không thể đánh tráo các nội dung đầu tư cơ sở giáo dục, trang thiết bị cho nhà trường thuộc yêu cầu công ích xã hội cùng với hoạt động đầu tư riêng lẻ, tự phát các nhu cầu phái sinh khác.

Cụ thể, với các trường học, đặc biệt là công lập, đầu tư trang thiết bị học tập, cơ sở vật chất trường lớp, là hình thức đầu tư công. Ngay các trường tư thục, việc đầu tư cũng phải sử dụng vốn đầu tư của cơ sở giáo dục đó, không thể vận động pha trộn từ phụ huynh học sinh.

Trước đây, môi trường giáo dục đơn giản hơn, đầu tư cơ sở vật chất chỉ có thể là trường lớp, bàn ghế, bục giảng, những trang thiết bị tối thiểu để dạy và học gồm sách vở, giáo cụ…

Thời đại công nghệ số, điều kiện giáo dục sẽ khác đi, cần trang bị thêm thiết bị công nghệ, công cụ trợ giảng, rồi điều kiện hỗ trợ cho học sinh như máy điều hòa, hệ thống chiếu sáng, quạt mát, thiết bị trợ giảng như máy chiếu, tivi, máy tính…

Như vậy, việc đầu tư máy tính giảng dạy, quạt máy, điều hòa, tivi… tại lớp học phải xác định là do đầu tư công của nhà trường, của cơ sở giáo dục thực hiện, không thể biến tấu, thay đổi sang thành đóng góp của phụ huynh học sinh. Nếu thực tế khó khăn, cơ sở giáo dục đào tạo không đủ điều kiện, có thể tổ chức vận động, công khai hóa việc tham gia đóng góp, tài trợ từ phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo đúng chủ trương, chính sách quản lý tại cơ sở được ngành chuyên môn giám sát, có sự nhất trí từ chính quyền địa phương, đảm bảo các trang thiết bị đóng góp vận động đó là thành tài sản công lập và phục vụ trực tiếp vào việc giáo dục, đào tạo cho học sinh.

Những tài sản, thiết bị hình thành từ quá trình vận động, đóng góp, tài trợ này là tài sản công, đầu tư cho nhà trường, phải có quy trình quản lý giám sát, khấu hao rõ ràng, minh bạch. Mọi hành vi tư hữu hóa các tài sản thiết bị này đều là vi phạm, chiếm dụng phi pháp.

Như vậy, rõ ràng trong câu chuyện đầu tư vào giáo dục, khái niệm xã hội hóa không thể đánh đồng với mọi vận động đầu tư, tài trợ vào cơ sở vật chất, điều kiện giáo dục.

Vận động xã hội hóa, được nhìn nhận từ góc cạnh tham gia của gia đình, xã hội vào những điều kiện phát triển sư phạm hóa, nghiên cứu xã hội, khoa học. Từ đó, giúp tăng cường chất lượng đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng cho việc giáo dục, hỗ trợ mở rộng và phát triển năng lực giáo dục đào tạo.

Đó phải là sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, nhà khoa học, nhà tư vấn, cơ chế giám sát, quản lý, hỗ trợ dành cho tổ chức giáo dục, để đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư chính thức, công khai tiến bộ đối với công tác giáo dục.

Đó cũng phải là vận động các nguồn lực xã hội, các nguồn lực khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo… vào công cuộc xây dựng, củng cố phát triển năng lực giáo dục tại địa phương, phù hợp định hướng tiến bộ, văn minh của phát triển xã hội…

Kết quả xã hội hóa giáo dục chính là năng lực mở rộng, phát triển thêm các ngành nghề đào tạo mới, kiến thức chuyên môn, giáo trình sách vở mới, tăng thêm cơ sở vật chất và tri thức giáo dục đào tạo một cách đồng bộ, tăng thêm chất lượng học sinh, giáo viên, điều kiện học tập tại các cơ sở trường lớp.

Những vận động đầu tư, mua sắm vào cơ sở vật chất nhà trường, không thể quy nạp đánh đồng là xã hội hóa giáo dục và những trường hợp cố tình biến tướng các hình thức đóng góp, tài trợ ấy thành tư hữu hóa, chỉ có thể là sai phạm!.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc