TP.HCM dồn dập mở rộng hạ tầng giao thông cửa ngõ
VHO - Một loạt dự án hạ tầng giao thông cửa ngõ TP.HCM sắp khởi công xây dựng, góp phần giảm áp lực và đồng bộ hạ tầng đô thị, tăng kết nối với các tỉnh lân cận…

Cửa ngõ phía Nam sắp thông thoáng
Ngày 7.7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) thông tin, Ban Giao thông đã có văn bản gửi UBND thành phố về kế hoạch khởi công dự án cầu Rạch Tôm (xã Nhà Bè mới). Đây là công trình giao thông trọng điểm thuộc tuyến đường Lê Văn Lương, nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh mới (tỉnh Long An cũ).
Theo kế hoạch điều chỉnh, dự án sẽ được khởi công ngày 10.7 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026. Cầu Rạch Tôm có tổng chiều dài hơn 683m, gồm phần cầu chính dài 173m, rộng 15m, và đường dẫn hai đầu cầu dài hơn 500m, rộng 29m. Tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng hơn 140 tỉ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 224 tỉ đồng.
Cầu Rạch Tôm là một trong bốn cây cầu sắt trên tuyến đường Lê Văn Lương được xây dựng từ trước năm 1975, gồm: Cầu Rạch Đỉa, cầu Long Kiểng, cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi. Trong số này, hai cây cầu là Long Kiểng và Rạch Đỉa đã được xây dựng mới và đưa vào khai thác trong các năm 2023 và 2024.
Theo ghi nhận, cầu Rạch Tôm đã xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi xe đi qua là mặt cầu lại rung lên bần bật, phát ra tiếng ồn lớn do các tấm sắt va vào nhau. Nhiều vị trí trên cầu sắt bị hoen rỉ nghiêm trọng, nhiều đoạn sắt nối bị lệch, bung ốc vít…
“Cứ mỗi lần đi qua cây cầu, tôi đều lo lắng, bất an do cầu đã xuống cấp nhiều năm nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Người dân chúng tôi mong cơ quan chức năng thành phố sớm xây cây cầu mới để đi lại thuận lợi và an toàn”, bà Chu Thị Nguyệt (ngụ xã Nhà Bè) phản ánh.

Còn cầu Rạch Dơi, cây cầu sắt cuối cùng còn lại trên tuyến đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 781 tir đồng. Dự kiến, cầu mới dài khoảng 452m, rộng 15; đường dẫn dài khoảng 300m, rộng 29m. Hiện Ban Giao thông đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để sớm khởi công công trình này.
Tuyến đường Lê Văn Lương giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối khu Nam TP.HCM với tỉnh Tây Ninh mới, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu giao thương, đi lại giữa hai địa phương ngày càng gia tăng.
Khi cả 4 cây cầu trên tuyến được xây dựng hoàn chỉnh, hệ thống hạ tầng khu Nam sẽ có bước “lột xác” mạnh mẽ, góp phần giảm ùn tắc, rút ngắn thời gian di chuyển, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam TP.HCM và tỉnh Tây Ninh mới.
Phía Đông mở rộng đường kết nối
Tại cửa ngõ phía Đông TP.HCM, Sở Xây dựng thành phố thông tin, thành phố vừa bổ sung hơn 12.400 tỷ đồng vào kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 để thực hiện dự án thành phần 1: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, giáp ranh tỉnh Bình Dương cũ). Đây là một trong bốn dự án hạ tầng trọng điểm được HĐND TP.HCM thông qua theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vào tháng 2.2025.

Theo kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện từ quý III-2025 đến quý III-2026. Sau đó, việc thi công sẽ bắt đầu từ quý III-2026, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2028.
Hiện nay, tuyến Quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình) dài 5,9km, mặt đường rộng từ 19 - 27m, thường xuyên xảy ra ùn tắc do không đáp ứng được lưu lượng phương tiện lớn. Theo thiết kế, sau khi nâng cấp, Quốc lộ 13 sẽ được mở rộng lên 60m, với tổng cộng 10 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án gần 21.000 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành, dự án mở rộng Quốc lộ 13 không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông, mà còn mở rộng cánh cửa kết nối với các tỉnh trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Cũng tại cửa ngõ phía Đông, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết VEC đang triển khai các thủ tục nhằm phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu và đặt mục tiêu khởi công dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành vào tháng 8 tới, cơ bản hoàn thành năm 2026.
Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành từ Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 21km. Trong đó, đoạn Vành đai 2 - Vành đai 3 được mở rộng lên 8 làn xe theo quy hoạch; đoạn từ Vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lên 10 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 15.720 tỷ đồng, trong đó, VEC huy động toàn bộ vốn để thực hiện và tổ chức khai thác, thu phí hoàn vốn theo Luật Đầu tư.
Sau khi mở rộng, cao tốc TP.HCM - Long Thành đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận tải, góp phần kết nối thuận lợi đến sân bay Long Thành và TP.HCM.
Theo MINH TUẤN/Báo Hà Nội Mới
Link bài viết gốc