Hiểu tiếng Việt để yêu văn hóa Việt
VHO - Với nhiều sinh viên quốc tế đang theo học tại Đà Nẵng, thành phố năng động bên bờ biển miền Trung, hành trình du học không chỉ gói gọn trong giảng đường, họ tìm đến nơi đây để đắm mình trong nhịp sống bản địa, cảm nhận sâu sắc giá trị văn hóa, con người và lối sống Việt Nam. Mỗi trải nghiệm từ ẩm thực, lễ hội đến cách giao tiếp hằng ngày đều trở thành nhịp cầu đưa họ đến gần hơn với ngôn ngữ và tâm hồn Việt.

Hành trình của những trái tim trẻ phương xa
Từ một du học sinh Malaysia đến Đà Nẵng với hành trang là lòng hiếu kỳ và niềm yêu mến văn hóa Việt, Teh Jia Rou giờ đây đã là nghiên cứu sinh ngành Lịch sử Việt Nam tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Với ánh mắt lấp lánh niềm đam mê, em chia sẻ: “Tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ thứ hai của em”. Từ năm 2018, khi bắt đầu hành trình chinh phục tiếng Việt, Teh Jia Rou đã ấp ủ ước mơ được học tập tại Việt Nam. Tình cờ biết đến Trường Đại học Sư phạm qua bạn bè giới thiệu, em lập tức lựa chọn nơi đây làm điểm đến để hiện thực hóa giấc mơ.
Ngày đầu bước vào lớp học, em bất ngờ khi thấy có rất nhiều bạn bè quốc tế cùng chung một chí hướng - yêu tiếng Việt và khao khát hòa mình vào văn hóa nơi đây. Chính môi trường đa sắc ấy đã chắp cánh cho niềm đam mê của Teh Jia Rou được bay xa. Không chỉ học tiếng, em còn tìm hiểu sâu về văn hóa, lịch sử Việt Nam với tâm thế của một người muốn hiểu và gắn bó.
Minh chứng cho nỗ lực không ngừng là giải Ba tại Cuộc thi hùng biện tiếng Việt dành cho người nước ngoài khu vực miền Trung năm 2025. “Cuộc thi cho thấy tiếng Việt đang ngày càng lan tỏa và là nhịp cầu hiệu quả để người nước ngoài như em hòa nhập với đất nước xinh đẹp này”, Teh Jia Rou bày tỏ.
Cùng chung niềm đam mê với ngôn ngữ và văn hóa Việt, Thatsany Phommasy, sinh viên năm nhất ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam (Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng), đến từ nước bạn Lào và mang trong mình ấn tượng sâu sắc về con người Việt Nam.
“Người Việt chân thành và luôn sẵn lòng giúp đỡ. Từ sự giản dị, gần gũi ấy, em học được cách sống hòa đồng, cởi mở và mong muốn được gắn bó lâu dài với đất nước này”, Thatsany Phommasy chia sẻ.
Trước khi chính thức bước vào chuyên ngành, Thatsany đã trải qua một năm học dự bị tiếng Việt tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Từng cảm thấy nản lòng bởi những lỗi phát âm có thể khiến cả câu nói thay đổi nghĩa, nhưng em chưa bao giờ lùi bước.
Kiên trì vượt qua rào cản ngôn ngữ, mỗi ngày em đặt ra một mục tiêu nhỏ để tiến bộ, từng bước khám phá những chân trời tri thức mới mở ra qua tiếng Việt. Chính tinh thần ấy đã đưa em và đội của mình đến ngôi vị Quán quân tại Cuộc thi hùng biện tiếng Việt dành cho người nước ngoài.
Câu chuyện của Teh Jia Rou và Thatsany Phommasy vừa là hành trình học tập, vừa là lời nhắc nhở truyền cảm hứng: Tiếng Việt, với vẻ đẹp phong phú và chiều sâu văn hóa, đang trở thành điểm hẹn của những trái tim trẻ trung đến từ khắp thế giới. Những người bạn ngoại quốc ấy, qua từng con chữ, từng câu nói, đang góp phần viết tiếp câu chuyện hội nhập đầy nhân văn giữa Việt Nam và bạn bè năm châu.

Cầu nối văn hóa, cảm hứng hội nhập
Đồng hành cùng Thatsany Phommasy giành giải Nhất tại Cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho người nước ngoài khu vực miền Trung lần thứ nhất, Tontarn Phapoumma, sinh viên ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, cũng có hành trình đầy cảm xúc với ngôn ngữ mà em gọi là “tiếng nói của trái tim thứ hai”.
Tontarn Phapoumma cho biết, việc lựa chọn học tiếng Việt là một quyết định đầy thử thách. Thanh điệu phong phú, cách phát âm lắt léo cùng những quy tắc ngữ pháp khác biệt khiến không ít lần em phải chật vật. Nhưng vượt lên tất cả là sự kiên trì của bản thân, cộng hưởng cùng sự đồng hành tận tâm của thầy cô và bạn bè. Tham gia cuộc thi hùng biện, Tontarn không chỉ mong muốn rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ và thuyết trình, mà còn muốn truyền cảm hứng - chia sẻ góc nhìn của một du học sinh yêu mến đất nước và con người Việt Nam.
“Cuộc thi giúp em thêm yêu thành phố Đà Nẵng, một đô thị trẻ trung, năng động nhưng vẫn giữ được nét hiền hòa, gần gũi. Người dân nơi đây thân thiện, nhiệt tình, khiến em có cảm giác như đang sống trong chính quê hương mình. Em hy vọng, qua câu chuyện nhỏ của bản thân, nhiều bạn trẻ quốc tế sẽ biết đến và yêu thêm Việt Nam”, Tontarn chia sẻ.
Câu chuyện của Tontarn, Teh Jia Rou hay Thatsany Phommasy không còn là những lát cắt cá nhân đơn lẻ, mà đang trở thành một phần trong bức tranh rộng lớn của nỗ lực hội nhập quốc tế về giáo dục đại học Việt Nam. Tại Đà Nẵng, các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng luôn đi đầu trong việc tạo dựng môi trường giao lưu học thuật, văn hóa đa chiều, kết nối sinh viên Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Không chỉ là những lớp học tiếng Việt dành cho người nước ngoài mà còn là những chương trình trải nghiệm sống động, nơi văn hóa Việt lan tỏa qua từng bước chân, từng ánh nhìn. Như trong tháng 6 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã tổ chức chương trình giao lưu học thuật và văn hóa quốc tế cùng Trường Đại học Ngoại ngữ Busan (Hàn Quốc).
Bốn tuần học tiếng Việt, tham quan doanh nghiệp, dự giờ các bài giảng chuyên môn, trải nghiệm văn hóa tại Hội An và Mỹ Sơn - không gian ấy đã mở ra cánh cửa giao thoa, để sinh viên hai nước học hỏi, thấu hiểu và gắn kết sâu sắc hơn.
Những cuộc gặp gỡ như vậy đã làm giàu thêm vốn sống của người học, đồng thời là dịp để quảng bá hình ảnh một Việt Nam hiếu khách, giàu bản sắc đến với bạn bè thế giới. Trong từng câu chữ tiếng Việt được viết, được nói bởi những người ngoại quốc, là nhịp đập chân thành của một tình yêu vượt biên giới - tình yêu dành cho văn hóa, con người trên dải đất hình chữ S.