Mong vơi đi nỗi đau của người dân vùng bão lũ

NGUYÊN ĐỨC

VHO - Hàng đoàn xe cứu trợ đang cùng đổ về các vùng lũ, cùng biết bao lời nhắn gửi, tinh thần sẻ chia của muôn người trước những đau thương, mất mát mà người dân các tỉnh thành phía Bắc hứng chịu từ sau cơn bão số 3. Làm sao để hàng cứu trợ đến tận nơi, giao tận tay người cần, giúp xóa đi nước mắt đau thương?

Rất nhiều người dân miền Trung đã chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm từ thực tiễn hàng năm phải đón nhận bão lũ.

Dự báo nguy cơ khi đi cứu trợ!

Một thành viên lâu năm ở ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thừa Thiên Huế tỏ nỗi xót xa trước những con số nạn nhân không ngừng tăng lên ở các tỉnh thành phía Bắc. “Thật sự tôi không nghĩ mọi người lúng túng với bão lũ. Vì sau bão là lũ, bão chỉ là chặng đầu thiên tai và lũ lụt mới là lý do hại chết nhiều người. Cho nên, nhiều năm qua, trước khi một cơn bão tới, người miền Trung lập tức phát cây tỉa cành, chằng chống nhà cửa, bỏ hết mọi trang trí rườm rà; bão qua là lập tức dời dân khỏi nơi trũng thấp, dễ bị sạt lở… Những nơi hay ngập nước, lực lượng chức năng dời dân đi hết, không để bất cứ ai ở lại”. Thành viên phân tích như vậy.

Mong vơi đi nỗi đau của người dân vùng bão lũ - ảnh 1
Hội Chữ thập đỏ ứng cứu nhân dân bị mắc kẹt trong lũ

Cùng quan điểm, một cựu lãnh đạo ngành Nông nghiệp Quảng Nam chia sẻ, với bão thì dân đô thị lo lắng, mà bão qua, dân nông thôn mới sợ hãi. Nhà xây kiên cố có thể chống bão nhưng không thể ngăn được lụt.

Nhiều năm qua, tổn thất ở miền Trung chủ yếu là do mưa bão liên tiếp, một cơn bão sẽ kéo theo một đợt lũ lụt dài ngày, khi cây cối đã tả tơi, nhà cửa ngấm nước, lại có cơn bão tiếp đổ đến, thì khó có công trình nào chống đỡ nổi. Thành ra, vừa lo bão, các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương vừa phải phòng đón nguy cơ lũ lụt từ xa, bão càng lớn thì lũ lụt sẽ càng mạnh.

Mong vơi đi nỗi đau của người dân vùng bão lũ - ảnh 2
Hội Chữ thập đỏ Yên Bái và các lực lượng phát đồ cứu trợ cho nhân dân

“Trên đầu là gió, dưới chân là nước, sơ sẩy bên nào cũng chết cả, nên ai cũng phải có kinh nghiệm và tinh thần phòng bị cả hai”. Vị cựu lãnh đạo tâm sự như vậy.

Theo những tâm tư này, có thể thấy, các địa phương phía Bắc bị chia cắt và tổn hại nặng nề sau bão số 3, là do chưa có kinh nghiệm “thực chiến” về lũ lụt hậu bão tố, không kịp di dời người dân các điểm trũng thấp, ven sông suối, kề vách núi… Người dân các địa phương cũng chưa có kinh nghiệm chằng chống nhà và… kê dọn lụt. Việc xử lý bùn đất sau lụt, hay sẵn sàng tái xuống giống mùa màng khi lũ rút, cũng là những kinh nghiệm chưa mấy phổ biến.

Mong vơi đi nỗi đau của người dân vùng bão lũ - ảnh 3
Lực lượng thanh niên tập hợp hàng cứu trợ

Trong những ngày qua, nhiều ý kiến người dân miền Trung đã tích cực chia sẻ những vấn đề này, với hy vọng càng giảm được áp lực và tổn thất cho đồng bào các tỉnh thành phía Bắc càng tốt. Những hướng quyên góp, vận động cứu trợ từ miền Trung, theo đó cũng được bà con cân nhắc phù hợp.

Không để nơi thừa chỗ thiếu…

Một quan điểm nhất quán đã phổ biến của người dân miền Trung, là việc cứu trợ không tính nhiều ít, mà cốt ở… công bằng. Đây là yêu cầu rất quan trọng để mọi nạn nhân thiên tai bão lũ đều được chăm sóc, hỗ trợ, không bị bỏ rơi.

Thực tế nhiều năm tổ chức cứu trợ của các đoàn thiện nguyện miền Trung cho thấy, rất cần có một “bộ tổng chỉ huy cứu trợ” từ Trung ương, cụ thể là Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ phải nắm quyền tổ chức, phân luồng hàng hóa các đoàn cứu trợ. Trước khi một đoàn cứu trợ lên đường, cần có liên lạc với chỉ đạo Trung ương để phân chia đoàn ra nhiều tỉnh thành, rồi qua các cấp ở tỉnh thành, tiếp tục chia nhỏ thành nhóm cụ thể đi vào các vùng thiên tai.

Mong vơi đi nỗi đau của người dân vùng bão lũ - ảnh 4

Bởi địa hình địa vật sau bão lũ thay đổi rất nhiều, có nhiều rủi ro nguy hiểm bất ngờ, nên việc rà soát, chỉ đạo định hướng, tổ chức đội ngũ tiếp đón, dẫn đường… để các đoàn cứu trợ ra vào vùng lũ an toàn là cực kỳ cần thiết. Thực tế đã có nhiều sự cố thương tâm xảy ra với chính các đoàn cứu trợ là bài học phải nhớ.

Hàng hóa cứu trợ được đưa đến vùng thiên tai, phải được phân loại từ đầu, định vị vào vùng nào và thời điểm nào phù hợp. Đơn cử vùng vừa bị thiên tai, rất cần thực phẩm ăn liền, mì gói, gạo sấy và nhất là nước sạch; sau đó sẽ cần các loại thuốc chữa bệnh, quần áo vật dụng…

Các đoàn cứu trợ đưa hàng đến cũng không nhất thiết lao vào địa điểm lũ lụt nặng nề, mà phải được tổ chức kho chứa dự phòng, để luân chuyển hàng hóa đến những nơi đang thiếu. Những ngày qua, có địa phương giáp đường lớn, được hỗ trợ nhiều, nhưng lại có địa phương nằm cách biệt, đang bị cách ly, thật sự cần có hàng hóa để sẵn, sau khi tiếp nối mới nhận được hàng hóa cứu trợ.

Mong vơi đi nỗi đau của người dân vùng bão lũ - ảnh 5
Hàng cứu trợ được đóng gói chia đến các gia đình bị cô lập

Nhiều đoàn thiện nguyện miền Trung chia sẻ, quá khứ có những mùa mưa bão, đem thực phẩm vào vùng thiên tai, đã phát hết cho người dân ở đó, mới phát hiện ra có những người dân khác ở quanh đó, bị cô lập không ai biết đến, rất cần được cứu trợ.

“Có những hộ dân ở sâu trong rừng, biết có cứu trợ, lội bộ hàng cây số, đi cả ngày trời, đến điểm cứu trợ thì hàng hóa đã phát hết, thật sự rất đau lòng. Chúng tôi đã từng phải nhịn đói, chia hết phần thực phẩm mang theo, mượn thêm của người dân xung quanh đó để trao tặng cho họ, chứ không thể để họ quay về tay trắng”. Một phóng viên báo tại miền Trung kể lại.

Những ngày này, đau thương mất mát đã đè nặng tâm tư người dân các tỉnh phía Bắc, khơi gợi niềm đau thương chia sẻ với mọi người dân cả nước, nhất là những người dân miền Trung, vùng đối diện với mưa bão hằng năm. Nên, một cách tự nhiên, ai ai cũng sôi sục tinh thần cứu trợ, con số sẻ chia không ngừng tăng mỗi giờ.

Từ Tây Nguyên xa xôi đến những làng xóm khô cằn Quảng Nam, Quảng Trị, người người đều theo nhau tụ hội, và những kinh nghiệm cứu trợ, sẻ chia đang được truyền đạt, mong vơi đi nỗi đau cho người dân vùng bão lũ.