Kỹ năng “đón” bão từ kinh nghiệm miền Trung
VHO - Cộng đồng mạng xã hội ngay sau ngày cơn bão số 3 tan đã chia sẻ những hình ảnh đô thị Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội bị tổn thất nặng nề. Phía sau những hình ảnh đó, có chi tiết đáng quan tâm: trên phần lớn mái nhà, nhất là nhà lợp tôn, không hề có một bao cát, bịch nước… nào được bố trí.
Người dân miền Trung bao đời nay, hễ vào mùa mưa bão là lập tức gia cố căn nhà, từ chằng chống tường rào, nện chặt móng, nền nhà, cho đến đưa vật dụng nặng (bao cát, túi nước lớn…) lên mái nhà giằng yên vị các mái tôn.
Gần như gia đình nào cũng cất sẵn bao lớn trong nhà, để khi cần lập tức lấy ra, đổ cát vào và đưa lên má, đặt vào các vị trí xà gồ, mép tôn. Với cách phòng bị này, người dân tin tưởng không để gió bão lật tung các mái tôn, giảm nguy cơ tổn thất tầm 50%, thậm chí an toàn hẳn với các cơn bão “nhỏ”.
Một kinh nghiệm dân gian và đại trà như thế, bất kỳ ai đi khắp các tỉnh thành miền Trung đều có thể nhìn thấy. Mỗi năm mùa mưa bão về, những mái nhà dân lại đầy ứ bao tải cát, đến khi hết mùa mưa bão, người dân mới hạ xuống.
Trong thời đại công nghệ hiện nay, những giải pháp chằng chống, chủ động ngăn ngừa được chia sẻ nhiều, song vì sao không mấy ai thực thi, học tập để ứng phó? Phải chăng người dân các tỉnh ít bị thiên tai lại chủ quan?.
Trái ngược với tình trạng kinh nghiệm đáng chia sẻ này, trên không gian mạng, những ngày qua xuất hiện không ít “lời khuyên” của những người không mấy thấu hiểu vấn đề, nhưng lại được nhiều người quan tâm, như mở hé cửa sổ cửa chớp các căn hộ khi có gió bão. Lập luận ở đây là việc mở hé cửa sẽ làm thoáng khí, giảm áp lực sức gió lên mặt kính, khung cửa… và an toàn cho các căn hộ.
Song thực tế, khi gió bão tới, với cường độ lớn, bất kỳ lỗ hổng nào cũng có thể bị cuồng phong ập vào và phá tung tất cả. Do đó, những lời khuyên trên mạng thật sự nguy hiểm, thiếu sự kiểm chứng, người dân không nên nghe theo.
Câu trả lời cho vấn đề ngăn ngừa đón bão, vì vậy cũng được chính dư luận mạng xã hội đưa ra. Đó là, các cấp quản lý, các tổ chức, đơn vị đóng vai trò chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn người dân phòng ngừa mưa bão phải tham gia vào công tác truyền thông, sớm ban hành và nhất định phải ban hành các tài liệu, văn bản cụ thể, chính thức về các giải pháp, lời khuyên người dân đối phó mưa bão.
Các ý kiến, thông tin này cần được thẩm định chính xác, thực chứng nghiêm túc, tốt nhất là chia sẻ từ các cơ quan, đơn vị quản lý ở miền Trung, vùng thường xuyên có bão tố đe dọa.
Cách thức chia sẻ thông tin, hỗ trợ người dân cần hết sức đa dạng, linh hoạt, không chỉ là các văn bản in giấy chính thức, mà nên sử dụng các phương tiện thông tin trực tuyến, từ các website đến các mạng xã hội, các kênh chia sẻ dữ liệu, với mọi hình thức bằng hình ảnh, âm thanh, để mọi người dân thuận tiện nắm bắt.
Hơn nữa, tùy thuộc vào địa hình, vùng quản lý, các cơ quan chức năng nên chia sẻ những thông tin, giải pháp, kinh nghiệm trực tiếp đến các hộ dân, qua các cầu nối phần mềm, công cụ mạng.
Theo nhiều ý kiến cộng đồng, việc chỉ đạo và chia sẻ chính thức những thông tin truyền thông, hỗ trợ giải đáp như vậy, sẽ giúp người dân thanh lọc được các dạng thông tin xấu, hướng dẫn sai lệch, tiêu cực, đồng thời định vị được đúng các nhu cầu thông tin, trao đổi dữ liệu, tình hình của người dân.
Kinh nghiệm của những người dân ở miền Trung, theo đó có thể được người dân những vùng ít bị thiên tai cập nhật, nắm bắt, qua đó giúp công tác chỉ đạo, hỗ trợ cộng đồng người dân chủ động, hiệu quả trong công tác phòng bị mưa bão. Càng truyền thông tốt những thông tin kỹ năng đón bão, dư luận sẽ càng thu nhận được những phản ảnh tích cực và an toàn cho người dân trong những đợt mưa bão sẽ không ngừng được nâng cao.