Công tác cứu trợ: Cần giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh

TẠ DŨNG - ĐỨC NGUYÊN; ảnh: THÁI NGUYÊN

VHO - Những ngày này, khi hậu quả của cơn bão số 3 đang gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Bắc, tinh thần sẻ chia hỗ trợ với đồng bào đang nhanh chóng lan tỏa khắp cả nước. Phong trào vận động quyên góp và chung tay vận tải hàng hóa, nhu yếu phẩm đến với các đồng bào đang lan toả mạnh trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, để tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của con người Việt Nam đạt hiệu quả cao, cộng đồng hết sức cân nhắc, lên kế hoạch chi tiết để phân luồng cứu trợ hợp lý.

Cứu đúng lúc, trợ đúng người

Anh Huỳnh V.H, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành miền Trung thường hoạt động thiện nguyện nhìn nhận, phải khẳng định tấm lòng “máu chảy ruột mềm” là truyền thống bất di bất dịch của con người Việt Nam. Khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc, thông tin thiệt hại về người và tài sản được công bố, những “đoàn quân cứu trợ” đã được hình thành.

Công tác cứu trợ: Cần giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh - ảnh 1
lực lượng chức năng chuyển nhu yếu phẩm cho người dân bị kẹt do lũ t

Từ nhóm tình nguyện viên ở Huế xung phong ra Bắc giúp thu dọn hậu quả cơn bão, đến những chuyến xe vận tải 0 đồng từ Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định… rồi gạo muối ở Đà Nẵng, hàng hóa từ TP.Hồ Chí Minh ngược ra, ai cũng sục sôi tinh thần giúp đỡ đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Người có của góp của, người không có thì úy lạo tinh thần, tất cả đều mong góp sức động viên, hỗ trợ để người dân bị nạn được an ủi. Tuy nhiên, theo một số cá nhân tại miền Trung, vốn đã kinh qua lịch sử nhiều lần đi cứu trợ, nhất thiết phong trào vận động chung này, phải có một kế hoạch, tầm nhìn phân luồng hợp lý.

Chỉ đạo chung từ Trung ương, từ Mặt trận Tổ quốc đã có sự thống nhất, song với riêng từng nhóm thiện nguyện, từng cá nhân tự phát muốn dốc lòng tham gia, phải nên nhìn nhận và vận động hợp lý. Đó là cần cân nhắc đúng vùng, đúng đối tượng, đúng thời điểm hoàn cảnh, để công tác vận động, quyên góp và triển khai cứu trợ được hiệu quả.

Công tác cứu trợ: Cần giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh - ảnh 2
Áo phao được vận chuyển khẩn cấp cung ứng cho nhân dân vùng lũ

Ngay trong những ngày này, khi diễn biến thời tiết còn rất phức tạp. Mưa to, lũ lớn còn đang đe doạ khắp miền Bắc, các đoàn, các nhóm cứu trợ tự phát chưa có kinh nghiệm đến vùng này sẽ có nguy cơ gặp nhiều rủi ro từ ngập lụt, sạt lở đất hoặc bị nước lũ cô lập…

Chính những nguy cơ này vô hình chung sẽ gây thêm áp lực cho lực lượng cứu hộ và nhân dân tại địa phương. Bên cạnh đó, việc cứu trợ không có sự điều phối phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng nơi cần thì thiếu, nơi thiếu thì không có.

Do đó, công tác cứu trợ cần có kế hoạch khoa học, nghiên cứu rõ lộ trình, diễn biến thời tiết, điểm đến, nhu cầu thực tế… Đồng thời, công tác cứu trợ không chỉ diễn ra trong thời gian bão, lũ mà sau khi bão qua, lũ rút cũng rất quan trọng.

Cần phân luồng cứu trợ

Để công tác cứu trợ đạt hiệu quả cao, đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu trợ, thứ nhất, việc tổ chức vận động quyên góp, từ cá nhân đến các tổ chức, hiệp hội, cần công khai, minh bạch.

Các nhóm, đoàn cứu trợ nên có số tài khoản công khai, rõ ràng, để vận động dòng tài chính ủng hộ chính xác, phân phó công khai về sau. Quan trọng là, những người vận động, tổ chức, phải tự có năng lực tài chính nhất định, để chủ động lo phần chi phí, trang trải của mình và các cá nhân tham gia, không phạm vào tài chính quyên góp.

Công tác cứu trợ: Cần giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh - ảnh 3
Các đoàn cứu trợ cung cấp thực phẩm cho các chiến sĩ

Thứ hai, việc tổ chức các nhóm, đoàn cứu trợ phải bám sát thực tiễn tình hình để cân đối, phân luồng hợp lý. Theo dõi dự báo thời tiết, dự báo nguy cơ lũ, xạt lở trong 15 ngày tới, kể từ thời điểm hiện tại, công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ lớn sẽ được tổ chức rộng khắp các tỉnh thành miền Bắc.

Công tác cần được cứu trợ phân theo luồng, nhóm và kế hoạch thời gian. Nhóm đầu tiên xuất phát từ ngày đầu tiên cho đến một tuần sau, cơ bản cứu trợ khẩn cấp, nên cần quy tụ hàng hóa, nhu yếu phẩm “ăn liền”, như mì tôm, gạo sấy, nước sạch, các loại thuốc cảm ngộ, sạc pin dự phòng… cho đến các suất ăn nóng.

Công tác cứu trợ: Cần giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh - ảnh 4
Chính quyền địa phương tiếp nhận, phân loại đồ cứu trợ

Nhóm thứ hai, từ sau một tuần lễ, cần hỗ trợ khắc phục hậu quả, với các loại vật dụng quần áo, giày dép, dụng cụ vệ sinh, thuốc phòng ngừa dịch bệnh, rau quả sấy khô, đồ dùng gia đình, thiết bị điện và điện tử…

Nhóm thứ ba, định hình sau ngày thứ 10 trở đi, cần vận động nông ngư cụ, vật dụng sản xuất, quần áo, đồ dùng học tập…

Nhóm cuối cùng, định hình sau ngày 15 trở đi, nên mang con giống, hạt giống, cây trồng, nguyên vật liệu canh tác sản xuất, hỗ trợ tu sửa nhà cửa, hàng hóa…

Các nhóm này, trước khi xuất phát, cần liên lạc với chính quyền địa phương tại các điểm đến, nhận định rõ ràng các nhóm đối tượng cần cứu trợ, vị trí tập kết, điều kiện tiếp cận… càng cụ thể càng tốt.

Phương tiện đi lại, giao thông đến nơi phải được xác định chính xác, và phải căn cứ thực tế địa hình, tình hình mưa gió tại địa bàn. Cần tránh sự nhầm lẫn, dễ lâm vào những tình cảnh mắc kẹt chính đoàn cứu trợ trong vùng cứu trợ.

Nếu được tổ chức chu đáo và thận trọng như vậy, có sự phân luồng, phân đợt cụ thể, chắc chắn công tác cứu trợ bão lũ của các hội đoàn và cá nhân sẽ hiệu quả hơn, và tránh được mọi rủi ro bất cẩn không cần thiết.

Ai cũng mong việc cứu trợ sẽ đến được người cần cứu trợ, và ai cũng đang nhiệt huyết, sẵn sàng lên đường. Vậy cần phải biến sức mạnh sẻ chia ấy thành hành động hiệu quả và hợp lý, từ những tính toán và cân nhắc phù hợp, trong tổ chức và vận động cứu trợ.