Không cây nào sống tốt với vải bạt quấn rễ

TẠ DŨNG - UYÊN NHI; ảnh: ĐẶNG NGÂN, MXH

VHO - Hàng trăm cây xanh ngã đổ trên đường phố ở Hà Nội, bật ra những gốc rễ bọc kín bởi bao bì nhựa từ khi trồng, đang tạo nên một làn sóng tranh luận gay gắt với cộng đồng mạng. Liệu cây xanh đô thị khi trồng có cần tháo bỏ hết bao bì giữ phần rễ, câu hỏi này thu hút nhiều người quan tâm.

Giải đáp vấn đề, ông Nguyễn Văn Bảo, nguyên Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Công viên Cây xanh Đà Nẵng khẳng định, trồng cây xanh, dù ở đường phố hay trong ruộng vườn, vẫn phải tuân thủ tính tự nhiên cao nhất.

Không cây nào sống tốt với vải bạt quấn rễ - ảnh 1
Hà Nội có gần 25 nghìn cây gẫy đổ sau bão số 3

Nghĩa là cây xanh phải được tạo đủ điều kiện dinh dưỡng, môi trường thuận lợi để phát triển nhanh nhất. Không có lý do nào thể hiện việc bao quây, kìm hãm cây xanh tự nhiên là hợp lý cả.

“Cho nên, với một cây non khi ươm ra đất, chúng ta đã phải có trách nhiệm làm tơi xốp phần đất trồng cây, vị trí hố đất trồng và tháo bỏ tất cả những bao bì ràng buộc, quây gói rễ và thân cây. Phải tháo bỏ hết, đặt cây vào vị trí trồng và trộn hòa đất cũ, đất mới với rễ cây”, ông Bảo nhấn mạnh.

Không cây nào sống tốt với vải bạt quấn rễ - ảnh 2

Có một số lý luận cho rằng bao bì quanh phần rễ cây được đóng gói để di chuyển cây từ trại ươm ra đường phố, trong đó có chất dinh dưỡng và độ an toàn bảo vệ rễ cây, nên không xé rách bao bì là an toàn cho cây xanh.

Ông Bảo phủ nhận lập luận này và cho rằng: “Chả có cái cây nào sống tốt với lớp nilon vải bạt quấn rễ cả. Cái gì phản tự nhiên là bất hợp lý. Có người nói rễ cây cần được bảo vệ rồi sẽ tự xé bao xuyên ra ngoài. Tôi nói đó là ngụy biện. Cây được ươm đưa đi trồng, là những cây đã được chọn, có sức sống tốt, sau khi trồng còn được bón thúc, thì làm sao thiếu dinh dưỡng? Rễ cây thật ra rất nhạy cảm, nếu xung quanh đủ dinh dưỡng thì sẽ tự phát triển quanh đó. Những cây bị thiếu dinh dưỡng mới có rễ đâm phá đất đá. Cây xanh đường phố được tưới nước bón phân đầy đủ sẽ chỉ phát triển phần rễ ở khu vực có dinh dưỡng ấy”.

Không cây nào sống tốt với vải bạt quấn rễ - ảnh 3
Nhiều cây gẫy đổ lộ ra bầu rễ chưa được tháo bỏ lớp vỏ bọc

Với suy nghĩ này, ông Bảo nhận định, việc trồng và chăm sóc cây xanh đô thị là “đã và đang có vấn đề”. Xuất phát điểm, có thể là các dự án được giao cho những nhà thầu thiếu trách nhiệm, đội ngũ không chuyên nghiệp, lười biếng cẩu thả nên trồng cây qua quít, không xé bỏ lớp bao bọc.

Sau đó, là việc chăm bón không đúng cách, không có giải pháp đưa chất dinh dưỡng, tưới nước xuống từ dưới sâu để giúp phát triển bộ rễ hướng xuống dưới, tạo thành bộ rễ mạnh và đâm sâu vào đất. Do đó, các cây xanh đường phố chỉ có phần rễ nông cạn phía sát mặt đất, với thân cây cao 4 – 8 mét và tán rộng, rõ ràng gặp bão tố là đổ.

Không cây nào sống tốt với vải bạt quấn rễ - ảnh 4
Một số cây gẫy đổ có phần rễ rất nông

Một số cá nhân là thành viên hoạt động công viên cây xanh tại Huế, Đà Nẵng cũng thừa nhận, quá khứ phát triển đô thị một số khu vực từng có hiện tượng trồng cây xanh đô thị không tuân thủ quy định xé bỏ lớp bao bên ngoài. Sau những trận mưa bão, cây cối gãy đổ, cơ quan quản lý phát hiện ra, đều đã xử lý nghiêm những hành vi và đơn vị làm như vậy.

Cho đến nay, hầu hết các dự án đô thị ở miền Trung đều nhất quán cách trồng và chăm sóc cây xanh đô thị tuân thủ các quy trình nông nghiệp chuẩn mực. Do đó, có thể thấy các đô thị miền Trung gần đây, trong mùa mưa bão, sau khi cắt gọt phần tán lá, đã ít bị gãy đổ hơn.

Các đô thị đang dần thanh lọc cây xanh theo thế hệ tuổi trồng, đảm bảo các thế hệ cây xanh mọc sau được chăm sóc và trồng đúng cách, chủ động hạn chế đến mức thấp nhất cảnh đường phố ngổn ngang cây xanh sau thiên tai.