Con đường lây truyền của vi khuẩn Salmonella

MAI TRANG

VHO - Người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Salmonella thường do ăn thịt sống, gia cầm, trứng hoặc các sản phẩm từ trứng, sữa chưa tiệt trùng. Thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi tiếp xúc đến lúc phát bệnh) có thể từ 6 giờ – 6 ngày.

Vừa qua Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kết luận xác định nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 373 người nhập viện sau khi ăn bành mỳ tại TP Vũng Tàu là do thực phẩm nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Các bác sĩ cho biết, thông thường, người bệnh bị nhiễm khuẩn Salmonella sẽ có xu hướng nhầm lẫn với chứng đau dạ dày thường gặp. Trong đó, một số dấu hiệu điển hình phải kể đến gồm: Tiêu chảy, đau quặn bụng, sốt, buồn nôn, nôn mửa, ớn lạnh, đau đầu, xuất hiện máu trong phân...

Con đường lây truyền của vi khuẩn Salmonella - ảnh 1
Vi khuẩn Salmonella thường có trong phân dính vào thực phẩm, con người qua nhiều đường

Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy thường xuất hiện khoảng 10 ngày nhưng có thể mất vài tháng trước khi ruột trở lại thói quen đại tiện ổn định.

BSCKI Hoàng Đình Thành, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, vi khuẩn Salmonella sống trong ruột người, động vật và chim. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước ô nhiễm có chứa phân.

Ví dụ, phân có thể dính vào thịt gia cầm trong quá trình giết mổ, hải sản cũng có thể chứa nguồn lây khi sống trong môi trường nước ô nhiễm.

Sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella. Trong khi đó, quá trình thanh trùng có thể loại bỏ vi khuẩn có hại, bao gồm cả Salmonella.

Trái cây và rau củ quả tươi, đặc biệt là giống nhập khẩu có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella trong quá trình chăm bón hoặc sơ chế làm sạch bằng nước.

Cũng có thể nhiễm từ trứng sống hoặc nấu chưa chín. Mặc dù lớp vỏ trứng có khả năng bảo vệ phần bên trong khỏi sự nhiễm bẩn nhưng gia cầm nhiễm bệnh vẫn có thể đẻ ra trứng chứa vi khuẩn Salmonella (tồn tại trước khi vỏ được hình thành). Đây chính là nguồn lây khi con người ăn phải.

Nguồn lây còn có nguyên nhân từ việc xử lý thực phẩm không đúng cách, quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh, không rửa tay kỹ trước khi thực hiện.

Theo các bác sĩ, nhiễm khuẩn Salmonella thường hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người được ghép tạng, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu, khả năng tiến triển thành biến chứng nghiêm trọng sẽ cao hơn.

Tiêu chảy do nhiễm khuẩn salmonella dễ khiến cơ thể bị mất nước. Trong đó, một số dấu hiệu cảnh báo thường gặp gồm: Đi tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu sẫm màu, cảm giác khô miệng, lưỡi, mắt trũng sâu, không tiết nước mắt khi khóc, cơ thể mệt mỏi hơn bình thường, nhiễm khuẩn huyết...

Để phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn Salmonella, các chuyên gia khuyến cáo, cần phải ngăn chặn nguồn lây ngay từ ban đầu. Đối với thực phẩm, không nên chế biến thực phẩm cho người khác khi bản thân đang bị bệnh; luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh; rửa tay kỹ trước và sau khi chế biến thức ăn hoặc ăn uống; rửa sạch các bề mặt, dụng cụ chế biến thức ăn trước và sau khi sử dụng; đảm bảo thực phẩm được nấu chín đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn.

Ngoài ra, không xử lý bất kỳ loại thực phẩm nào khác trong khi đang sơ chế, chế biến thịt sống, thịt gia cầm, hải sản hoặc trứng; rửa sạch rau củ quả trước khi chế biến; làm lạnh hoặc đông lạnh thịt gia súc, gia cầm và hải sản càng sớm càng tốt nếu chưa sử dụng đến; không uống sữa và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng; không uống nước chưa được xử lý hoặc ăn thức ăn được chế biến từ nước chưa được xử lý.

Đối với vật nuôi, rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật (kể cả vật nuôi), bao gồm cả thức ăn, bát nước, khay vệ sinh, phân, lồng hoặc đồ chơi của chúng; không chạm hoặc cho tay vào miệng sau khi chạm vào động vật; không hôn vào lông hoặc da của động vật, vật nuôi.

Đặc biệt, người có hệ thống miễn dịch suy yếu, trẻ dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi tuyệt đối không nên chạm vào các nhóm động vật thuộc nguy cơ cao; làm sạch môi trường sống của thú cưng, chẳng hạn như bể cá, lồng…; không sử dụng bồn rửa trong nhà bếp để tắm rửa, vệ sinh cho thú cưng hoặc đồ chơi của chúng.

Trước đó vào ngày 27.11, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Vũng Tàu và Trung tâm Y tế Vietsovpetro (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, mệt mỏi... Tại đây, các bệnh nhân cho biết, họ đã ăn bánh mỳ tại tiệm Cô Ba Bến Đình vào tối 26.11.

Tính đến 16 giờ ngày 29.11, hệ thống giám sát của ngành y tế Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 373 bệnh nhân nhập viện điều trị sau khi ăn bánh mỳ; trong đó có 1 trường hợp tử vong là ông T.V.R. (71 tuổi, trú tại phường 11, TP Vũng Tàu).