Bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh

TÙNG QUANG; ảnh: QUỐC HỘI

VHO - Sáng 14.8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8.2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, với 107 lượt ý kiến tại tổ và 17 lượt ý kiến tại hội trường.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bước đầu đối với dự thảo Luật. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật đã được chỉnh lý có 61 điều (giảm 4 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng).

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng bổ sung các quy định cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ của cộng đồng thông qua các nội dung quy định về chính sách của Nhà nước (Điều 4); quy định trách nhiệm tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Điều 8) và quy định trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước đối với Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các cấp (Điều 56), cũng như đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các điều luật cụ thể có liên quan tại dự thảo Luật.

Về chính sách của Nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Điều 4), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý các quy định về chính sách bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn, cứu hộ, sát với yêu cầu thực tiễn; đồng thời thu hút các chính sách đặc thù tại các quy định cụ thể của các chương, điều trong dự thảo Luật và thể hiện lại rõ ràng hơn tại Điều 4 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh - ảnh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp

Về trách nhiệm PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Điều 6), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC, cứu nạn, cứu hộ, bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông; chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở và thể hiện cụ thể tại các khoản tương ứng của Điều 7 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cu, trung tâm đô thị lớn. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 2 điều, Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.

Về phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện; bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện (Điều 20), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, Luật Điện lực hiện hành đã quy định cụ thể, bao quát các yêu cầu về an toàn (trong đó bao gồm cả yêu cầu an toàn về PCCC) trong việc sản xuất, truyền tải, phân phối, mua bán, sử dụng, trang thiết bị điện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc chấp hành các quy định của pháp luật về điện lực, nhất là trách nhiệm cụ thể của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong sử dụng, lắp đặt, kiểm soát an toàn điện sau công tơ còn hạn chế, dẫn đến việc chấp hành chưa nghiêm, kéo theo nguy cơ cháy, nổ do điện. Những nội dung này cần phải được điều chỉnh một cách tổng thể trong dự thảo Luật Điện lực dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện an toàn nói chung, điều kiện an toàn PCCC nói riêng vào dự thảo Luật Điện lực để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh  cho rằng, dự thảo Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ quy định về các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy cơ bản trong việc lắp đặt, sử dụng điện là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh - ảnh 3
Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là dự án luật rất quan trọng, tác động đến đời sống kinh tế xã hội, tác động đến tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát chặt chẽ để khắc phục được những bất cập, hạn chế trong thời gian qua. Đồng thời phải quán triệt nghiêm túc, luật hoá các nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25.6.2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và Kết luận số 02-KL/TW ngày 18.5.2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình cháy nổ diễn biến rất phức tạp cho thấy còn nhiều vấn đề vướng mắc bất cập trong công tác này: Ý thức phòng cháy, chữa cháy chưa cao; xử lý chưa nghiêm các trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh; các công trình xây dựng không có hệ thống thoát hiểm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy hoặc nếu có thì không sử dụng được…

Nhấn mạnh những vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là yêu cầu quan trọng. Đây cũng là vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn và có nhiều ý kiến trong thời gian qua. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật; nhất là quy định về đặc thù khác với các luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với việc tách nội dung về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở và với nhà ở kết hợp kinh doanh. Đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật.