Di tích ở Thanh Hoá:

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng

NGUYỄN LINH

VHO - Với hơn 1.500 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, những năm gần đây, du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Thanh Hóa đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Bởi vậy, việc chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, công tác PCCC... là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi di tích để đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, chiêm bái.

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng - ảnh 1
Hệ thống máy phát điện công suất lớn tự động đóng, ngắt được đầu tư để đảm bảo công tác phòng, cháy chữa cháy tại khu di tích Lam Kinh

Thanh Hóa đang bước vào cao điểm mùa hè, nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Trong khi đó, các điểm du lịch tâm linh vẫn thu hút đông đảo du khách tham quan, chiêm bái. Đặc biệt là vào các ngày rằm, mùng 1 hoặc thứ 7, chủ nhật, lượng khách đến tham quan càng tăng cao.

Do đó, tại các di tích luôn tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ. Để đảm bảo an toàn về người và tài sản tại các di tích, công tác đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy tại các di tích đã và đang được chú trọng thực hiện.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh là một điểm du lịch tâm linh thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm. Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 di tích đã thu hút trên 9.000 lượt khách. Cùng với đó, khu di tích bao gồm các công trình kiến trúc chủ yếu bằng gỗ với diện tích lớn; nằm trong rừng đặc dụng di tích Lam Kinh; giáp ranh liền kề đất sản xuất nông, lâm nghiệp của Nhân dân nên nguy cơ cháy nổ vẫn luôn thường trực.

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng - ảnh 2
Hệ thống bình chữa cháy bên trong các khu thờ tự của di tích Lam Kinh được trang bị đầy đủ

Trưởng BQL Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) Nguyễn Xuân Toán cho biết, trung bình mỗi ngày Khu di tích đón tiếp khoảng 800 người dân và du khách tham quan, chiêm bái. Để đề phòng nguy cơ cháy nổ trong đợt cao điểm nắng nóng hiện nay, BQL khu di tích đã thành lập tổ bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ.

Cùng với đó, bố trí hàng chục bình chữa cháy bên trong các khu thờ tự. Hệ thống điện tại khu di tích thường xuyên được kiểm tra để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo đảm an toàn PCCC. Ngoài ra, BQL thường xuyên phối hợp lực lượng công an tổ chức tập huấn PCCC cho đội ngũ nhân viên, bảo vệ trực tại khu di tích.

BQL cũng thường xuyên nhắc nhở du khách thực hiện nghiêm các quy định và nâng cao nhận thức về công tác PCCC trên loa phát thanh và tại các bảng, biển được đặt tại các vị trí dễ nhìn trong khu di tích.

Tại di tích lịch sử - văn hóa đền Độc Cước (TP Sầm Sơn) dịp này cũng thu hút rất đông du khách. Đây là mùa cao điểm tổ chức lễ hội và du lịch biển của thành phố nên nhiều du khách vào di tích để dâng hương, vãn cảnh.

Thủ từ Văn Đình Ga cho biết: Đình, đền, chùa luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, bởi phần lớn được xây dựng với kết cấu chủ yếu là gỗ, bên trong lại có nhiều đồ dễ cháy. Lượng khách đến di tích đông kéo theo nhu cầu sử dụng điện, thắp hương, thắp nến, đốt vàng mã nhiều. Phương tiện giao thông dừng, đỗ tại các bến, bãi gia tăng cũng có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh cháy, nổ.

"Chúng tôi rất chú trọng đến công tác PCCC. Đặc biệt là việc kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống điện trong di tích. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ đi tập huấn về PCCC để về phục vụ tại di tích; trang bị đầy đủ thiết bị PCCC; phân công trách nhiệm cho các thành viên trong BQL di tích triển khai nhiệm vụ PCCC; lắp camera quan sát toàn bộ di tích", ông Ga cho biết.

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng - ảnh 3
Tăng cường phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng - ảnh 4
Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại khu di tích Lam Kinh

Cùng với các di tích, hè là dịp các khu, điểm du lịch trong tỉnh đón lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm. Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc) Trịnh Hữu Anh cho biết: Dịp hè, trung bình Thành nhà Hồ đón trên 1.200 du khách mỗi ngày.

Trung tâm đã bố trí 22 bình chữa cháy đạt tiêu chuẩn (bao gồm cả dạng bột và khí), lắp đặt tại các vị trí thuận tiện cho việc sử dụng như khu nhà làm việc, không gian trưng bày bổ sung, phòng chỉnh lý hiện vật, kho hiện vật, phòng bảo vệ.

Ngoài ra, đối với các hộ kinh doanh xung quanh Thành nhà Hồ, Trung tâm yêu cầu mỗi hộ trang bị tối thiểu 2 bình chữa cháy. Cùng với đó, để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ do chập điện, Trung tâm yêu cầu cán bộ, nhân viên ngắt toàn bộ thiết bị điện khi hết ngày làm việc.

Nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch trong mùa cao điểm về du lịch, Sở VHTTDL Thanh Hoá đã yêu cầu các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tăng cường kiểm tra, rà soát kỹ về công tác PCCC. Đồng thời, tuân thủ thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh - trật tự, phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, công tác giữ vệ sinh môi trường, niêm yết công khai giá dịch vụ cần được thực hiện nghiêm theo quy định. Từ đó, góp phần đưa Thanh Hoá thực sự trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy trong mùa nắng nóng - ảnh 5
Lực lượng công an tập huấn PCCC cho cán bộ, nhân viên trông coi di tích lịch sử - văn hóa đền Độc Cước (TP Sầm Sơn)

Dự báo thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, cùng với lượng khách đổ về các di tích trong ngày hè ngày càng đông. Nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu như công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy không được quan tâm, chú trọng.

Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” ngành VHTTDL, cùng các ngành liên quan và các địa phương, ban quản lý các di tích, khu di tích đã chủ động tăng cường kiểm tra giám sát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Cùng với đó, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của bản thân và cộng đồng. Từ đó, góp phần đưa Thanh Hoá thực sự trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc