“Gía trị gia tăng” của Đề cương về văn hóa Việt Nam
VHO- “Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời cách đây đã 80 năm, và khi đánh giá sự kiện này người ta hay nói câu “còn nguyên giá trị”. Nhưng không nên hiểu đó như sự bất biến của những “tượng đài bằng đá cẩm thạch”. Không thay đổi hình dạng do tác động của thời gian và môi trường, mà nên hiểu “Đề cương về văn hóa Việt Nam” như một thân cây lớn dần, thêm nhiều cành lá, đơm hoa kết trái, trở thành cây “đại thụ”, tỏa bóng ngày càng rộng, nhưng vẫn không thay đổi phần “gốc rễ”.
Cột cờ Lũng Cú
Nên nói rõ hơn là, Đề cương “còn nguyên” những giá trị định hướng và “soi đường”. Nhưng phần lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn đã phát triển rất nhiều so với đề cương ban đầu, để thích ứng với sự biến đổi của hoàn cảnh lịch sử thế giới và trong nước. Có thể gọi đó là “giá trị gia tăng” của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Thực tế lịch sử 80 năm qua đã chứng minh điều đó.
Đề cương ra đời trước khi Đảng giành được chính quyền nên chưa thể có những nội dung cụ thể cho hoạt động thực tiễn của từng lĩnh vực. Điều đó không phải là sự “hạn chế” về nhận thức lý luận mà là tính thực tiễn vì lúc đó phải tập trung cho nhiệm vụ khởi nghĩa giành chính quyền, không thể phân tán sang những vấn đề của tương lai chưa mang tính cấp bách.
Ngay sau khi giành được chính quyền, trong Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện rất rõ những những nội dung của Đề cương từ lời mở đầu: “Hỡi đồng bào cả nước” đã phản ánh quan điểm “quần chúng hóa”, xác định nền độc lập này là của toàn dân tiếp theo là lên án chế độ thực dân đã bóc lột tàn bạo tất cả các tầng lớp nhân dân, kể cả chèn ép tư sản dân tộc. Tuyên ngôn có đoạn: “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại thực dân Pháp, thoát ly hẳn quan hệ với Pháp”. Những câu đó vừa phản ánh tính chất “quần chúng hóa và dân tộc hóa” rất rõ ràng của cuộc cách mạng.
Ngay từ những ngày đầu của nền độc lập còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra ba nhiệm vụ cấp bách là “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Chủ trương ấy mang ý nghĩa thực tiễn và văn hóa rất sâu sắc. Trong thời kỳ tiến hành hai cuộc kháng chiến, Đảng ta kiên định đường lối “chiến tranh nhân dân”, toàn dân, toàn diện từ quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa. “Chiến tranh nhân dân” nhìn từ góc độ văn hóa là biểu hiện cao nhất của quan điểm “quần chúng hóa”, vì người dân nào cũng có thể tham gia kháng chiến theo những hoàn cảnh và điều kiện riêng của từng người. Khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập, kinh tế thị trường, mặt trận văn hóa đứng trước những điều kiện mới, những thách thức mới rất lớn và phức tạp hơn rất nhiều đòi hỏi phải thích ứng nhưng không thoát ly những giá trị định hướng và soi đường của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Tức là phải phát triển cả về lý luận và chỉ đạo hoạt động thực tiễn để theo kịp sự biến đổi rất nhanh của khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Trong đó có những cột mốc đánh dấu sự phát triển về lý luận và chỉ đạo thực tiễn trên mặt trận văn hóa. Cụ thể là: Năm 1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 05 về định hướng nâng cao chất lượng quản lý, phê bình văn học nghệ thuật, một lĩnh vực chuyên sâu về văn hóa mà trước đó chưa phải là yêu cầu bức thiết.
Năm 1991, có cương lĩnh xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là khái niệm mới nhưng không phải để thay thế “Đề cương về văn hóa Việt Nam” mà là khái quát cao hơn và phát triển ba nguyên tắc cơ bản là “đại chúng, dân tộc và khoa học”. Khái niệm “nền văn hóa tiên tiến” hàm nghĩa rất rộng gồm cả tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới và sự sáng tạo của nền văn hóa hiện đại. Khái niệm “nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc” là gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Như vậy cương lĩnh văn hóa 1991 đánh dấu bước phát triển cao hơn, mở rộng hơn về lý luận và chỉ đạo thực tiễn so với “Đề cương văn hóa 1943”.
Năm 1998, Nghị quyết TƯ khóa VIII đã cụ thể hóa cương lĩnh văn hóa 1991 đã nêu ra 5 nội dung lớn: Một là xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển. Hai là xác định tính tiên tiến là tinh thần yêu nước, lý tưởng độc lập và CNXH, đậm đà bản sắc dân tộc là bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống, tinh hoa văn hóa Việt Nam. Ba là xác định xây dựng về văn hóa thống nhất và đa dạng. Bốn là xác định văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Năm là xác định văn hóa là mặt trận lâu dài… Những nội dung đó đã phản ánh sự phát triển phong phú và nâng cao của cương lĩnh 1991.
Đại hội Đảng XI đã nhận định: Văn hóa phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế, quản lý văn hóa chưa chặt chẽ, môi trường văn hóa bị xâm hại… Đây là nhận định khách quan, thẳng thắn, phản ánh đúng thực trạng của mặt trận văn hóa đầu thế kỷ XXI ở Việt Nam. Trên cơ sở đó đã nêu ra hướng khắc phục gồm bốn biện pháp lớn: Một là củng cố đời sống văn hóa lành mạnh, phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Hai là phát triển văn hóa, nghệ thuật, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ba là phát triển hệ thống truyền thông đại chúng. Bốn là mở rộng, nâng cao hợp tác quốc tế và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới… Bốn biện pháp bao gồm cả nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ những giá trị văn hóa Việt Nam. Đồng thời, phải chống lại sự xâm hại văn hóa do mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa gây ra. Nhiệm vụ chống lại sự xâm hại văn hóa có những mặt còn khó hơn xây dựng và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống vì những hiện tượng phản văn hóa tràn vào theo “đại lộ thông tin internet” và các sản phẩm văn hóa lệch chuẩn tràn vào theo cơ chế trên thị trường tự do. Do đó riêng ngành văn hóa không thể một mình kiểm soát được, nó liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như giáo dục ở nhà trường và gia đình đến khả năng quản lý mạng, quản lý thị trường, liên quan đến luật pháp và thực thi pháp luật…
Từ các nguyên tắc “đại chúng hóa, dân tộc hóa, khoa học hóa” của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đến xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đả bản sắc dân tộc” giống như thân cây văn hóa đã cao lớn thể hiện ở sự phát triển rực rỡ những sác thái văn hóa của từng dân tộc như 54 bông hoa đang khoe sắc mầu, đó là bước phát triển rực rỡ. Tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế như nhận định của Đảng: Mặt trận văn hóa sẽ ngày càng tương xứng hơn với kinh tế, chính trị, ngoại giao và vị thế của đất nước vì đó là sự nghiệp của toàn dân.
TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN