Từ đề cương về văn hóa Việt Nam, Nghệ An định hướng chiến lược phát triển văn hóa
VHO - Từ nền tảng Đề cương về văn hóa Việt Nam soi chiếu vào thực tiễn văn hóa Nghệ An. Hội thảo là một diễn đàn giúp tỉnh Nghệ An có cơ hội tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất ý tưởng để định hướng chiến lược cho chặng đường phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội Nghệ An đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo.
Ngày 27.12, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “Từ đề cương về văn hóa Việt Nam - Định hướng chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030”.
Tham dự Hội thảo có nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Lê Doãn Hợp; GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học Trung ương; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia. Hội thảo còn có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu thuộc các cơ quan: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu đề dẫn hHội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết: Trong một dải non sông Việt Nam thống nhất, Nghệ An thuộc tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ nổi bật với cảnh sắc "non xanh nước biếc như tranh họa đồ" và những sắc màu văn hóa đa dạng của 6 dân tộc anh em cùng chung sống. Người Nghệ với một lối sống mộc mạc, ân tình; tấm lòng sâu lắng, thủy chung nhưng khí chất cương trực, gan góc như chính điều kiện tự nhiên khắc nghiệt “Gió Lào thổi rạc bờ tre/Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn” của mảnh đất này. Thế hệ nối tiếp thế hệ, tạo nên một dòng chảy, bồi đắp nên những truyền thống văn hóa tốt đẹp: yêu nước, hiếu học, bồi lắng một trầm tích văn hóa xứ Nghệ đậm đà bản sắc, kết tinh nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, có sức sống lâu bền. Những giá trị văn hóa truyền thống ấy vẫn được tiếp tục phát huy và tỏa sáng cho đến hôm nay, trở thành nguồn lực nội sinh to lớn cho sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt, trong sự phát triển văn hóa và xây dựng con người Nghệ An vẫn luôn có sự đồng hành chỉ dẫn quý báu của bản Đề cương văn hóa Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất ý tưởng để định hướng chiến lược cho chặng đường phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội Nghệ An.
Hội thảo khoa học “Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam - Định hướng chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030” nhằm tuyên truyền sâu, rộng tới các ban, ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, các nhà khoa học, giới thực hành văn hóa nghệ thuật và tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng đề cương văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua đối với các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghệ An, qua đó, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp định hướng chiến lược phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo.
Với hơn 40 tham luận của các chuyên gia, hội thảo đã làm rõ được nhiều nội dung phong phú, nhấn mạnh được vai trò của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943; đánh giá được thực trạng phát triển văn hóa Nghệ An giai đoạn hiện nay. Về thực trạng phát triển văn hóa Nghệ An, các tham luận đã tập trung đánh giá tiềm năng phát triển văn hóa đa dạng và phong phú của Nghệ An, từ văn hóa vật thể (di tích, danh thắng) cho đến văn hóa phi vật thể (tài nguyên về con người, văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng), được đánh giá là hoàn toàn có đủ nội lực để Nghệ An tạo ra các đột phá lớn, các sản phẩm văn hóa đỉnh cao. Các chuyên gia cũng rất thẳng thắn chỉ ra thực trạng phát huy giá trị văn hóa chưa xứng so với tiềm năng văn hóa của tỉnh. Với những cụm từ được nhắc đến như “ngủ quên, chưa được đánh thức, đơn điệu, thưa thớt, xuống cấp”. Những việc chưa làm được và làm chưa đến nơi từ cơ chế chính sách cho đến hoạt động quản lý, hoạt động chuyên môn ở cấp cơ sở. Các bài viết cũng phân tích, cảnh báo các nguy cơ khách quan và chủ quan tác động tiêu cực tới sự bảo tồn và phát huy văn hóa. Trong đó đặc biệt lưu ý nguy cơ từ nguồn lực: nguồn lực con người, tài chính và nguồn lực tự thân của văn hóa.
Văn hóa xứ Nghệ đậm đà bản sắc, dân ca Ví, giặm được UNESCO ghibdanh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có sức sống lâu bền.
Các tham luận cũng phân tích những thuận lợi, khó khăn, đánh giá tiềm năng, nội lực của văn hóa Nghệ An, từ đó đề xuất nhiều định hướng, giải pháp cụ thể để phát triển văn hóa Nghệ An với phương châm “Nghệ An không ngoại lệ nhưng khác biệt và nổi trội” nhằm mục đích tạo bước đột phá để văn hóa tỉnh nhà bước sang thời kỳ hưng thịnh mới. Cụ thể, tỉnh Nghệ An cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách riêng về xây dựng văn hóa và nguồn lực con người. Đặc biệt chú trọng tham mưu chính sách đặc thù về đãi ngộ, hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực cho văn hóa, nhất là nhân lực về văn hóa nghệ thuật. Chủ động tạo ra cơ hội để khuyến khích sự sáng tạo, đầu tư, kinh doanh các loại hình văn hoá, thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực văn hoá từ trong và ngoài nước; Hợp tác, liên kết các địa phương, vùng nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi du lịch văn hóa có sự kiện, nhân vật liên quan đến Nghệ An; Tập trung phát triển công nghiệp văn hoá. Nghiên cứu để tham mưu xây dựng một “Trung tâm du lịch văn hoá kiểu mẫu”. Quy hoạch những tuyến đường di sản đặc biệt; “đánh thức miền Tây” thông quá yếu tố văn hóa; Tăng cường công tác vận động xã hội hóa. Huy động và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phối hợp tổ chức các hoạt động của bảo tồn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc; Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn phát triển văn hóa. Xây dựng, thiết kế các dự án, mô hình, không gian văn hóa sáng tạo. Xây dựng các chương trình nghệ thuật trình diễn thực cảnh gắn với phát triển du lịch.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long trân trọng cảm ơn các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã đóng góp tâm huyết, trí tuệ gửi bài tham gia hội thảo; đồng thời giao Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục nghiên cứu các giải pháp được hội thảo định hướng, đề xuất để nâng cao hoạt động chuyên môn, tham mưu chủ trương, chính sách, kế hoạch cụ thể để phát triển văn hóa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
PHẠM NGÂN