Được Đề cương Văn hóa Việt Nam soi đường, nền sân khấu Việt Nam hồi sinh
Đặc biệt đối với nền sân khấu Việt Nam thì sự ra đời của Đề cương Văn hóa Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt mới đối với sự tồn tại và phát triển. Nhìn lại khái quát những chặng đường của sân khấu Việt Nam từ khi có Đề cương văn hóa Việt Nam là một dịp để nhận thức rõ và đầy đủ hơn ý nghĩa lớn lao của cách mạng đã tạo nên một nền sân khấu mới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tặng hoa và biểu trưng cho các nghệ sĩ tiêu biểu tại Chương trình “Gặp mặt, vinh danh các nghệ sĩ tiêu biểu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn năm 2022”
Tháng 2.1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã công bố Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam, phác thảo những nét chính của nền văn hóa Việt Nam tương lai, với 3 định hướng: Dân tộc hóa- Khoa học hóa- Đại chúng hóa. Ngay từ những buổi đầu đó, Đảng ta đã nêu khẩu hiệu: Văn hóa khi đã xâm nhập vào đại chúng thì cũng có tác động như một sức mạnh vật chất. Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 ra đời đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít, xây dựng đường lối văn hoá mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hoá, trí thức, văn nghệ sĩ để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương nêu cương lĩnh văn hóa, nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công. Sau Đề cương Văn hóa 1943 là sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là sự ra đời của một nền sân khấu mới. Hàng triệu người Việt Nam yêu nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, kết tụ lại "rũ bùn đứng dậy sáng lòa", xây dựng một Nhà nước kiểu mới của dân, vì dân và do dân. Chính thể mới cùng các tầng lớp nhân dân đã giải thoát mọi trói buộc cho các hình thức nghệ thuật sân khấu vươn mình hòa nhịp với vận hội của dân tộc.
Cách mạng đã tạo ra những điều kiện, những tiền đề hồi sinh nền sân khấu Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tàn lụi. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do yêu cầu lịch sử, hàng trăm đơn vị nghệ thuật sân khấu đã được thành lập trên cả nước, hình thành nên đội ngũ nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và nền nghệ thuật sân khấu cách mạng. Cùng với các hình thức văn nghệ nói chung, sân khấu Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, góp phần to lớn vào công cuộc kháng chiến kiến quốc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Với Cách mạng, nghệ thuật sân khấu có cơ hội tắm mình trong sinh hoạt tinh thần của cả dân tộc, trở thành một ngành nghệ thuật quan trọng với hệ thống đơn vị nghệ thuật thuộc các kịch chủng khác nhau từ tuồng, chèo, múa rối, rồi cải lương, kịch dân ca, kịch nói, xiếc được phân bổ rộng khắp từ trung ương đến các địa phương, bộ, ngành chủ quản.
Những ngày đầu Cách mạng, đặc biệt trước và sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, một số ban kịch đã diễn, không chỉ ở Nhà hát Lớn :Ban kịch tháng Tám của Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Ban kịch dựng Kiều Loan của Hoàng Cầm…Toàn quốc kháng chiến, hầu hết trí thức, văn nghệ sĩ đã lên các chiến khu, tham gia chống giặc. Điều đặc biệt là các nhóm kịch lại là nơi tập hợp nhiều văn nghệ sĩ thuộc các ngành nghệ thuật cùng đi biểu diễn để phục vụ kháng chiến. Non một năm sau, ngày 3.10.1947, một số văn nghệ sĩ đã họp ở Đại Từ- Thái Nguyên bàn việc thành lập Hội Văn Nghệ Việt Nam, có bầu một Ban chấp hành lâm thời để xúc tiến các công việc. Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 tại xá Đào Giã- Thanh Ba- Phú Thọ họp trong 5 ngày từ 16-20.7.1948. Chính thức thành lập Hội Văn hóa Việt Nam. Đại hội nhất trí bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hội trưởng danh dự. Hội trưởng: Đặng Thai Mai. Tổng thư ký: Hoài Thanh. Đại biểu nghệ thuật kịch: Thế Lữ. Trong 3 ngày, từ 23-25.7.1948, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc họp, chính thức thành lập Hội Văn Nghệ Việt Nam. BCH có đại biểu các ngành VHNT, Ngành sân khấu là Thế Lữ. Tổng thư ký Hội là nhà văn Nguyễn Tuân.
Cũng trong Hội nghị này, Đoàn Sân khấu Việt Nam được thành lập (cùng Đoàn Nhạc sĩ, Đoàn Kiến trúc sư) với Thường vụ gồm: Thế Lữ- Đoàn Phú Tứ-Phạm Văn Khoa. Trong Văn nghệ số 6 tháng 10.1948, Đoàn Phú Tứ có bài Sân khấu mới, với những ý tưởng gợi mở : "Sân khấu Việt Nam đương trải qua cuộc thử lửa của kháng chiến. Nó đã rũ hết nước sơn hào nhoáng, và đồng thời phủi sạch bụi mốc, nó đang dằn lòng chịu thô kệch một thời gian, để rồi tự nó sẽ "lên nước" dần dần, dưới sự vuốt ve trau chuốt của những bàn tay âu yếm".
Nếu soát lại lịch trình sân khấu hiện đại Việt Nam đi cùng với lịch sử dân tộc, thì ngay sau Cách mạng Tháng Tám và trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam đã huy động được một nguồn lực trí thức nhân sĩ, vào chiến khu Việt Bắc, tích cực tham gia hoạt động văn nghệ, nhất là hoạt động sân khấu kháng chiến. Theo kháng chiến, tất phải nhận đường, và có thể phải lột xác và rớm máu. Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã là trường hợp tiêu biểu nhất, khi ông viết tiểu luận Nhân đường, xác lập một tinh thần triết học hẳn hoi, khi chuyển mình theo văn nghệ kháng chiến, rồi đóng góp lớn trong thể thức thơ tự do., với tác phẩm Đất nước, dào dạt tinh thần lãng mạn cách mạng, với những câu thơ khảm khắc trong lòng người: Sáng mắt trong như sáng năm xưa. Gió thổi mùa thu hương cốm mai. Tôi nhớ những ngày thu đã xa. Rồi những áng thơ đẹp bi tráng hào hùng, trữ tình nhất của Tố Hữu trong tráng ca Việt Bắc và Quang Dũng trong Tây Tiến. Và về sân khấu, Thế Lữ đã khoác ba lô theo Đoàn Văn hóa kháng chiến lên chiến khu Việt Bắc. Ông đem theo con trai trưởng Nguyễn Đình Nghi người vợ nghệ sĩ kịch của ông theo kháng chiến, cùng hoạt động và biểu diễn trong Đoàn kịch Chiến Thắng của ông. Và những vở kịch kháng chiến đã được trình diễn cảm động trong cái thiếu thốn gian khổ của Chiến khu Việt Bắc.
Bộ ba : Nguyễn Huy Tưởng - Thế Lữ - Song Kim, nhà văn - nhà thơ - nghệ sĩ... những gương mặt góp phần nền văn học nghệ thuật nước nhà
Nếu tính theo chiều dài lịch sử của sân khấu Việt Nam hiện đại thì trước khi theo kháng chiến, những văn nghệ sĩ sân khấu từ trong tiềm thức yêu nước và tự tôn dân tộc, đã biết tự tạo những tiền đề cho cuộc xây dựng nền sân khấu Việt hiện đại, khi Việt Nam kết thúc 9 năm kháng chiến. Tiêu biểu nhất là hai cha con Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi. Chính những hoạt động nỗ lực của Thế Lữ, đầu thế kỷ 20, xây dựng những ban kịch tài tử: Thế Lữ, Tinh Hoa, Anh Vũ và sự lôi cuốn những nhân vật văn nghệ rất nổi tiếng thời đó: Nguyễn Tuân, Lê Đại Thanh, Kim Lân, Song Kim, Kỳ Lân, Vi Huyền Đắc, Tú Mỡ, Phạm Văn Đôn, Phạm Văn Khoa... Và sân khấu Việt Nam hiện đại, qua các thời kì phát triển, đều có những nhà viết kịch tiêu biểu, kể từ kháng chiến chống Pháp là Nguyễn Huy Tưởng, Học Phi, Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, rồi đến hòa bình, kháng chiến chống Mỹ, hậu chiến là : Nguyễn Đình Thi, Xuân Trình, Đào Hồng Cẩm, Học Phi, Hoài Giao, Tất Đạt, Hồng Phi...Và đặc biệt là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, ngôi sao sáng của viết kịch thời đổi mới.
Chính là những nguyên tắc căn cơ về văn hóa – Dân tộc – Khoa học – Đại chúng đã được giới sân khấu suy ngẫm, tìm tòi và hiện thực hóa bằng cả một chuỗi trình hoạt động. Về mọi phương diện, sân khấu, từ viết kịch bản đến dàn dựng, biểu diễn, thiết kế mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, để ra đời những chuỗi vở diễn hay, phục vụ đông đảo quần chúng. Gần đây nhất là những gắng gỏi của sân khấu Việt đã vượt qua đại dịch Covid-19, để lấy lại người xem đã mất, để lấy lại mạch dập kịch trường đã bị đứt đoạn trong thời kỳ giãn cách kéo dài.
Chỉ tính riêng về sân khấu kháng chiến, với ở chiến khu Việt Bắc, những hoạt động tiền đề cho xây dựng một nền sân khấu mới, Đảng Cộng SẢn Việt Nam đã huy động được một nguồn nhân lực nhân sĩ, trí thức và văn nghệ sĩu cho hoạt động sân khấu kháng chiến.
80 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam, Đề cương văn hoá là kết tinh đẹp đẽ, tươi lành và sáng suốt nhất, trước hết, từ nhận thức triết học mác xít và nghiệm sinh mang tính tiên tri và chiến lược, do Bác Hồ chiêm nghiệm và rút ra trên con đường cứu nước mà Bác Hồ đã thân chinh lặn lội từ văn hoá phương Đông , sang văn hoá Phương Tây. Và tất cả đã xuyên thấm thành đường lối phát triển văn hoá, trong hai văn kiện cốt lõi của Đảng Cộng sản Việt Nam, với ý nghĩa khai phóng của một cuộc cách mạng văn hoá Việt Nam, thực sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho quốc dân Việt Nam, đi đến những thành tựu văn hoá.
Càng không phải ngẫu nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã là người chịu trách nhiệm đứng đầu trong tổ chức Đại hội Văn hoá toàn quốc lần hai, sau 75 năm Đại hội Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất, tiếp tục khẳng định sự thành công mang tính soi đường cho quôc dân đi, vốn là bản chất văn hoá của cả hai sự kiện và hai văn kiện kể trên. Và TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, với đúng tinh thần văn hoá “soi đường” ấy của tư tưởng Hồ Chí Minh, là còn văn hoá thì còn phát triển, và mất văn hoá thì không thể phát triển đất nước theo xu hướng hội nhập với văn hoá toàn cầu, nhất là sau “tai nạn” kinh hoàng của dich bệnh covid 19, đã làm chậm lại sự phát triển chung của văn hoá trên toàn thế giới.
Chỉ tính riêng về phát triển văn hoá trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đai – là một thành tố quan trọng trong cấu trúc hệ thống của văn hoá Việt Nam - trong và sau đại dịch covid 19 ở Việt Nam, cũng đã thấy chủ thể văn hoá nghệ thuật Việt Nam đã hết sức gắng gỏi vượt dịch, bằng cách xác định “sống chung với dịch” như “sống chung với lũ”. (Đây quả là ứng xử văn hoá tốt nhất với lũ của nông dân ĐBSCL, và đã thành kinh nghiệm văn hoá tốt nhất của người Việt, trong ứng xử với dịch bệnh Covid 19.
Chỉ tính riêng về khu vực biểu diễn của sân khấu Việt hiện đại, trong thời dịch bệnh covid 19 chẳng hạn, đã phải chứng kiến hiện trạng ngưng lặng hoàn toàn về hoạt động biểu diễn, từ sân khấu diễn kịch nói, kịch hát trong các rạp hát, nhà hát, đến sân khấu theo mùa lễ hội xuân thu nhị kì, đễn sân khấu lên đường xuất ngoại, và sân khấu của liên hoan, hội diễn…Tất cả đều dừng hẳn, đứt đoạn hoàn toàn quan hệ với người xem.
Thì đây, ngay sau khi dịch covid 19 được cơ bản chế ngự, chủ nhà Việt Nam đã tổ chức thành công Seagames lần thứ 31, khơi dậy mãnh liệt tinh thần thể thao của khu vực Đông Nam Á, với nhiều huy chương vàng bạc ở mấy chục bộ môn thi đấu, với hai chương trình nghệ thuật đặc sắc về Lễ khai mạc và Lễ bế mạc, do NSUT Trần Ly Ly đạo diễn. Đặc biệt nổi bật là hai huy chương vàng về bóng đá Nam và bóng đá Nữ, chứng thực vị thể hàng đầu của túc cầu Việt trong khu vực Đông Nam Á, và triển vọng vươn lên tầm quốc tế về môn thể thao Vua của bóng đá Việt Nam!
Vở kịch Chén thuốc độc đã được công diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội, mở đầu trong chuỗi hoạt động kỷ niệm của Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu Kịch nói Việt Nam do Bộ VHTTDL và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức
Và không thể không hân hoan mừng vui, với “nội lưc tự sinh” của ngành biểu diễn sân khấu, (chỉ tính riêng hoạt động biểu diễn của Hội NS Sân khấu VN, dưới sự điều hành của chủ tịch Hội, NSND Trịnh Thuý Mùi, trong hàng chục Hội nghề nghiệp của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, mà nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân mới được bầu là tân chủ tịch), thì, với các liên hoan Sân khấu toàn quốc, từ Liên hoan Sân khấu thể loại kịch diễn ra 2 đợt ở 2 thành phố: Hải phòng và Tp HCM, tiếp theo là Liên hoan dân ca kịch và Tuồng ở TP Vinh, Nghệ An, Liên hoan SK Cải Lương ở TP Long An, Liên hoan Sân khấu Chèo ở Hà Nam, và Liên hoan Sân khấu thử nghiệm Quốc tế lần 5 ở Hà Nội thủ đô và ở Tp Cảng Hải Phòng. Không thể không kể đến sự cố gắng sáng đèn trở lại của sân khấu các nhà hát, đoàn hát công lập, các đoàn hát xã hội hoá, đoàn hát tư nhân trên toàn quốc, nhất là ở các đô thị lớn, thì sẽ thấy một bức tranh sân khấu toàn cảnh, khởi sắc tổng thể, trong sự thức dậy sau giấc “ngủ đông” dài của thời dịch bệnh Covid 19…Ấy là, cũng nhất thiết phải kể đến thành tích lấy lại khán giả thật độc đáo của Đài Truyền hình Hải phòng, khi là đài truyền hình duy nhất của cả nước, đã dựng được vài chục chương trình truyền hình sân khấu trong mấy năm dịch bệnh, thoả mãn nhu cầu thưởng thức không chỉ cho khán giả truyền hình Hải Phòng. Và khi sân khấu diễn rạp được khởi động trở lại sau dịch, thì ngay lập tức, sân khấu truyền hình Hải Phòng, vốn là nơi duy nhất sản xuất được “sân khấu đồ hộp ngon”, là sân khấu truyền hình), đã mạnh mẽ trở lại sân khấu tươi sống thường nhật, ngay lập tức lấy lại người xem đã mất hẳn, do buộc phải cách ly trong mùa dịch bệnh!Và cũng đoạt ngay những giải thưởng lớn trong các kì liên hoan kể trên. Sự không ngừng biểu diễn trên sân khấu truyền hình “đóng hộp”, đã khiến các nghệ sĩ khi trở lại trên sân khấu “tươi sống”, ở rạp hát hàng đêm, sẽ có cảm giác chuyên nghiệp hơn, có hiệu quả hơn, trên sân khấu sàn gỗ…
Phải chăng, đó là những thành tựu, những ví dụ sáng đẹp, không chỉ thuộc về một ngành nghệ thuật sân khấu, mà đã tiêu biểu cho nỗ lực chung của cả nền văn nghệ Việt Nam hôm nay, đã, đang và sẽ bừng tỉnh - ngay cả trong những hoàn cảnh gieo neo, nghiệt ngã và nhiều thách thức nhất - bởi được sự chiếu sáng, “soi đường cho quốc dân đi” của nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam…
PGS, TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI