Định hướng, đi trước soi đường

VHO- Để chứng minh vai trò định hướng và vị trí đi trước, soi đường của Đề cương về văn hóa Việt Nam, trước hết cần tìm hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử cụ thể trên thế giới, ở trong nước và thời điểm ra đời của đề cương. Vì phải đặt thời điểm ra đời vào đúng hoàn cảnh lịch sử cụ thể mới có thể đánh giá đúng tầm vóc, vai trò và tác động của sự kiện đối với sự phát triển trong cả giai đoạn lịch sử lâu dài của đất nước.

Định hướng, đi trước soi đường - Anh 1

 Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành tham quan Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (Hà Nội 27.2) Ảnh: TRẦN HUẤN

 Năm 1940, chiến tranh thế giới thứ 2 đang diễn ra rất ác liệt, Đông Dương, Việt Nam trở thành chiến trường tranh chấp quyết liệt của Pháp và Nhật. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn thiếu thốn, các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương bị khủng bố truy lùng gắt gao, phải rút vào hoạt động bí mật. Đầu năm 1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh bí mật về nước và triệu tập hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở chiến khu Việt Bắc.

Ngay tháng 5.1941, Hội nghị đã nêu ra 6 nội dung lớn, cũng là 6 nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Cụ thể là: Đã xác nhận mâu thuẫn chính cần giải quyết cấp bách là giữa Việt Nam với Pháp - Nhật. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu, giải quyết vấn đề dân tộc ở từng nước Đông Dương, tập hợp tất cả các lực lượng chống thực dân vào Mặt trận Việt Minh. Khi cách mạng thành công sẽ thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm. Những nội dung đó đã phản ánh tình thế cách mạng rất khẩn trương, nhiệm vụ rất nặng nề, trong khi đó lực lượng đảng viên còn rất mỏng, Đảng và mặt trận Việt Minh phải hoạt động bí mật, chưa có lực lượng vũ trang, chưa có chính quyền và chưa quản lý kinh tế, lãnh thổ.

Hơn nửa năm sau, tháng 1.1942 Báo “Cứu quốc” ra đời đã trở thành công cụ tuyên truyền đắc lực của Đảng, thu hút được rất nhiều thanh niên, trí thức và những người yêu nước. Trong khí thế cách mạng sục sôi đó, một năm sau, tháng 2.1943 Hội nghị thường vụ Trung ương đã thông qua “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. Đề cương do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp soạn thảo, nhằm phản ánh quan điểm của Đảng Cộng sản và tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh về mối quan hệ của văn hóa với cách mạng. Những sự kiện của lịch sử thế giới và trong nước những năm 1940 - 1942 tuy không liên quan trực tiếp đến những nôi dung của đề cương nhưng những sự kiện đó có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đặt “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vào đúng hoàn cảnh lịch sử cụ thể là tình thế chuẩn bị tổng khởi nghĩa hết sức khẩn trương. Đồng thời xác định thời điểm ra đời của đề cương là trước cách mạng tháng 8.1945. Hơn 2 năm, điều đó nhằm khẳng định quan điểm của Đảng là: Xác định mặt trận văn hóa ngang hàng với mặt trận chính trị và quân sự.

Nhưng quan trọng hơn là văn hóa phải đi trước để soi đường cho các hoạt động cách mạng tiếp theo. Điều đó được chứng minh bằng thực tế lịch sử: Trong khi Đảng phải tập trung toàn bộ nỗ lực và sự chỉ đạo vào việc thực hiện 6 nhiệm cụ thể do Hội nghị Trung ương 8.1941 đề ra để đón thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Với tinh thần hết sức khẩn trương và những khó khăn to lớn, nhưng Đảng vẫn đặc biệt quan tâm đến chỉ đạo mặt trận văn hóa vì đã nhận thức rất rõ vai trò định hướng và vị trí đi trước soi đường của văn hóa .

Trong điều kiện Đảng chưa giành được chính quyền, chưa quản lý kinh tế, xã hội và các vùng lãnh thổ thì đề cương chưa thể đề cập những lĩnh vực hoạt động cụ thể. Nhưng ý nghĩa lớn lao hơn của đề cương là đã đưa ra ba định hướng cơ bản nhất cho mặt trận văn hóa là: “Dân tộc hóa - Đại chúng hóa - Khoa học hóa”. Đó như ba ngọn đuốc soi đường cho hành động cách mạng của toàn dân. Ánh sáng từ ngọn đuốc đó soi rõ con đường đấu tranh cho mọi tầng lớp nhân dân. Từ những người dân bình thường cũng thấy có mình trong “Đại chúng hóa”. Vì biết rằng văn hóa là của nhân dân, không phải của giai cấp bóc lột, tất cả những ai là người Việt Nam đều thấy có mình trong “Dân tộc hóa” vì văn hóa không dành cho kẻ ngoại xâm. Giới trí thức, sinh viên học sinh cũng thấy mình trong “Khoa học hóa” vì cách mạng sẽ đem lại sự tiến bộ và khoa học.

Nhìn từ quan điểm lịch sử thì Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của năm 1943 đã thể hiện tầm nhìn chiến lược rất xa nhưng rất thực tế của Đảng. Đó là chỉ ra “phương hướng” phát triển nhằm tạo tiền đề cho việc vạch ra những “con đường” phát triển cụ thể của từng giai đoạn tiếp sau. Khi Đảng đã nắm chính quyền và lãnh đạo cách mạng sẽ vạch ra những con đường cụ thể cho từng lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa xã hội. Đồng thời có thể điều chỉnh những con đường cụ thể theo sự biến đổi của hoàn cảnh lịch sử nhưng không thoát ly phương hướng đã vạch ra từ “Đề cương văn hóa 1943”.

Nhìn từ góc độ triết học, việc chỉ ra “phương hướng” đúng có vai trò quyết định mang tính “dĩ bất biến” nhưng sự điều chỉnh “con đường” cụ thể để đi đến mục tiêu lại rất linh hoạt mang tính “ứng vạn biến”. Ví dụ phương hướng “Đại chúng hóa” ở thời kỳ kinh tế thị trường phải có phạm vi rộng hơn, bao gồm nhiều thành phần kinh tế. Không chỉ là công - nông - binh như thời kỳ tiền khởi nghĩa giành chính quyền. Nội dung “Dân tộc hóa” ở thời kỳ hội nhập phải bao gồm cả sự tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, không phải chỉ là chống văn hóa nô dịch như thời kỳ chống văn hóa thực dân.

Giá trị lịch sử và vai trò to lớn của đề cương không nhìn từ khối lượng của nội dung mà nhìn từ giá trị định hướng như “kim chỉ nam” và nhìn từ vị trí đi trước soi đường cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong hoàn cảnh đất nước còn trong đêm trường nô lệ. 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

 

Ý kiến bạn đọc