Cải thiện hơn nữa môi trường sáng tạo cho văn nghệ sĩ

VHO- Nhìn lại chặng đường 80 năm qua, giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ tiếp tục là cơ sở để Đảng ta ngày càng hoàn thiện, nâng cao đường lối văn hóa, văn nghệ phù hợp với thời kỳ mới, mà còn là căn cốt để xây dựng và phát triển VHNT, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nước nhà.

Cải thiện hơn nữa môi trường sáng tạo cho văn nghệ sĩ - Anh 1

Các đại biểu tại buổi tọa đàm

 Đây là nhận định chung của nhiều văn nghệ sĩ đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước dự Tọa đàm “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam” do Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS.TS Lê Hồng Lý nhận định, nhìn lại bối cảnh ra đời và nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam để thấy tầm nhìn và giá trị của nó đối với văn hóa Việt Nam nói chung, với văn học nghệ thuật nói riêng, mà nổi bật nhất chính là giá trị thức tỉnh lực lượng văn nghệ sĩ. GS Lê Hồng Lý cho rằng bối cảnh quốc tế và quốc gia chuyển biến mau lẹ, phức tạp, đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới, suy tư của nhiều nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ… cũng là điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trăn trở khi phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đó là VHNT thời gian này “thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”. Theo GS Lê Hồng Lý, đó là một câu hỏi lớn, một nhiệm vụ nặng nề cho giới VHNT trong việc phát huy và sáng tạo Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tình hình mới.

Nhìn nhận về những tồn tại đang phổ biến trong lĩnh vực VHNT, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc (Thừa Thiên Huế) cho rằng, có hai vấn đề lớn đáng quan tâm đó là nhận thức và trách nhiệm phát triển VHNT ở địa phương chưa thật đầy đủ; chưa thấy được hết vai trò, vị trí, tầm quan trọng; việc chăm lo xây dựng và phát triển sự nghiệp VHNT có dấu hiệu ít quan tâm hoặc có tư tưởng “khoán trắng” cho Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội VHNT ở các cấp, các ngành, các địa phương. Bên cạnh đó, mặt bằng dân trí không đồng đều, văn hóa đọc giảm sút, đối tượng thưởng thức VHNT chưa nhiều và chưa được hướng dẫn đã ảnh hưởng tới việc nhân rộng hoạt động VHNT trong xã hội. Để khắc phục những tồn tại đó, cần nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển VHNT ở các cấp, ngành, đồng thời cần có chiến lược đào tạo đội ngũ sáng tác và đào tạo thế hệ có tri thức để nhận diện, thưởng thức các tác phẩm có giá trị.

Cuộc tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến khẳng định giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự phát triển của VHNT qua các thời kỳ; phát triển nền VHNT theo hướng tiên tiến, dân chủ, nhân văn, khoa học; tạo điều kiện để VHNT phát triển bền vững; tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế để thúc đẩy VHNT phát triển; vấn đề tập hợp, đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ… Chủ tịch Liên hiệp VHNT Hà Nội, NSND Trần Quốc Chiêm cho rằng dưới tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, nền VHNT nước nhà dường như vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, tỏ ra lúng túng và bị động. Vì thế, việc tiếp thu, ảnh hưởng văn hóa bên ngoài của một bộ phận không nhỏ nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, bị sa vào xu hướng xô bồ, nhất là trong lĩnh vực giải trí. Theo NSND Trần Quốc Chiêm, nên đặt sự nghiệp phát triển VHNT trong mối tương quan với phát triển công nghiệp văn hóa. Cần phải nghiên cứu và khu biệt những phân khúc của từng loại hình VHNT, từng nhóm, thể loại, chủ đề để có phương án tổ chức, lãnh đạo, quản lý, hỗ trợ đầu tư đúng tầm, đúng hướng. Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn tới vấn đề giáo dục VHNT trong môi trường gia đình, trường học, xã hội; chăm lo cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong điều kiện mới...

Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, NSND Vương Duy Biên cho rằng văn hóa đang bước sang giai đoạn mới, đồng hành với kinh tế và chính trị để phát triển đất nước. Các văn bản, chỉ thị, nghị quyết về văn hóa đã đầy đủ, quan trọng là quyết tâm và đầu tư có chiều sâu. “Cần quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về VHNT nói riêng, văn hóa nói chung. Cần có sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện tốt nhất cho văn hóa phát triển”, NSND Vương Duy Biên kiến nghị. “Xin lấy một ví dụ nhỏ về kinh phí hỗ trợ sáng tạo VHNT của Chính phủ cấp hằng năm cho Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và Hội VHNT tỉnh, thành phố trong cả nước, đó là nó luôn ách tắc, chậm trễ, với quá nhiều văn bản, giấy tờ gửi đi, trình lên, gửi xuống..., gây khó khăn cho hoạt động của Hội cũng như văn nghệ sĩ trong cả nước. Tôi tin, nếu có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, tình hình sẽ không như vậy”, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh những yêu cầu được đặt ra để phát triển VHNT Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đó là tiếp tục nâng cao, thay đổi nhận thức của hệ thống chính trị các cấp về bản chất, đặc trưng của VHNT, về vị trí của lĩnh vực này đối với sự phát triển bền vững của đất nước; tập trung nghiên cứu, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam và phát huy mạnh mẽ vai trò của phê bình VHNT; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, cải thiện môi trường sáng tạo cho văn nghệ sĩ, đặc biệt cần nuôi dưỡng đội ngũ kế cận; nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng, nhất là người trẻ. 

HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc