"80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam: Khởi nguồn và Khát vọng"

VHO- LTS: Đề cương về văn hoá Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội) được xem là một cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hoá. Kỷ niệm 80 năm ra đời bản đề cương lịch sử, nhiều hoạt động được sôi nổi tổ chức trong cả nước, góp phần khẳng định giá trị tư tưởng của Đề cương đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Mong muốn nhìn lại dòng chảy văn hoá xuyên suốt trong 80 năm qua, chúng tôi tìm về những vùng đất khởi nguồn và may mắn được gặp lại những chứng nhân lịch sử năm nào. Trải qua năm tháng thăng trầm, họ vẫn luôn giữ gìn trong tâm khảm ký ức của những ngày tháng ấy, khi bản đề cương về văn hoá đầu tiên của Đảng ra đời trong hoàn cảnh đất nước “nước sôi, lửa bỏng”…

Nhà truyền thống xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội)- nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra trên vùng đất An toàn khu giữa lòng Hà Nội, nơi ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943

Bài 1: An toàn khu vùng ven Hà Nội- nơi ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam

Đề cương về văn hoá Việt Nam ra đời 80 năm trước, tháng 2.1943, trong ngôi nhà đơn sơ của một gia đình cơ sở cách mạng trên địa bàn xã Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội). Năm tháng trôi qua, dấu tích cũ tuy không còn nguyên vẹn nhưng hồi ức về Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng, thời điểm thông qua Đề cương về văn hoá Việt Nam vẫn luôn được vùng đất truyền thống gìn giữ, tự hào.

Không chỉ là nơi ra đời bản đề cương lịch sử, Võng La còn được ghi vào lịch sử là một An toàn khu ven Hà Nội từ trước khi cách mạng tháng Tám thành công, nơi từng nuôi giấu các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng giai đoạn 1941-1945. Nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng thời kỳ hoạt động bí mật như  Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng… đã được ngôi làng nhỏ kiên trung chở che, nuôi giấu và bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Ký ức vùng đất “dạ sắt, gan vàng”

Làng Võng La còn có tên Nôm là Làng Chài, Kẻ Chài. Tấm bia di tích Cách mạng kháng chiến làng Chài hiện được đặt tại Nhà truyền thống xã Võng La. Đất Võng La nổi tiếng là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hoá quý giá, trong đó di tích cách mạng kháng chiến Làng Chài, ghi dấu An toàn khu Trung ương thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Võng La Lưu Ngọc Cảnh chia sẻ về truyền thống cách mạng của quê hương

Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Võng La Lưu Ngọc Cảnh cho biết, tấm bia di tích Cách mạng kháng chiến làng Chài được xây dựng từ năm 1987, đến năm 2003 được chuyển địa điểm và xây dựng khang trang tại Nhà truyền thống của xã. Đây là tấm bia ghi lại dấu tích của những sự kiện quan trọng đã diễn ra trong ngôi làng nhỏ này 80 năm về trước. Trên bia ghi: “Làng Chài (xã Võng La)- nơi có nhiều gia đình cơ sở cách mạng của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) thuộc An toàn khu. Tại đây vào tháng 2 năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn việc mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và xúc tiến khởi nghĩa vũ trang, thông qua Đề cương văn hoá cứu quốc”.

Cùng chúng tôi đi quanh ngôi làng nhỏ, Phó trưởng thôn Võng La Phan Hữu Luật tỉ mỉ giới thiệu về 12 điểm di tích các gia đình cơ sở cách mạng đã nuôi giấu các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng trong giai đoạn 1941-1945. Câu chuyện của anh chàng cán bộ thôn trẻ tuổi đưa chúng tôi ngược dòng thời gian, theo dọc chặng đường lịch sử ở vùng đất “dạ sẳt, gan vàng”, một lòng đi theo Đảng, vừa lao động sản xuất, vừa tham gia đóng góp sức người, sức của cho hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Nhà truyền thống xã Võng La trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu đặc biệt giá trị về lịch sử vùng đất, truyền thống anh hùng của An toàn khu vùng ven Hà Nội

“Một trong những dấu ấn lịch sử quan trọng ở Võng La là sự kiện ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam. Bản đề cương được Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo và được thông qua vào tháng 2 năm 1943, trong ngôi nhà của cụ Lý Bạch, một trong những địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng ở an toàn khu năm xưa”, anh Phan Hữu Luật nói. Phía trước chúng tôi là tấm biển di tích nhà cụ Nguyễn Thị Hỏi (phu nhân cụ Lý Bạch), nơi lưu dấu sự kiện lịch sử này. Từ ngày 25-28.2.1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng được tổ chức, với sự tham gia của các đồng chí chủ chốt: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ. Trong số các nội dung quan trọng đã được bàn thảo, có việc thông qua Đề cương về Văn hoá Việt Nam.

Phó Bí thư Đảng uỷ xã Võng La Lưu Ngọc Cảnh chia sẻ, do chiến tranh và nhiều yếu tố tác động, những hình ảnh, tài liệu, hiện vật liên quan đến sự kiện quan trọng này được giữ lại không nhiều. Nhưng sau 80 năm, ký ức về những tháng ngày kiên cường ấy vẫn nguyên vẹn trong trái tim và tâm khảm của từng người con ở “địa chỉ đỏ” Võng La. “Ký ức của ngôi làng vẫn được trao truyền qua từng nhân chứng lịch sử, những người con kiên trung của quê hương Võng La trong giai đoạn kháng chiến hào hùng của lịch sử dân tộc…”, Phó Bí thư Lưu Ngọc Cảnh nói.

Tấm bia di tích Cách mạng kháng chiến làng Chài hiện được đặt tại Nhà truyền thống xã Võng La

Xã Võng La gồm 3 thôn: Võng La, Đại Độ và Sáp Mai, là địa bàn cộng cư của 2.207 hộ, với gần 8.500 nhân khẩu. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5.1941), Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xây dựng An toàn khu ở các vùng xung quanh Thủ đô Hà Nội, trong đó có Làng Chài, xã Võng La.

Ký ức làng Chài Võng La ghi lại, năm 1941, Trung ương Đảng cử đồng chí Trần Thị Sáu, một cán bộ dân vận về Võng La xây dựng cơ sở cách mạng bí mật, do nơi đây có địa hình rất thuận tiện để liên lạc giữa Hà Nội với chiến khu. Từ cơ sở bí mật đầu tiên của Đảng ở nhà bà Hoàng Thị Cốc, những “hạt giống cách mạng” của Võng La dần xuất hiện, sau này là 12 cơ sở cách mạng được đặt tại 12 gia đình trong thôn.

Trải qua những thăng trầm, Võng La vẫn giữ gìn nguyên vẹn những ký ức về quá khứ của vùng đất “dạ sắt, gan vàng” 

“12 gia đình cơ sở cách mạng đã kiên trung nuôi giấu và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng thời kỳ hoạt động bí mật như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng…, cũng như các hội nghị quan trọng và cơ quan đầu não của Đảng. Chính từ những cuộc họp này, nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh của dân tộc và đất nước đã được bàn bạc và quyết định; trong đó có dấu mốc sự ra đời của Đề cương về văn hoá Việt Nam…”, Phó Bí thư Lưu Ngọc Cảnh cho hay.

Mạch nguồn chảy mãi

Bà Lê Thị Bao, nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn sót lại trong những ngày tháng không quên tại Võng La, ở tuổi 85 nhớ lại ký ức xa xôi: “Ngày các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng về làng hoạt động bí mật, tôi vẫn còn nhỏ lắm. Nhưng những câu chuyện ngày ấy tôi vẫn còn nhớ mãi.  Đó là những kỷ niệm gắn với thời gian các cụ Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt… sống và hoạt động cách mạng trong ngôi làng nhỏ ven sông, bao quanh là những luỹ tre làng. Tôi còn nhớ cụ Trường Chinh đã cõng tôi, dạy tôi bài hát về con muỗi…”, bà Bao kể chuyện.

Bà Lê Thị Bao, nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn sót lại trong những ngày tháng không quên tại Võng La

“Chém cha con muỗi mày kêu vo vo. Tao già tao chỉ có xương khô da dầy. Mà mày cứ phất phơ bay. Nhà tao chỉ có cơm hẩm cà kho. Lấy đâu làm máu cho no bụng mày…”, gương mặt hằn dấu thời gian ngân nga. Bà Bao kể, trong ngôi nhà nhỏ của cụ Lê Văn Trước, ông nội bà Bao- một gia đình cơ sở cách mạng ở Võng La mà Tổng Bí thư Trường Chinh đã có một thời gian ngắn sống và hoạt động cách mạng, bà đã được dạy bài hát ấy. “Tôi nhớ không chỉ vần điệu mà bài hát có nhiều ý nghĩa, ngày ấy nghèo đến ăn còn chả có, lấy đâu ra máu cho muỗi đốt…”, bà Bao cười nói.

Năm 18 tuổi, bà Lê Thị Bao lấy chồng, làm dâu nhà cụ Lý Bạch. Cụ Lý Bạch tên thật là Phan Hữu Chỉ, chồng cụ Nguyễn Thị Hỏi, người đã nuôi giấu nhiều đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng trong ngôi nhà của mình giai đoạn 1941-1945. Ngôi nhà cụ Lý Bạch cũng chính là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Ngày 1.9.1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thành lập tổ Việt Minh tại đây; đồng thời, trực tiếp bồi dưỡng cho các thành viên trong tổ Việt Minh về phương pháp, công tác vận động quần chúng, kế hoạch bảo vệ cán bộ Đảng về hoạt động ở địa phương và công tác xây dựng cơ sở bí mật cho cách mạng, về chủ nghĩa cộng sản…

Ngôi nhà của cụ Lý Bạch, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó có sự kiện ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam

Ngày 3.11.1942, cũng tại ngôi nhà này, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thay mặt Đảng, kết nạp 3 đồng chí vào Đảng và thành lập 1 chi bộ Đảng, tiền thân của Đảng bộ xã Võng La ngày nay. Đây cũng là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đông Anh, ra đời từ phong trào cách mạng của nhân dân trong huyện, trực thuộc An toàn khu của Trung ương. Nhiệm vụ chính trị của Chi bộ Đảng làng Võng La là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các cuộc họp và nơi làm việc của các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng tại cơ sở ở địa phương.

Bà Lê Thị Bao và con cháu cùng ôn lại ký ức những ngày tháng không quên trong ngôi nhà lịch sử- nơi từng chở che, nuôi giấu những cán bộ cách mạng

 “Làm dâu nhà cụ Lý Bạch, mỗi ngày tôi lại được nghe kể những câu chuyện,  ký ức về những tháng ngày cả gia đình đã cùng chở che, nuôi giấu những cán bộ cách mạng. Qua lời kể của các cụ, tôi vẫn còn nhớ rất rõ vị trí của từng đồ vật được sử dụng để nguỵ trang, che giấu các cán bộ. Đây là hòm gỗ đựng thóc, kia là hầm, gốc mít, rặng tre... Đặc biệt là ký ức về Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng được tổ chức vào tháng 2.1943, với sự tham gia của các đồng chí chủ chốt: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ... Đó cũng là thời điểm quan trọng ra đời bản Đề cương về văn hoá Việt Nam”, cụ Lê Thị Bao nhớ lại.

Phó trưởng thôn Võng La Phan Hữu Luật giới thiệu về điểm di tích nhà cụ Lê Văn Trước, là ông nội bà Lê Thị Bao. Đây cũng là ngôi nhà cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng ở và hoạt động cách mạng thời kỳ ở  Võng La

Ký ức ấy không là tài sản của riêng ai. Một chặng đường lịch sử của dân tộc vẫn vẹn nguyên trong tiềm thức những người dân ở An toàn khu ven đô ngày ấy. “Chúng tôi là thế hệ đi sau, nhưng truyền thống Võng La với vai trò là cái nôi cách mạng vẫn luôn là bài học tiếp nối qua các thế hệ. Những câu chuyện được ông bà, bố mẹ kể lại về một thời gian khó, hi sinh, một thời chắt chiu san sẻ để giữ gìn, phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng của quê hương, cho đến hôm nay, với chúng tôi vẫn luôn là bài học quý giá…”, ông Phan Hữu Khoa, con trai cả bà Lê Thị Bao bộc bạch.

Nghe câu chuyện kể từ những chứng nhân lịch sử, đi khắp con đường làng rợp bóng cây xanh và ghé chân vào từng điểm di tích gia đình cơ sở cách mạng, chúng tôi  cảm nhận như có một dòng chảy xuyên suốt từ trong mạch ngầm truyền thống vẫn đang tuôn chảy. Người dân ở Võng La hôm nay, dù trong guồng quay thời cuộc vẫn không quên rằng có một quá khứ đầy trân trọng nằm sâu trong tiềm thức của chính mình. Bản Đề cương về văn hoá của dân tộc, sau 80 năm được nhìn nhận như một khởi nguồn cho dòng chảy trường tồn của nền văn hoá Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Với Võng La, sự ra đời bản đề cương không chỉ là niềm tự hào mà còn là truyền thống lịch sử được bồi đắp và trân trọng.

Người dân Võng La hôm nay dù trong guồng quay thời cuộc vẫn không quên có một quá khứ đầy trân trọng nằm sâu trong tiềm thức của chính mình. Sự ra đời bản đề cương về văn hoá năm 1943  không chỉ là niềm tự hào mà còn là truyền thống lịch sử được bồi đắp và trân trọng trên vùng đất này

80 năm đã trôi qua, những nhân chứng lịch sử ở thời điểm ra đời bản Đề cương lịch sử đã không còn, nhưng những ký ức về quá khứ của vùng đất “dạ sắt, gan vàng” nơi lưu lại một giai đoạn hoạt động cách mạng hào hùng của những lãnh đạo cao cấp của Đảng, trong đó có Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn được lưu giữ trọn vẹn. “Tấm bia di tích, Nhà truyền thống cách mạng An toàn khu Võng La hay 12 điểm di tích gia đình cơ sở cách mạng… đã trở thành biểu tượng của niềm tự hào truyền thống; sống mãi trong ký ức, tâm khảm của người dân. Lòng yêu nước, kiên trung, một lòng đi theo Đảng, những đóng góp của cha ông, của các thế hệ đi trước được nhân dân xã Võng La luôn luôn trân trọng, giữ gìn…", Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Võng La Lưu Ngọc Cảnh khẳng định.

PHƯƠNG ANH- TRẦN HUẤN

 

 

Ý kiến bạn đọc