Quảng Ngãi:
Xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi còn nhiều khó khăn
VHO – Đến thời điểm này, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ở những xã vùng sâu, vùng xa quá trình thực hiện nhiệm vụ này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 93/144 xã đạt chuẩn NTM (64,6%), 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 95 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, kết quả thực hiện NTM vẫn còn khoảng cách, chênh lệch lớn giữa các khu vực trong tỉnh, nhất là miền núi. Hiện tại, huyện Sơn Tây chưa có xã đạt chuẩn NTM, còn các xã trên địa bàn tỉnh thì chật vật trong quá trình thực hiện và duy trì các tiêu chí.
Như xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, tuy đã nỗ lực thực hiện 19 tiêu chí và phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2024, nhưng vì trên địa bàn xã xảy ra 2 vụ trẻ em dưới 16 tuổi bị xâm hại tình dục và mang thai, dẫn đến không đạt tiêu chí 19.2 về an ninh trật tự.
Quảng Ngãi hiện có 10 xã thuộc khu vực I, 1 xã khu vực II và 50 xã khu vực III vùng đồng bào DTTS và miền núi. Một số tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM ở các xã khu vực II, III vùng đồng bào DTTS và miền núi thấp hơn mức bình quân chung cả nước.
Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 13% (thay vì dưới 5% như cũ), thu nhập bình quân tối thiểu đạt 36 triệu đồng/người/năm (thay vì từ 44 triệu đồng/người/năm trở lên như cũ)...
Tuy nhiên, tại các xã khu vực II, III của Quảng Ngãi vẫn rất khó khăn, nhiều tiêu chí NTM khó hoàn thành. Đơn cử như xã Trà Thủy (Trà Bồng) đăng ký về đích NTM cuối năm 2024, nhưng đến thời điểm này, có đến 8 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí thu nhập, nghèo đa chiều và tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn.

Việc xây dựng NTM ở các xã khu vực II, III là cần thiết, nhưng phải có lộ trình và chính sách phù hợp, gắn với ưu tiên bố trí và lồng ghép các nguồn vốn để các xã hoàn thành các mục tiêu về xây dựng cơ sở hạ tầng.
Về lâu dài, cần ban hành bộ tiêu chí NTM mang tính chất định hướng chung, xuyên suốt và phù hợp với thực tiễn, quá trình thực hiện cần điều chỉnh và bổ sung kịp thời đảm bảo việc thực hiện chương trình hiệu quả, thực chất.
Theo Giám đốc Sở NN&MT Hồ Trọng Phương, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, với gần 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, việc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh không chỉ đơn thuần phát triển cơ sở hạ tầng mà còn là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Đối với các xã vùng khó khăn, UBND tỉnh cần ưu tiên bố trí vốn, đầu tư có trọng điểm để các xã này có cơ hội tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu bổ sung các chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho những xã khó khăn tháo gỡ các "điểm nghẽn”, tạo động lực cho các xã vùng sâu, vùng xa trong xây dựng NTM.