Hôn lễ người Thái ở Cao Sơn:

Nơi tình yêu kết trái, gắn kết yêu thương

NGUYỄN LINH

VHO - Từ lễ “tẳng cẩu” đánh dấu bước ngoặt trưởng thành của người con gái, đến nghi thức “rửa chân”, một phép thanh tẩy trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, phong tục cưới hỏi của đồng bào Thái ở bản Son, xã Lũng Cao (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) là những lát cắt văn hóa đầy ý nghĩa và giàu tính nhân văn.

Nơi tình yêu kết trái, gắn kết yêu thương - ảnh 1
Nghi thức “tẳng cẩu” là dấu mốc trưởng thành của người con gái Thái

Dẫu thời gian trôi đi, nhịp sống hiện đại len lỏi đến từng nếp nhà sàn, những nghi lễ ấy vẫn được các gia đình gìn giữ như một phần thiêng liêng của nguồn cội.

Bởi hơn cả một nghi thức, đó là cách cộng đồng vun đắp cho sự gắn bó bền chặt giữa hai bên trai gái và là lời chúc phúc gửi gắm yêu thương cho đôi trẻ trên hành trình chung sống.

Tìm bạn đời và lễ dạm ngõ

Cao Sơn, vùng đất hội tụ ba bản Son, Bá, Mười, nơi 95% dân số là đồng bào Thái - từ bao đời nay vẫn xem hôn nhân là cột mốc thiêng liêng trong đời người.

Nơi đây, tình yêu nảy nở từ những cuộc gặp gỡ tự nhiên giữa trai gái, và khi đôi trẻ “ưng bụng” nhau, họ sẽ báo tin cho cha mẹ, mở đầu cho hành trình se duyên theo đúng phong tục truyền thống.

Lúc này, vai trò của ông bà mối bắt đầu, không chỉ là người kết nối hai nhà, mà còn là biểu tượng của uy tín và văn hóa, từng lời nói đều mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng.

Lễ dạm ngõ được thực hiện trang trọng: Nhà trai mang sính lễ gồm gạo, rượu, trầu cau, bánh kẹo... nhờ ông bà mối sang nhà gái “ngỏ lời”. Nếu đôi bên thuận tình, ngày lành tháng tốt sẽ được chọn để bàn bạc kỹ càng về lễ cưới.

Tùy từng dòng họ, số lượng “gánh lễ” có thể là 4, 6, 8, 10 hoặc 12. Mỗi gánh lễ gồm các sản vật bản địa như gà, cá khô, thịt chua, thuốc lào… được buộc lạt đôi, sắp xếp cẩn thận thể hiện sự tôn trọng dành cho nhà gái.

Đặc biệt, những món quà mang ý nghĩa tinh thần như vòng bạc, trâm cài, nhẫn cưới cho cô dâu và mẹ vợ là sự tri ân công lao dưỡng dục và là biểu hiện của tình cảm bền chặt giữa hai gia đình.

Trong không khí chuẩn bị rộn ràng, nhà gái cũng tất bật dệt vải, may váy áo, thêu khăn tay và chuẩn bị chăn gối làm quà tặng nhà trai - vừa là lời chào thân tình, vừa là minh chứng cho sự khéo léo, đảm đang của người con gái.

Sáng sớm ngày cưới, nghi thức “tẳng cẩu” diễn ra - búi tóc lên đỉnh đầu như một dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành và gắn bó với người bạn đời. Sau lễ này, người phụ nữ Thái sẽ không được xõa tóc, trừ khi trở thành góa phụ, biểu tượng cho sự chung thủy son sắt.

Người thực hiện nghi lễ thường dùng nước cỏ mần trầu để chải tóc, rồi khéo léo búi cao, cài trâm bạc và dặn dò cô dâu những điều cần ghi nhớ khi về nhà chồng. Đó là khoảnh khắc thế hệ đi trước trao truyền kinh nghiệm sống, vun bồi đạo lý làm vợ, làm con trong mái ấm gia đình.

Khoảng 10 giờ sáng, đoàn nhà trai đến trong tiếng khèn, lời ca, trang phục sắc màu rực rỡ. Cô dâu rạng ngời trong váy áo truyền thống, đón lời chúc phúc từ họ hàng hai bên.

Tại bàn thờ tổ tiên, ông bà mối đại diện nhà trai dâng lễ, giới thiệu thành viên trong gia đình, chú rể quỳ lạy cha mẹ vợ, xin phép rước cô dâu về nhà mình. Nhiều gia đình còn tổ chức lễ “tạ ơn cha mẹ” ngay trong ngày cưới - một nghi thức đầy xúc động, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, vốn trước kia thường làm sau khi con gái đã vững vàng kinh tế.

Chờ đến giờ đẹp, cô dâu được gửi sang nhà hàng xóm. Khi đến giờ hoàng đạo, chú rể rước nàng về, nơi nghi lễ “rửa chân” chờ đón. Mẹ chồng đích thân dùng gáo dừa múc nước từ nồi đồng để rửa chân cho các con. Nghi thức tuy giản dị nhưng đầy ý nghĩa: Gột sạch bụi bặm, mở ra hành trình sống mới trong đại gia đình.

Tiếp đó là nghi lễ “trải chăn đệm”. Bốn bà hạnh phúc gồm hai người từ mỗi bên nội - ngoại, đều là phụ nữ hiền hậu, gia đình ấm êm, sẽ lần lượt trải giường, chăn, nệm theo đúng trình tự: Đồ của cô dâu trước, chú rể sau.

Họ chúc đôi trẻ trăm năm hạnh phúc bằng những lời tốt lành. Một người trong số đó ngồi lên giường, ôm gối và làm động tác ru con - biểu tượng cho lời chúc sớm sinh quý tử, xây dựng cuộc sống đầm ấm, viên mãn.

Nơi tình yêu kết trái, gắn kết yêu thương - ảnh 2
Cô dâu tất bật may váy áo, thêu khăn tay... để chuẩn bị cho đám cưới

Giữ gìn hồn cốt văn hóa Thái giữa nhịp sống hiện đại

Không chỉ là sự kiện gắn kết đôi lứa, lễ cưới của người Thái ở Cao Sơn còn là dịp để cộng đồng quây quần, sẻ chia niềm vui và nối dài mạch văn hóa truyền thống.

Trong không khí rộn ràng ấy, nam nữ hai họ cất lời hát khắp - hình thức hát giao duyên đặc sắc, vừa là lời chúc phúc, vừa là chất xúc tác cho những mối lương duyên mới nảy nở giữa đêm vui sum họp. Qua từng nhịp khèn, câu hát, tình người lan tỏa, kết nối các thế hệ trong vòng tay cộng đồng.

Dẫu thời đại mới khiến một số nghi lễ cổ truyền như tục ở rể hay nghi thức rửa chân dần mai một, thì những nghi thức mang giá trị đạo đức sâu sắc như lễ tạ ơn cha mẹ, lễ trải chăn đệm vẫn được trân trọng gìn giữ như phần hồn của văn hóa Thái không thể thiếu trong mỗi mái ấm.

Ông Hà Nam Ninh, người am tường văn hóa Thái tại thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước) chia sẻ: “Phong tục cưới hỏi của người Thái vẫn giữ được những nét tinh túy cốt lõi. Trong mỗi nghi lễ, người ta thấy rõ lòng thủy chung, sự hiếu thảo và trách nhiệm xây dựng tổ ấm. Đó chính là giá trị nuôi dưỡng cuộc sống hôn nhân thuận hòa, bền chặt của người Thái”.

Trong xu thế phát triển du lịch cộng đồng, những nghi thức cưới hỏi truyền thống nếu được khai thác bài bản sẽ không chỉ là điểm nhấn văn hóa độc đáo, mà còn trở thành cầu nối đưa bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè muôn phương.

Gìn giữ phong tục là giữ lại một phần ký ức và là cách bảo tồn những giá trị sống đẹp, trao truyền cho thế hệ mai sau ngọn lửa yêu thương và lòng tự hào văn hóa.