Đổi thay ở vùng cao Quảng Ngãi
VHO - Sau 50 năm giải phóng, khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã “thay da đổi thịt”, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt và không ngừng nâng cao, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo.

Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.
Trong đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở đã giúp các địa phương hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phục vụ đắc lực cho nhu cầu sản xuất và đời sống người dân.
Khu tái định cư tổ 4, thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng được đầu tư với kinh phí gần 13 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Đến nay, khu tái định cư này đã hoàn thành phần mặt bằng, di dời 14 hộ dân ở nóc Ông Đến - khu vực biệt lập không điện, không đường giao thông vào ở.
“Được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, không chỉ tôi mà tất cả người dân ở đây đều rất vui mừng khi được về nơi ở mới khang trang, đầy đủ điện, đường như thế này”, ông Hồ Văn Thắng, ở khu TĐC tổ 4, xã Trà Giang vui mừng bày tỏ.

Ông Hồ Minh Trí, xã Trà Tây, huyện Trà Bồng cho biết hiện nay, đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc đều được xây dựng khang trang.
Thời gian qua, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao có nhiều khởi sắc, thu hút đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được tỉnh chú trọng.
Nhiều chương trình, dự án, hoạt động đầu tư, hỗ trợ đã kịp thời tiếp sức cho công cuộc đổi mới ở khu vực miền núi Quảng Ngãi. Trong đó, có chương trình định canh, định cư; các chương trình 134, 135, 30a; ba chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của chị Phạm Thị Tôn, ở huyện Ba Tơ vừa mới được nhà nước hỗ trợ sửa chữa. Chị Tôn cho biết, để có được ngôi nhà cấp 4 vẫn còn thơm mùi sơn mới như hiện tại, gia đình chị được lực lượng thanh niên, lực lượng xung kích của xã, hỗ trợ ngày công.
"Trước đây, gia đình tôi sống trong ngôi nhà cũ xiêu vẹo, dột nát, rất nguy hiểm khi mưa bão. Bây giờ ở nhà mới, tôi rất yên tâm, có động lực để vươn lên thoát nghèo”, chị Tôn chia sẻ.

Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Quảng Ngãi giảm hơn 7,7%. Toàn tỉnh chỉ còn 2 huyện nghèo là Trà Bồng và Sơn Tây.
Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của 2 huyện này cũng giảm gần 10,3%, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi của tỉnh xuống dưới 17%.
Quảng Ngãi có 3/5 huyện được công nhận ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước, 40 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (trong đó có 34 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên cho hay, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững khu vực miền núi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị.
UBND tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho phát triển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với khai thác tài nguyên hợp lý, bảo vệ môi trường. Thực hiện giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Đồng thời, chủ động khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng để đưa khu vực miền núi phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.