“Làn gió” mới từ phát triển sản phẩm OCOP miền núi Quảng Ngãi
VHO – Thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu nông, lâm nghiệp, để tạo nguồn sinh kế ổn định cho người dân, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình trong đó thành công là phát triển sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh địa phương.
Nâng tầm đặc sản vùng miền
Gần 1 năm kể từ khi sản phẩm gạo rẫy của địa phương được công nhận sản phẩm OCOP, các thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ba Tô, ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ - chủ thể của sản phẩm này, đã nhanh chóng bắt nhịp cùng thị trường. Sản phẩm gạo rẫy từ vùng rẻo cao Ba Tô với giá 50 nghìn đồng/kg, được đóng gói, in logo và có mặt ở khắp các địa phương trong tỉnh.
“Gạo rẫy của đồng bào Hrê có giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với nhiều loại gạo có thương hiệu khác trong cả nước, song người tiêu dùng vẫn ưu tiên lựa chọn”, chị Phạm Thị Vút, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Ba Tô cho biết.
Theo chị Vút, lúa rẫy được người đồng bào Hrê trồng hoàn toàn tự nhiên, hàm lượng dinh dưỡng cao. Vậy nên, dù mới ra mắt thị trường gần 1 năm, nhưng sản phẩm gạo rẫy của người dân Ba Tô đã được đông đảo khách hàng biết đến.
“Chúng tôi đặt tên cho gạo là Phát Huy, là mong muốn phát huy được sản phẩm truyền thống của địa phương mình. Từ một loại gạo đặc trưng của người đồng bào, mọi người chỉ canh tác để tự cung, tự cấp lương thực, chúng tôi muốn phát triển thành một thương hiệu gạo vươn xa hơn trên thị trường”, chị Vút cho hay.
Hiện nay, ngoài diện tích 10 mẫu trồng lúa rẫy của các thành viên HTX Nông nghiệp Ba Tô tiếp tục kết nối với gần 10 hộ nông dân khác trong xã để mở rộng thêm diện tích. Bên cạnh sản phẩm gạo rẫy đóng gói, bán dạng thô ra thị trường, HTX chế biến thêm các sản phẩm như gạo rẫy sấy giòn và bột gạo rẫy, để đa dạng sản phẩm và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Bảo tồn, phát triển làng nghề
Sinh ra và lớn lên ở “cái nôi” nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê là thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, chị Phạm Thị Sung (32 tuổi) khởi sự kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm từ năm 2019. Sau 4 năm kể từ khi mở cửa hàng kinh doanh thổ cẩm, cuối năm 2023, chị Sung đã xây dựng thành công sản phẩm khăn quàng cổ thổ cẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Gần 1 năm kể từ khi khăn quàng cổ thổ cẩm đạt chuẩn OCOP, chị Sung bán ra thị trường gần 1.000 sản phẩm. Các sản phẩm này do chính tay chị Sung và phụ nữ ở thôn Làng Teng dệt thủ công.
“Với bộ công cụ là những que, thanh, ống làm bằng tre, bình quân 1,5 ngày, mỗi chị em dệt xong một chiếc khăn quàng cổ thổ cẩm. Sản phẩm được đóng vào hộp quà, có in chứng nhận OCOP kèm theo câu chuyện kể về nghề dệt thổ cẩm truyền thống, những họa tiết, hoa văn cổ trên thổ cẩm của người Hrê và bán ra với giá 280 nghìn đồng/chiếc. Hàng thủ công, có giá vừa phải, lại có thương hiệu, nên đã được đông đảo khách hàng chọn mua để làm quà tặng”, chị Sung cho biết.
Phát triển thành công sản phẩm OCOP, đã giúp chị Sung nâng cao vị thế của sản phẩm truyền thống và ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ. Sau khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm khăn quàng cổ thổ cẩm của chị Sung tăng thêm khoảng 20% sản lượng bán ra. Ngoài khăn quàng cổ thổ cẩm, chị Sung còn “trình làng” các sản phẩm thổ cẩm truyền thống khác như: Áo nam, bộ váy nữ, cà vạt, túi xách, ví...
Gần 5 năm đưa các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Hrê vươn xa trên thị trường, chị Sung không chỉ tạo được thu nhập ổn định cho chính mình, mà còn giải quyết việc làm cho gần 30 lao động của địa phương.
Chị Phạm Thị Mỹ Trinh, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành chia sẻ: “Khi địa phương có chị Sung, cùng một số hộ khác chuyên kinh doanh sản phẩm thổ cẩm, thì dệt thổ cẩm trở thành một nghề mang lại thu nhập ổn định. Bình quân mỗi tháng, tôi có thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng nhờ dệt theo đơn đặt hàng của chị Sung”.