Từ chính sách đến thực tiễn:
Vùng cao đã “thay da đổi thịt”
VHO - Trong 5 năm qua, diện mạo vùng DTTS miền núi trên cả nước đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Cơ sở hạ tầng trở nên khang trang, đầy đủ hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao nhờ triển khai hiệu quả các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia.
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc
Ghé thăm các bản làng vùng cao Thanh Hóa hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận thấy sự khác biệt so với 5 năm trước. Những con đường đất bùn lầy nay đã được thay thế bằng đường bê tông phẳng lì, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao lưu buôn bán. Những ngôi nhà tạm bợ dần nhường chỗ cho nhà kiên cố; các trạm y tế, trường học cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Tất cả là nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ hiệu quả dành cho vùng DTTS, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng cao.
Huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) trong những năm qua đã có những bứt phá rõ rệt nhờ triển khai hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2019-2023, huyện đã duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất bình quân 4,55%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản, tăng cường tỷ trọng thương mại - dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 29,9 triệu đồng/năm, cao hơn 1,9 triệu đồng so với năm trước. Các chương trình mục tiêu quốc gia còn giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định dân cư, bảo vệ môi trường và tăng cường kết nối giao thông với các tuyến đường lớn được hoàn thiện, giúp người dân đi lại an toàn và thuận tiện.
Nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), với hơn 605 tỉ đồng huy động trong 5 năm qua, nhiều xã, thôn, bản tại Quan Sơn đã đạt chuẩn với hàng loạt tiêu chí về giao thông, điện, nước, và trường học. Toàn huyện hiện có 57/83 bản đạt chuẩn NTM, 9/83 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, góp phần xây dựng một cộng đồng phát triển ổn định và văn minh.
Vùng DTTS Thanh Hóa không chỉ được hỗ trợ phát triển kinh tế mà còn chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Tại Quan Sơn, lễ hội Mường Xia đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, góp phần tạo nên niềm tự hào và kết nối tinh thần dân tộc cho bà con trong vùng. Bên cạnh đó, các danh lam thắng cảnh như động Bo Cúng và cầu Phà Lò được xếp hạng cấp tỉnh đã mở ra những điểm đến hấp dẫn, tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng.
Huyện Bá Thước, nơi có khu du lịch sinh thái nổi tiếng Pù Luông, cũng tích cực khai thác tiềm năng du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa. Thực hiện Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn văn hóa truyền thống, huyện đã đầu tư gần 4,9 tỉ đồng để khôi phục Làng văn hóa thôn Ấm Hiêu, hỗ trợ các đội văn nghệ, cung cấp trang phục, cồng chiêng nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS trên địa bàn. Du lịch cộng đồng đang giúp người dân Bá Thước phát triển sinh kế bền vững, với số lượng khách du lịch tăng dần mỗi năm và doanh thu từ du lịch đạt khoảng 200 tỉ đồng.
Nhờ các dự án phát triển du lịch, đời sống vật chất của bà con được cải thiện đáng kể. Những gia đình trước đây chỉ trông vào nông nghiệp nay đã chuyển sang kinh doanh homestay, dịch vụ ẩm thực, và thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách. Điều này không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần giảm nghèo bền vững.
Chú trọng an sinh xã hội
Trong 5 năm qua, các chỉ tiêu về y tế và giáo dục tại vùng DTTS Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống trạm y tế được xây dựng kiên cố, trang bị đầy đủ để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản của người dân. Tỷ lệ bà con tiếp cận nước sạch đạt 97,5%, và 100% các thôn, bản được phủ sóng điện lưới quốc gia, đảm bảo điều kiện sinh hoạt thiết yếu.
Trong lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ học sinh DTTS trong độ tuổi đến trường đạt mức cao, với 99,1% thanh niên biết chữ và 95% học sinh THPT theo học đều đặn. Thành quả này là kết quả từ các chương trình giáo dục vùng DTTS, với sự đầu tư đáng kể từ Nhà nước nhằm xóa mù chữ, nâng cao dân trí và giúp thế hệ trẻ có cơ hội hòa nhập, phát triển.
Trong bối cảnh Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV tỉnh Thanh Hóa sắp diễn ra, các cấp chính quyền và ngành chức năng đã đặt mục tiêu xây dựng một vùng DTTS phát triển toàn diện. Bí thư Huyện ủy Bá Thước, ông Phạm Đình Minh, chia sẻ: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt chú trọng giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng và sinh thái sẽ là lĩnh vực mũi nhọn, giúp người dân duy trì sinh kế ổn định, vừa bảo tồn văn hóa dân tộc, vừa phát triển kinh tế địa phương”.
Những huyện miền núi khác như Lang Chánh, Mường Lát, Thường Xuân, Như Xuân, Quan Sơn... cũng chứng kiến sự thay đổi tích cực từ các chương trình này. Đơn cử, tại huyện Mường Lát, các công trình hạ tầng cơ bản được hoàn thiện nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu dân sinh; các dự án an sinh xã hội tiếp tục triển khai, hỗ trợ người dân thoát nghèo.
Các thành tựu trên cho thấy hiệu quả từ những chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng DTTS miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm từ 15,19% xuống còn 11,04% (tính đến hết năm 2023), đạt mục tiêu giảm trung bình 3% mỗi năm. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS cũng giảm mạnh, từ 19,86% xuống 14,75%, là minh chứng cho sự thành công của các chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo sinh kế ổn định cho bà con.