Tiếng đàn đá người M’nông giữ chân du khách
VHO - Trong âm vang của đại ngàn Tây Nguyên, giữa núi rừng hoang sơ của tỉnh Đắk Nông (tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập), tiếng đàn đá, loại nhạc cụ cổ xưa gắn liền với đời sống tâm linh và sinh hoạt cộng đồng của người M’nông đang dần hồi sinh mạnh mẽ.
Không chỉ là giá trị văn hóa đặc biệt, tiếng đàn đá ngày nay còn trở thành “điểm níu chân” du khách khi đến với vùng đất Nam Tây Nguyên này.
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đàn đá gắn với phát triển du lịch cộng đồng đang mở ra hướng đi bền vững, giàu bản sắc cho du lịch Đắk Nông.
Nhịp điệu của đá và hồn cốt người M’nông
Đàn đá là loại nhạc cụ tự thân vang, có cấu tạo gồm nhiều thanh đá được gõ lên để tạo thành âm thanh.
Trong văn hóa của người M’nông ở các huyện như Krông Nô, Đắk Mil, Tuy Đức... đàn đá không chỉ là phương tiện giải trí mà còn gắn với lễ hội, tín ngưỡng và những nghi thức tâm linh thiêng liêng.

Theo ông Y B’lê ở xã Tuy Đức (Lâm Đồng), người được mệnh danh là “bảo tàng sống” của đàn đá M’nông, từ thuở nhỏ ông đã được cha ông truyền dạy cách chế tác và chơi đàn đá.
Với người M’nông, việc cảm nhận tiếng đá không chỉ bằng tai mà còn bằng cả tâm hồn. “Đá không phải là vật vô tri, nó có nhịp, có hơi thở. Người chơi phải lắng nghe tiếng rừng, tiếng suối để hiểu được tiếng đá,” ông Y B’lê chia sẻ.
Những năm gần đây, Đắk Nông chú trọng phát triển du lịch theo hướng bền vững, trong đó lấy văn hóa bản địa làm nền tảng. Tiếng đàn đá vì thế được “đánh thức” trong các không gian trình diễn, lễ hội văn hóa và các hoạt động đón khách du lịch.
Tại Làng du lịch cộng đồng bon Đắk R’moan, hay trong các tour khám phá Công viên địa chất Đắk Nông, du khách được nghe trực tiếp nghệ nhân biểu diễn đàn đá, một trải nghiệm độc đáo, khó quên.
Anh Nguyễn Hải Nam, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Khi đến Tây Nguyên, tôi từng nghe chiêng, nhưng lần đầu tiên được nghe đàn đá trong rừng sâu. Âm thanh trong trẻo, vang vọng như thể dẫn mình vào một thế giới cổ xưa. Đây thực sự là trải nghiệm rất đặc biệt.”

Sở VHTTDL Lâm Đồng cho biết, hiện có gần 10 nghệ nhân đàn đá M’nông thường xuyên được mời biểu diễn tại các sự kiện văn hóa, du lịch cấp tỉnh, và đang phối hợp đưa chương trình biểu diễn đàn đá vào các tour du lịch cộng đồng.
Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích các địa phương xây dựng câu lạc bộ văn hóa dân gian, trong đó có việc truyền dạy cách chế tác và biểu diễn đàn đá cho thế hệ trẻ.
Lâm Đồng sau sáp nhập, là địa phương sở hữu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, nơi bảo tồn nhiều giá trị về địa chất, tự nhiên và văn hóa bản địa.
Hồi sinh trong lòng du lịch cộng đồng
Trong hành trình khám phá các hang động núi lửa, du khách không chỉ tìm hiểu về đá núi lửa hàng triệu năm tuổi, mà còn được thưởng thức tiếng đàn đá vang lên giữa đại ngàn, một sự kết hợp độc đáo giữa “đá vô tri” của tự nhiên và “đá sống” trong văn hóa cộng đồng.
Theo Ban quản lý Công viên địa chất Đắk Nông nhận định, đàn đá là một phần hồn của Tây Nguyên và nằm trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
Hiện các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang xây dựng các không gian trải nghiệm thực tế, nơi du khách không chỉ nghe mà còn được tự tay chơi đàn đá, từ đó kết nối sâu sắc hơn với văn hóa M’nông.

Dù tiềm năng lớn, việc bảo tồn và phát triển đàn đá M’nông hiện còn nhiều khó khăn.
Số lượng nghệ nhân biết chơi và chế tác đàn đá đang ngày càng hiếm, trong khi thế hệ trẻ chưa thực sự mặn mà với loại nhạc cụ cổ xưa này. Nhiều thanh niên người M’nông rời quê đi làm ăn xa, thiếu người kế tục nghề truyền thống.
Để khắc phục, chính quyền các cấp ở Đắk Nông đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ bảo tồn di sản phi vật thể, trong đó có nghệ thuật đàn đá.
Các lớp học truyền dạy đàn đá được tổ chức tại các bon làng; một số trường học vùng dân tộc thiểu số cũng đưa nội dung tìm hiểu nhạc cụ dân gian vào hoạt động ngoại khóa.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu văn hóa, đàn đá M’nông đang được ghi âm, ghi hình để lưu trữ, đồng thời thực hiện số hóa để phục vụ giáo dục và quảng bá.
Một số đơn vị lữ hành cũng đã chủ động đưa đàn đá vào sản phẩm du lịch văn hóa dành riêng cho khách quốc tế yêu thích trải nghiệm độc đáo.
Trong định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2025–2030, tiếng đàn đá, cùng với không gian văn hóa cồng chiêng và ẩm thực dân tộc sẽ là trụ cột trong xây dựng thương hiệu du lịch bản sắc.
Việc khai thác đàn đá không chỉ dừng ở trình diễn mà còn mở rộng ra các hoạt động chế tác thủ công mỹ nghệ từ đá, tổ chức workshop âm nhạc dân gian cho du khách, liên kết với các nhà sáng tác để đưa âm thanh đàn đá vào tác phẩm đương đại.
Có thể nói, tiếng đàn đá M’nông không chỉ là di sản quý giá mà còn là “sứ giả văn hóa” độc đáo, giúp du khách thấu hiểu sâu sắc hơn về tâm hồn và đời sống của người dân Tây Nguyên.
Khi được lồng ghép hợp lý trong sản phẩm du lịch, tiếng đàn đá sẽ tiếp tục vang xa, giữ chân du khách và khơi dậy niềm tự hào văn hóa trong chính cộng đồng nơi nó sinh ra.