Đàn đá Đắk Sơn 3.500 năm tuổi được công nhận là bảo vật quốc gia

XUÂN HƯỚNG

VHO - Ngày 3.1, lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Đắk Nông cho biết, bộ Đàn đá Đắk Sơn khoảng 3.500 năm tuổi vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là niềm vui và tự hào lớn của ngành Văn hóa, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Đàn đá Đắk Sơn 3.500 năm tuổi được công nhận là bảo vật quốc gia - ảnh 1
Bộ Đàn đá Đắk Sơn phát hiện tại thôn Đắk Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông

Trước đó, Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 31.12.2024 của Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 33 bảo vật quốc gia (đợt 13, năm 2024), trong đó có bộ Đàn đá Đắk Sơn hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đắk Nông.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Đắk Nông, bộ Đàn đá Đắk Sơn phát hiện tại thôn Đắk Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông gồm 16 thanh, trong đó có 11 thanh nguyên vẹn, 5 thanh gần nguyên vẹn (4 thanh gãy đôi và 1 thanh gãy ba), nhưng vẫn có thể gắn, chắp nguyên dạng và đủ điều kiện để nghiên cứu loại hình về kỹ thuật chế tác, thực hiện các chỉ số đo đạc về trọng lượng, chỉ số độ dài, rộng và dày.

Theo xác định của các nhà khoa học, bộ Đàn đá Đắk Sơn có niên đại khoảng 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay.

Đàn đá này được chế tác từ loại đá Rhyolite (đá phiến biến chất), loại đá nguyên liệu chế tác đàn đá thường được phát hiện, nghiên cứu ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Kết quả nghiên cứu về kích thước, trọng lượng từng thanh đá trong sưu tập cho thấy các thanh Đàn đá Đắk Sơn có chiều dài trung bình 50cm – 55cm, trong đó thanh đá dài nhất là 81cm, thanh đá ngắn nhất là 32cm; chiều rộng trung bình của các thanh khoảng 9,5cm – 10cm; dày trung bình 2,5cm; trong lượng trung bình 3,5kg.

Các thanh đàn đá đều được chế tác từ loại đá Rhyolite (đá phiến biến chất), khi gõ bằng vật cứng với một lực nhất định đều cho tiếng âm thanh ngân/vang xa, trong trẻo, âm sắc đanh gọn, giữa các thanh đá có độ trầm bổng khác nhau.

Bên cạnh đó, trên bề mặt các thanh đá lớp áo ngoài (lớp patin được hình thành từ quá trình phong hóa) khá giống nhau có màu xám tro, xám vàng, bên trong lõi đá (quan sát các thanh bị vỡ, sứt mẻ) có màu đen như sừng, trên bề mặt đá có những chỗ còn lộ ra thớ xiên theo đường thẳng hoặc những mặt khá phẳng đồng thời kiểm tra các lõi đá có thể ghi nhận cấu trúc đá không bở rời như loại đá phiến sơ cấp mà là loại đá phiến khá chặt, đó chính là hiện tượng biến chất do tác động địa vật lý tạo nên và được các nhà khoa học xác định là “đá phiến biến chất” (Schiste Métamorphique).

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, phân tích dựa vào loại hình học, đo đạc các chỉ số và kết quả tần số âm thanh tại phòng KCS (Nhà máy Z755, TP Hồ Chí Minh) và các nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu, giám định khảo cổ học Đàn đá Đắk Sơn của Bảo tàng Đắk Nông (theo Quyết định số 158a/QĐ-VKHXHVNB, ngày 28.7.2016 của Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ), có thể phân 16 hiện vật thuộc sưu tập Đàn đá Đắk Sơn thành 3 nhóm tách biệt và 2 thanh lẻ không xếp vào 3 nhóm trên.