Phát hiện hang động mới tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
VHO - Ngày 28.12, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Hỗ trợ doanh nghiệp và Quản lý Công viên Địa chất Đắk Nông cho biết, vừa phát hiện ra một hang động dung nham hoàn toàn mới trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Theo đó, nhóm chuyên gia gồm Tiến sĩ La Thế Phúc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản Ứng dụng và chuyên gia hang động núi lửa Lương Thị Tuất đã phát hiện ra hang động dung nham hoàn toàn mới này, sau khi đối sánh với hồ sơ các hang động đã biết trước đó.
Phát hiện này là một điểm nhấn quan trọng, nối tiếp thành công sau Lễ đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2, diễn ra vào tối ngày 26.12.2024 tại tỉnh Đắk Nông.
Hang động mới nằm ở phía Đông Bắc, cách miệng núi lửa Nâm Blang khoảng 1.800m. Lòng hang sở hữu nhiều đặc điểm thành tạo độc đáo như: hố sụt tương tự hang C7, cấu trúc lòng hang và chiều dài xấp xỉ hang C9, cảnh quan hướng ra miệng hang có nét tương đồng với hang C8.
Về sơ bộ, kết cấu hang được đánh giá khá ổn định và chắc chắn, mở ra tiềm năng lớn trong phát triển du lịch địa phương.
Phát hiện này không chỉ khẳng định nỗ lực nghiên cứu không ngừng của các nhà khoa học mà còn tạo động lực để tỉnh Đắk Nông tiếp tục quảng bá tiềm năng du lịch, thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đây là minh chứng rõ nét cho vị thế của Đắk Nông trên bản đồ di sản địa chất thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với thương hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông – Xứ sở của những Âm điệu”.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trải dài trên diện tích 4.760km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông), có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, trong đó có hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, các miệng núi lửa, thác nước…
Điểm đặc biệt trong khu vực Công viên là hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp - Chư B'luk, được phát hiện từ năm 2007. Hệ thống hang động này đã được Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo. Trong các hang động còn ẩn chứa nhiều điều bí mật về cơ chế thành tạo, các tổ hợp khoáng vật, đa dạng sinh học và di chỉ khảo cổ.
Trước đó, các phát hiện về di chỉ khảo cổ người tiền sử sinh sống trong khu vực hang động núi lửa của công viên địa chất đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Công viên còn đa dạng và phong phú mỏ và điểm quặng khoáng sản bauxit, antimon, thiếc sa khoáng, puzơlan, đá quý và đặc biệt là đá bán quý opal - chalcedon kích thước lớn.