Về làng K3 trải nghiệm văn hóa đặc sắc đồng bào Ba Na Kriêm

PHAN HIẾU

VHO - Làng K3, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) là một trong những làng đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú của người Ba Na Kriêm. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào gắn với thiên nhiên, sinh thái vùng núi cao đã tạo nên những giá trị trải nghiệm du lịch đặc sắc cho vùng đất nơi đây.

 Về làng K3 trải nghiệm văn hóa đặc sắc đồng bào Ba Na Kriêm - ảnh 1

 Đời sống văn hóa của người Ba Na Kriêm ở làng K3 rất phong phú và đa dạng

Nhiều tiềm năng

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định số 862/ QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, trong đó có làng K3, xã Vĩnh Sơn. Việc này có ý nghĩa rất lớn, bởi đây sẽ là động lực để định hướng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng phục vụ du khách, gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, tạo sinh kế cho người dân ở đây.

Ông Đinh Văn Ngái, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho hay: “Văn hóa và đời sống người dân địa phương, đặc biệt của đồng bào Ba Na, còn lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống là những giá trị cốt lõi thu hút khách du lịch. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc riêng của đồng bào Ba Na Kriêm được thể hiện rõ nét qua trang phục, nông cụ, nhạc cụ, lễ hội mừng lúa mới, các trò chơi, các điệu múa xoang, các bài cúng, những bài hơmon, kiến trúc nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những làn điệu hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo... Hằng năm, từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch năm sau, đồng bào Ba Na theo truyền thống mở lễ hội tạ ơn Giàng là đấng thần linh tối cao của họ. Người Ba Na gọi lễ ấy là Koh Kpô hay Groong Kpô Tonơi (lễ hội Đâm trâu).

Cũng theo ông Đinh Văn Ngái, làng K3 nằm ở phía Đông xã Vĩnh Sơn, hiện có 149 hộ đang sinh sống, trong đó đồng bào Ba Na có 101 hộ. Ở làng K3 ẩm thực rất đặc sắc trong đó phải kể tới như rượu cần, heo đen, cơm lam, cá tầm, chè dây Vĩnh Sơn, rau dớn, cá đá, cá niêng, gà đồi nướng muối lá chanh ớt bay… Văn hóa ẩm thực ấy như phản ánh đời sống vật chất, tinh thần cũng như cách thức con người ứng xử với thiên nhiên.

Nằm ở độ cao 800m nên Làng K3 có khí hậu mát mẻ ôn hòa, đất đai màu mỡ, thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn quả, rau, hoa ôn đới, có diện tích đất rừng tự nhiên lớn, hệ sinh thái đa dạng phong phú và có nhiều loại lâm sản quý hiếm, có hồ A thủy điện Vĩnh Sơn. Những năm qua, huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động triển khai bước đầu để thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại làng K3 như: Tạo cảnh quan, trồng hoa, cây xanh; xây dựng nhà vệ sinh công cộng, bãi đậu xe; trang bị thùng rác công cộng; nhà trưng bày nhạc cụ truyền thống, dụng cụ lao động, thổ cẩm của đồng bào Ba Na Kriêm; tập huấn du lịch cho đồng bào Bana Kriêm ở địa phương…

Góp phần cải thiện sinh kế bền vững

Ông Lê Văn Vinh, Trưởng phòng VHTT huyện Vĩnh Thạnh cho biết, một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút đông đảo du khách đến với Vĩnh Sơn đó là ngắm hoa đào mùa xuân. Huyện đang chú trọng xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng vùng hoa anh đào, trải nghiệm mùa các loại hoa khác nở; tìm hiểu đời sống, văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na Kriêm nơi đây. Ngoài ra, huyện sẽ thiết kế xây dựng điểm check-in tại hồ A thủy điện Vĩnh Sơn, thành lập các ban, tổ quản lý dịch vụ du lịch cộng đồng… để phát triển du lịch cộng đồng ở làng K3, xã Vĩnh Sơn. “Việc phát triển du lịch cộng đồng tại làng K3, cũng là cách để huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” tại vùng cao đồng bào Ba Na ở xã Vĩnh Sơn”, ông Lê Văn Vinh chia sẻ.

Du lịch cộng đồng đang là loại hình mang lại nhiều lợi ích phát triển bền vững cho các địa phương trong việc cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa, khắc phục được những nhược điểm như tính tự phát, dịch vụ thiếu chuyên nghiệp, khả năng quản lý, sản phẩm kém hấp dẫn… trong hoạt động du lịch do người dân thực hiện.

Tỉnh Bình Định đang chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại làng K3, xã Vĩnh Sơn theo lộ trình, với những hoạt động trọng tâm, mục đích hướng đến là phát triển du lịch chủ thể là cộng đồng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế bền vững.

Theo ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh sẽ tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu phát triển cho khu vực miền núi, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Cụ thể, ưu tiên ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển hạ tầng; trùng tu tôn tạo các di tích; bảo vệ tài nguyên môi trường; hoạt động quảng bá xúc tiến; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực... Đồng thời, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành bằng cách hợp tác đôi bên cùng có lợi thông qua cơ chế tạo điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp mở tour đến làng K3, xã Vĩnh Sơn; kêu gọi sự giúp đỡ các các doanh nghiệp nhằm đề cao loại hình du lịch có trách nhiệm.