Truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ đồng bào Hrê
VHO - Phòng VHTT huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã mở các lớp truyền dạy văn hóa dân tộc Hrê thu hút đông đảo thế hệ trẻ tham gia. Qua đó, góp phần khơi dậy tình yêu, niềm tự hào truyền thống cho lớp trẻ.
Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phòng VHTT huyện Ba Tơ đã mở các lớp truyền dạy đánh chiêng ba, nghệ thuật trình diễn chiêng ba và hát ta lêu, ca chôi truyền thống của dân tộc Hrê cho đoàn viên thanh niên, phụ nữ, nông dân dân tộc Hrê đang sinh sống trên địa bàn các xã: Ba Điền, Ba Thành, Ba Vinh, Ba Trang và Ba Khâm.
Em Phạm Công Hậu (26 tuổi), Phó Bí thư chi đoàn thôn Huy Ba 2, xã Ba Thành là thành viên trẻ nhất lớp học chia sẻ, tại lớp học em được nghệ nhân truyền dạy cách đánh chiêng ba, truyền dạy về những truyền thống tốt đẹp của dân làng gắn liền với văn hóa chiêng.
“Do sự phát triển của xã hội, hiện nay, lớp trẻ không mấy mặn mà đánh chiêng nên dần bị mai một theo thời gian, không còn nhiều người biết biểu diễn, nhất là các thế hệ trẻ. Trước em chưa am hiểu hết được, nhờ những lớp học như thế này mà văn hóa của đồng bào Hrê sẽ không bị mất đi theo thời gian!. Em cố gắn tập luyện để được tham gia cùng đội chiêng, giao lưu văn hóa với các địa phương khác”, Hậu bày tỏ.
Bí thư Đoàn xã Ba Thành Phạm Xuân Hậu, học viên của lớp vui vẻ nói: “Khi nghe thông tin tổ chức lớp học về văn hóa của đồng bào Hrê tại xã, thanh thiếu niên rất háo hức, vui mừng, vì đây là dịp để mọi người được học văn hóa truyền thống vốn có từ lâu đời. Khi học, nghệ nhân chỉ dạy chu đáo, nhiệt tình và hiểu tâm lý của học viên nên lớp học rất vui vẻ, không ai nghỉ giữa chừng”.
Chi Phạm Thị Tuyết, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Trường An, xã Ba Thành cho biết, trong khuôn viên nhà văn hóa xã Ba Thành rất nhộn nhịp, đông vui, chị em phụ nữ cùng nhau tập hát ta lêu, ca chôi và học cả đánh chiêng. Khi tiếng chiêng vang lên thì tất cả đều hòa cùng một nhịp.
“Tôi cảm thấy vinh dự và tự hào khi được học hát các lời bài hát bằng tiếng dân tộc của mình. Khi biết thêm nhiều bài hát, tôi sẽ tự tin và tích cực hơn khi tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của thôn, xã cũng như truyền đạt lại cho chị em phụ nữ ở địa phương”, chị Tuyết chia sẻ.
Trực tiếp đảm nhận việc truyền dạy, nghệ nhân Phạm Văn Sây chia sẻ, nội dung truyền dạy 4 điệu chiêng ba truyền thống dân tộc Hrê (điệu chiêng ‘Nâng; điệu chiêng Tu Wuq; điệu chiêng H’lay và điệu chiêng Ca Oa). Cách trình diễn chiêng 3 của dân tộc Hrê Ba Tơ là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, cách hát những bài hát ta lêu, ca choi truyền thống.
“Nhiều học viên do lần đầu làm quen với chiêng ba nên còn bỡ ngỡ, mình phải trao đổi trước để học viên nắm kỹ về lý thuyết. Sau đó, chỉ cho các em thực hành đánh chiêng, chỉnh nhịp, hòa âm. Nhiều học viên có năng khiếu thì tiếp thu nhanh, nhớ bài tốt. Nhờ những lớp học như thế này mà văn hóa Hrê sẽ không bị mất đi theo thời gian!”, nghệ nhân Sây cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích, sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, tín ngưỡng đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của cộng đồng dân tộc ở Ba Tơ. Hiện nay, nhiều nghệ nhân nắm giữ bí quyết đánh chiêng, dệt thổ cẩm… đã qua đời. Thế hệ trẻ ít hoặc không quan tâm đến cồng chiêng do sức hút mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại và văn hóa du nhập. Đây là những nguyên nhân khiến tiếng chiêng dần bị mai một.
“Qua những lớp học này góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc Hrê đến với du khách. Đồng thời, giúp lớp trẻ hiểu hơn, yêu hơn và có ý thức về trách nhiệm của cá nhân trong việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Họ trở thành những hạt nhân nòng cốt hình thành nên những đội chiêng, duy trì luyện tập hát làn điệu dân ca, thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện, phục vụ nhân dân địa phương”, ông Tích thông tin.