Thổ cẩm Lào Cai- Sắc màu văn hoá
VHO - Không gian văn hóa, trưng bày thổ cẩm tỉnh Lào Cai mang tên “Thổ cẩm Sa Pa - miền sương mây” do Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch khai mạc ngày 8.11 tại khu vực Nhà đa năng và Bảo tàng Sa Pa.
Sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hoá dân tộc của tỉnh Lào Cai
Không gian trưng bày giới thiệu về văn hóa thổ cẩm, nghề truyền thống đặc trưng các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó. 15 nghệ nhân đã trình diễn quy trình sản xuất thổ cẩm; quy trình sản xuất nghề truyền thống như làm hương của người Giáy, làm trống của người Dao đỏ...
Các nội dung trưng bày giới thiệu được phát thanh tự động, treo biển trích dẫn và mã QR thông tin về văn hóa, thổ cẩm các dân tộc để du khách tìm hiểu và checkin.
Ngoài ra, tại khu vực Công viên văn hoá các dân tộc Sa Pa còn trưng bày nghệ thuật sắp đặt “Sa Pa - miền sương mây”, tái hiện không gian văn hóa và thiên nhiên đặc trưng của Sa Pa với tuyến đi bộ trekking; trưng bày sợi lanh, váy thổ cẩm…; nông cụ, nhạc cụ dân tộc; các hoạt động trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc Sa Pa tạo không gian tương tác, giao lưu với khách du lịch.
Festival “Thổ cẩm Lào Cai- Sắc màu văn hoá”, chủ đề “Sa Pa - Thổ cẩm miền sương mây” là sản phẩm du lịch mang thương hiệu của tỉnh Lào Cai, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó phát triển các sản phẩm thổ cẩm để đáp ứng nhu cầu du khách.
Diễn ra từ 8-10.11, tại số 2 Fansipan (Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), Festival “Thổ cẩm Lào Cai- Sắc màu văn hoá” có nhiều hoạt động hấp dẫn. Không gian văn hóa, trưng bày thổ cẩm tỉnh Lào Cai mang tên “Thổ cẩm Sa Pa - miền sương mây” là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival.
Lào Cai, vùng đất biên cương của Tổ quốc, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, suốt chiều dài lịch sử luôn vững vàng ở thế đứng tiền tiêu. 25 dân tộc anh em chung sống, sáng tạo, xây dựng và phát triển vùng đất giàu bản sắc văn hóa.
Cùng với mùa vàng ruộng bậc thang, cùng với hương rừng gió núi, cùng với sương mù bay trắng bốn mùa, không ai không khỏi thương nhớ và ngẩn ngơ vì những trang phục thổ cẩm rực rỡ sắc màu của đồng bào các dân tộc.
Mỗi dân tộc có những sáng tạo riêng về trang phục thổ cẩm của mình. Nhưng dù với màu sắc nào, hoa văn nào thì trang phục thổ cẩm của mỗi tộc người lại toát lên một vẻ đẹp riêng, rất độc đáo và hấp dẫn.
Mỗi tấm vải được sinh ra không chỉ là sản phẩm vật chất, mà còn mang giá trị tinh thần, thể hiện bản sắc riêng của văn hóa từng dân tộc; gắn liền với những câu chuyện, về đời sống, về văn hóa, về tình yêu, điển tích, thần thoại…sống động là cách nghĩ chân thực về nếp sống của cả một cộng đồng dân tộc.
Hình ảnh những người phụ nữ ngồi mải mê bên khung cửi, lặng lẽ dệt những tấm vải thổ cẩm đầy sắc màu đã tạo ấn tượng trong tâm trí những lữ khách trong mỗi hành trình du lịch khám phá Sa Pa, Bắc Hà và các làng bản ở Lào Cai.
Từ bao đời nay, thổ cẩm được người già lưu giữ và truyền lại cho con cháu. Cứ như thế, kho trầm tích văn hóa dân gian trong những vùng đất, những bản làng luôn đầy ắp những giá trị nhân văn, luôn đa dạng những loại hình và được bồi đắp theo tháng năm. Lào Cai- Sa Pa, miền sương mây và sắc màu thổ cẩm, lưu luyến khách muôn phương.
Thổ cẩm của người Mông đen
Dân tộc Mông đen là một dân tộc tiêu biểu đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Người Mông đen di cư đến Sa Pa khoảng 300 năm trước, sinh sống chủ yếu dọc theo dãy núi Hoàng Liên, hiện chiếm khoảng 53% dân số Sa Pa. Họ sinh sống tập trung ở các bản Cát Cát, Lao Chải, Séo Mí Tý, Tả Giàng Phình.
Người Mông đen ở Sa Pa nổi tiếng với nghề canh tác lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang, hoặc nghề se lanh dệt vải, những điệu múa khèn, múa ô tại các phiên chợ tình hay trong các lễ hội truyền thống.
Trang phục truyền thống của người Mông là dấu hiệu nhận biết rõ rệt nhất của nhóm dân tộc này với các nhóm khác. Những chiếc váy áo thêu họa tiết tỉ mỉ, sinh động, đẹp mắt, nổi bật với tông màu xanh đen nhuộm từ cây chàm, kèm theo các phụ kiện làm từ bạc, túi đeo, xà cạp… nổi bật và hấp dẫn.
Quy trình sản xuất trang phục truyền thống trải qua rất nhiều công đoạn và thời gian từ những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông. Cứ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, đầu tiên là thu hoạch cây lanh, phơi khô, phơi sương, tước vỏ, giã mềm, nối, xe sợi, ủ, hấp … dệt trên khung dệt thành các tấm vải thô dài rộng chừng 40-50cm.
Công đoạn tiếp theo mới là tinh hoa trong nghề dệt truyền thống của người Mông, đó là bước vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh; tiếp theo mang đi nhuộm chàm và luộc lại bằng nước nóng, phơi khô, thêu chỉ màu, cuối cùng là làm ra các sản phẩm.
Những hoa văn chủ yếu trên trang phục người Mông như: hình tròn, vuông, tam giác, hình xoắn ốc… Bên cạnh đó người Mông còn đưa lên hình hoa bí trên cổ áo hoặc thắt lưng vì bí là một thực phẩm gắn liền với cuộc sống hàng ngày của họ…
Thông qua nghệ thuật trang trí, người Mông đen gửi gắm khát vọng cháy bỏng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nghệ thuật làm trang phục dân tộc Mông đen thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2023.