Người Mạ ở Lâm Đồng nỗ lực giữ nghề dệt thổ cẩm

QUỲNH VY

VHO - Mới đây, Sở VHTTDL Lâm Đồng đã phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mạ tại xã Lộc Bắc nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn Lâm Đồng.

Người Mạ ở Lâm Đồng nỗ lực giữ nghề dệt thổ cẩm  - ảnh 1
Lớp truyền dạy nghề dệt thể cẩm dân tộc Mạ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch

Xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm có khoảng 60% dân số là dân tộc Mạ. Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời đã trở thành nét văn hóa đặc sắc và không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Mạ trên địa bàn Bảo Lâm. Các công đoạn dệt thổ cẩm đều làm thủ công hoàn toàn nên đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, tinh tế trong quá trình dệt mới có thể tạo ra những tấm vải rực rỡ, họa tiết cầu kỳ, hoa văn đẹp mắt. Do đó, tấm vải thổ cẩm của người Mạ chứa đựng tâm huyết, tình yêu của người thợ dệt gửi gắm.

Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của người Mạ nơi đây vừa là nét văn hóa đặc sắc, vừa là sản phẩm mang tính hàng hóa, giúp người dân cải thiện đời sống vật chất. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống hiện đại, nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mạ đang giảm dần, hầu hết nghệ nhân dệt truyền thống đều lớn tuổi, trong khi đó người trẻ lại không mặn mà với nghề.

Để lưu giữ nghề dệt truyền thống, nhiều năm qua Sở VHTTDL Lâm Đồng và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con, khuyến khích các bà, các mẹ dạy con cháu mình cách sử dụng khung cửi, dệt các đường nét hoa văn thổ cẩm ngay từ nhỏ để nghề dệt truyền thống không bị mai một.

Trong đó, chú trọng đào tạo, dạy nghề dệt thổ cẩm để duy trì, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, cải thiện thu nhập cho bà con là giải pháp được địa phương thực hiện.

Người Mạ ở Lâm Đồng nỗ lực giữ nghề dệt thổ cẩm  - ảnh 2
Nghề dệt thể cẩm dân tộc Mạ ở Lâm Đồng. Ảnh minh họa: Quỳnh Uyển

Nhằm phát huy lợi thế về du lịch gắn với phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương, xác định nghề dệt thổ cẩm truyền thống là một trong những nghề mũi nhọn, giúp nâng cao giá trị kinh tế và giúp quảng bá văn hóa của người dân tộc thiểu số đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Mới đây, Sở VHTTDL Lâm Đồng đã phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho 30 học viên dân tộc Mạ đang sinh sống tại xã Lộc Bắc nhằm hỗ trợ, nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mạ, huyện Bảo Lâm gắn với phát triển du lịch.

Tham gia tập huấn, 30 học viên được các nghệ nhân uy tín, am hiểu và nắm giữ kỹ năng dệt, các già làng, người có uy tín truyền dạy nghề dệt thổ cẩm từ cách chọn nguyên vật liệu, dụng cụ dệt thổ cẩm, cách phối màu sắc, hoa văn, hoạt tiết đặc trưng của đồng bào Mạ. 

Qua 20 ngày tập huấn, các học viên được nghệ nhân truyền dạy kỹ năng dệt cơ bản, cách lên khung, xếp sợi để tạo hình hoa văn và tạo khổ dệt một sản phẩm cẩm từ đơn giản đến phức tạp như váy, áo, mền, địu em bé, túi đeo vai truyền thống, các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. 

Việc Sở VHTTDL Lâm Đồng  tổ chức bảo tồn, lưu truyền và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mạ, không chỉ góp phần phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện Bảo Lâm mà còn tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị, tăng thu nhập cho người dân, từng bước khôi phục, lan tỏa nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch tại địa phương.