Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch:

Tạo động lực nâng cao thu nhập bền vững cho hộ gia đình

NGUYỄN LINH

VHO - Việc triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ trong việc bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống. Việc này không chỉ giúp giữ gìn những nét đẹp văn hóa độc đáo mà còn mở ra cơ hội nâng cao thu nhập bền vững cho các hộ gia đình, từ đó góp phần vào việc phát triển kinh tế địa phương.

Tạo động lực nâng cao thu nhập bền vững cho hộ gia đình - ảnh 1
Tái hiện Lễ hội Mường Đòn tại huyện Thạch Thành

 Các giá trị văn hóa truyền thống sẽ được phát huy một cách hiệu quả, không chỉ trong bảo tồn mà còn trong việc phục vụ nhu cầu du lịch, tạo ra nguồn thu nhập ổn định và lâu dài, đảm bảo sự phát triển bền vững cho cộng đồng dân tộc thiểu số.

Bảo tồn di sản, phát triển du lịch - hướng đi bền vững

Trong những năm gần đây, Dự án 6 đã phát huy hiệu quả tích cực, không chỉ nâng cao đời sống của người dân thông qua các công trình hỗ trợ và cải thiện sinh kế, mà còn tạo động lực mạnh mẽ để các địa phương bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số, gắn liền với phát triển du lịch bền vững. Tại xã Thành Mỹ, đình Mường Đòn là nơi lưu giữ các nghi lễ truyền thống của dân tộc Mường, đặc biệt là Lễ hội Mường Đòn - một sự kiện văn hóa quan trọng của vùng. Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn Dự án 6 và các nỗ lực xã hội hóa, lễ hội đã được phục dựng thành công, tái hiện lại các nghi thức văn hóa đặc sắc như lễ rước sắc, rước kiệu và các trò chơi dân gian như kéo co, ném còn, bắn nỏ, cùng với những điệu hát giao duyên, hát xường. Sự phục hồi này không chỉ bảo tồn di sản văn hóa mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách và tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình địa phương, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh phát triển kinh tế du lịch.

Bên cạnh việc phục dựng lễ hội, Thạch Thành còn đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Mường. Tại xã Thạch Lâm, nơi có hơn 98% dân số là người Mường, địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về nghề dệt thổ cẩm và nghệ thuật thêu hoa văn trên trang phục truyền thống. Theo chị Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thành, việc duy trì các nghề thủ công truyền thống không chỉ góp phần bảo tồn di sản văn hóa mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế du lịch. Du khách đến đây có thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động sản xuất và trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của người dân địa phương.

Thạch Thành không chỉ nổi bật với các di tích lịch sử như Hang Con Moong, Di tích quốc gia đặc biệt lưu giữ dấu ấn quan trọng về đời sống cổ đại, hay Chiến khu Ngọc Trạo, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp, huyện còn thu hút du khách nhờ vào vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, trong đó Thác Mây tại xã Thạch Lâm là một điểm đến không thể bỏ qua. Với cảnh sắc hoang sơ và kỳ vĩ, Thác Mây được du khách yêu thích lựa chọn khi đến xứ Thanh. Thạch Lâm cũng là nơi bảo tồn hơn 85% ngôi nhà sàn Mường cổ - thực sự là một bảo tàng sống động, phản ánh đầy đủ nét kiến trúc và đời sống của người Mường. Bên cạnh đó, các phong tục tập quán như lễ mừng cơm mới, nghề dệt thổ cẩm, làm đũa bương, cùng các trò chơi dân gian và văn hóa ẩm thực độc đáo đã tạo nên sức hút riêng biệt, giúp du khách có những trải nghiệm văn hóa sâu sắc khi đến tham quan.

Trong thời gian qua, Thạch Thành đã chú trọng đầu tư phát triển hệ thống giao thông, kết nối các di tích lịch sử với trung tâm huyện và các khu du lịch khác. Các tuyến đường quan trọng như từ quốc lộ 217B đến Hang Con Moong và từ đường Hồ Chí Minh đến Thác Mây không chỉ cải thiện khả năng đi lại, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các di tích trở thành những điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Những tín hiệu tích cực

Bà Lê Thị Hương thông tin thêm: “Trong thời gian qua, để triển khai hiệu quả Dự án 6, huyện Thạch Thành đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhờ đó, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch của các xã, thị trấn và toàn huyện”.

Theo đó, giai đoạn 2021-2024, tổng nguồn lực huy động để thực hiện Dự án 6 tại huyện Thạch Thành là 24,161 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 22,577 tỉ đồng, phần còn lại 1,584 tỉ đồng là nguồn đóng góp của nhân dân và các nguồn huy động hợp pháp khác. Đến nay, huyện đã giải ngân được 4,141 tỉ đồng, đạt 44,31% kế hoạch vốn được giao.

Từ nguồn vốn Dự án 6, huyện Thạch Thành đã thực hiện nhiều hoạt động quan trọng, bao gồm xây dựng mới và cải tạo 10 nhà văn hóa, khu thể thao thôn; thành lập và ra mắt 4 Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian; tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp cho 1 di tích cấp Quốc gia; hỗ trợ nghệ nhân và những người am hiểu văn hóa dân gian; duy trì hoạt động của 27 đội văn nghệ truyền thống; cung cấp 2 tủ sách cộng đồng và trang bị 12 bộ thiết bị cho các nhà văn hóa, khu thể thao thôn.

Bà Quách Thị Tươi, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Thạch Thành nhấn mạnh: “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống không chỉ giúp giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương”. Theo bà, từ năm 2021 đến nay, lượng du khách đến Thạch Thành đã tăng đều qua các năm, kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. Với mục tiêu phát triển bền vững, Thạch Thành đã xây dựng chiến lược du lịch gắn liền với bảo tồn các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa Mường - một trong những di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh Thanh Hóa.

Có thể thấy, Dự án 6 đã và đang đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại huyện Thạch Thành. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa và phát triển bền vững, góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.