Sóc Trăng: Tích cực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc
VHO - Từ việc triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" những năm qua, đang tạo ra động lực quan trọng để công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng ngày càng lan tỏa và đi vào thực chất.
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VHTTDL Sóc Trăng cho biết, trong giai đoạn 2022-2024, Sở VHTTDL Sóc Trăng đã tích cực triển khai có hiệu quả các nội dung của Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Đến nay, Sở VHTTDL Sóc Trăng đã tổ chức 5/5 cuộc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; Tổ chức bảo tồn 5/5 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số. Hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận.
Tích cực tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể, các chương trình nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Xây dựng CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ trang thiết bị cho 28/80 đội văn nghệ truyền thống, xây dựng clip phóng sự giới thiệu về 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, thực hiện chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ 97 tủ và sách cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ 124 bộ trang thiết bị văn hóa, thể thao cho các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí thực hiện từ năm 2022 đến nay trên là 24 tỷ đồng.
Sở VHTTDL Sóc Trăng đang thực hiện 7/8 đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt về công tác bảo tồn với việc tổ chức trên 20 lớp hướng dẫn, truyền dạy các loại hình di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc thiểu số cho chủ thể văn hoá, trên 10 lễ hội dân gian truyền thống được bảo tồn và phát huy giá trị, thực hiện các đề tài: “Phong tục - Lễ hội của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2019 – 2020”, “Tín ngưỡng dân gian người Hoa ở Sóc Trăng; và Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” tại tỉnh Sóc Trăng giai đoạn I năm 2019 – 2025.
Vừa qua, Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng phối hợp UBND xã Phú Tân, huyện Châu Thành tổ chức tập huấn truyền dạy nghệ thuật múa Rom Vong, trình diễn trang phục truyền thống, nghề quết cốm dẹp của đồng bào dân tộc Khmer. Các lớp truyền dạy tập trung hướng dẫn, thực hành nghệ thuật trình diễn múa Rom Vong, trình diễn trang phục dân tộc Khmer phục vụ khách du lịch, hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện, đạo cụ, dụng cụ thực hành, truyền dạy và hướng dẫn thao tác, kỹ thuật quết cốm dẹp, hỗ trợ nguyên liệu, thực phẩm, vật dụng để thực hành quết cốm dẹp.
Ông Trần Minh Lý cho biết thêm, việc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng tích cực tổ chức các hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn liền với phát triển du lịch, là một chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế, hợp lòng dân. Không chỉ nghề truyền thống, nhiều di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng đang được Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng bảo tồn, phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, nhất là nguồn lực Dự án 6 đã tạo điều kiện cho nhiều CLB văn nghệ truyền thống tại các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số đã ra đời góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Có thể nói, thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách liên quan đến công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Để công tác này đạt hiệu quả cao, thiết thực hơn, trong thời gian tới Sở VHTTDL Sóc Trăng cần tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành các quy định, hướng dẫn chi tiết, ưu tiên, điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ triển khai các nội dung của Dự án 6.
Trong đó, chú trọng hỗ trợ tuyên truyềnrộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu gắn với phát triển du lịch của từng địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Minh Lý nhấn mạnh.